Hoàng thành Thăng Long: Đối mặt thách thức bảo tồn

ANTĐ - Tròn 5 năm sau ngày ghi tên vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh đô thị hiện đại đang phát triển… Với sự tham dự của các chuyên gia đến từ UNESCO cùng nhiều quốc gia trên thế giới, một cuộc hội thảo với tên gọi “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” đã được tổ chức. Đây được xem là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu đưa ra định hướng, kế hoạch hành động cho những năm tiếp theo.

Hoàng thành Thăng Long: Đối mặt thách thức bảo tồn ảnh 1Khách tham quan, khám phá các di tích trong khu Hoàng thành Thăng Long

Diễn ra vào sáng qua (23-11), cuộc hội thảo có sự tham dự của ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, bà Mechthid Roessler - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, ông Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam… cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước. 

Những bí ẩn mới nhất được hé lộ

PGS.TS Shigeeda Yutaka, chuyên gia lịch sử kiến trúc châu Á trường Đại học Tổng hợp Nippon (Nhật Bản) khẳng định: “Hoàng thành Thăng Long là một kho tàng vô hạn chứa nhiều di tích và di vật dưới lòng đất mà chúng ta chưa biết đến” và “Chắc chắn đây là trường hợp lâu dài nhất trong khu vực châu Á và có lẽ chỉ La Mã mới có thể so sánh được…”. Chính những giá trị quý giá kể trên, Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam đã được UNESCO nâng niu và vinh danh. 5 năm sau “đăng quang”, Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan vẫn đang tích cực bảo tồn và phát huy giá trị, thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản, trong đó công tác khảo cổ đang được triển khai một cách tích cực.

Liên tục các cuộc khai quật từ năm 2011 đến 2015 với các hố đào (tổng diện tích 2.500m2) được mở xung quanh nền Chính điện Kính Thiên, di tích Đoan Môn - cổng chính Cấm thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu đã bước đầu đưa ra cái nhìn toàn diện hơn về quy mô cũng như hình thái kiến trúc của kinh đô Thăng Long xưa.  

Hoàng thành Thăng Long: Đối mặt thách thức bảo tồn ảnh 2

Khách tham quan, khám phá các di tích trong khu Hoàng thành Thăng Long

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, các cuộc khai quật này tuy không lớn, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là lần đầu tiên xác định ở khu vực chính điện Kính Thiên tầng văn hóa có niên đại kéo dài từ thế kỷ VIII-IX đến thế kỷ XIX-XX. Cũng là lần đầu tiên xác định dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến hiện đại. Đặc biệt phải kể đến, các đợt khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc “khổng lồ” thời Lý. Một đường nước lớn với chiều dài 100m, kết cấu khá phức tạp.

Tạm thời các nhà khảo cổ đưa ra giả thuyết đây là cống thoát nước với quy mô và kỹ thuật xây dựng kỹ lưỡng và cẩn trọng. Bên cạnh đó, một sân nền lát gạch vuông thời Lý, các kiến trúc móng trụ sỏi, đường móng tường làm bằng sành… với quy mô lớn cũng đã được tìm thấy. Những dấu tích kiến trúc hoành tráng kể trên gợi liên tưởng tới một giả thiết, phía dưới của nền điện Kính Thiên có thể là dấu tích của Chính điện Càn Nguyên và Chính điện Thiên An (thời Lý - Trần).

Tiếp tục thực hiện chương trình hành động

Ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội , tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Đối với công tác bảo tồn, tôn tạo, Trung tâm đã thực hiện một số dự án bảo tồn đối với di tích cách mạng Hầm tác chiến, bước đầu nghiên cứu bổ sung tư liệu Nhà và hầm D67. Tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, trên phạm vi các hố khảo cổ bảo tồn nguyên trạng, công tác bảo tồn được tiến hành thường xuyên với việc chống rêu mốc, tiêu thoát nước và các tác nhân gây hại đến di tích.

Thực hiện phân tích các điều kiện môi trường, tính chất cơ lý, cơ hóa và thành phần hóa học nhằm xác định các phương pháp bảo tồn phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu tại khu vực. Tiến hành bảo tồn thí điểm tại khu vực hố khảo cổ Đoan Môn bằng phương pháp nano. Thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu bảo tồn cấp thiết khai quật khảo cổ học “dòng sông cổ” để phục vụ khách tham quan.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hoàng thành Thăng Long sau khi được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới đó là phổ biến di sản. Bên cạnh việc tuyên truyền, kết nối với các công ty du lịch trong và ngoài nước thu hút khách du lịch, thời gian gần đây Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn như “Xuân Quê hương”, “Festival âm nhạc Gió Mùa”, các chương trình cộng đồng kết nối người dân với khu di sản như chương trình “Giáo dục di sản”, “Em làm nhà khảo cổ”, Photovoice, Phototour..

Ông Trần Việt Anh cũng chia sẻ những khó khăn, diện tích khu di sản mà Trung tâm chưa được bàn giao để thống nhất quản lý 4,6ha/18,39ha. Sau gần 13 năm khai quật tại Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Trung tâm chưa được tiếp nhận, bàn giao số lượng di vật và hồ sơ khoa học khiến công tác nghiên cứu, quản lý giá trị di sản gặp nhiều khó khăn.

Giáo sư William Logan - Khoa Giáo dục và Nghệ thuật, trường Đại học  Deakin, Australia: “Cần có nhiều nghiên cứu khảo cổ học hơn”

ICOMOS (Cơ quan tư vấn của Ủy ban Di sản thế giới về di sản văn hóa) muốn có nhiều nghiên cứu khảo cổ học hơn để phát hiện, nghiên cứu, mô tả và có thể còn là bảo tồn nhiều khu vực hơn nữa của kinh thành trong lịch sử. Cơ quan này cũng muốn vùng đệm phải rộng hơn và được đảm bảo thực hiện. Tại Brasillia, Việt Nam đã cam kết thực hiện khuyến nghị này.

Giáo sư Nobuo Kamei - Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc gia Tokyo, Nhật Bản: Mở rộng cửa cho công chúng tham quan

Thông qua các phân tích nghiên cứu, kinh tế, xã hội do phía Việt Nam tiến hành với đối tượng là người dân địa phương, khách du lịch, học sinh, sinh viên… Chúng tôi có thể tìm ra định hướng phát triển của khu di sản và vùng phụ cận để quy hoạch phát triển, đồng thời thu thập được dữ liệu cơ sở để nghiên cứu ý nghĩa lịch sử của Thăng Long đối với Việt Nam, cũng như đóng góp của Thăng Long trong giáo dục với chủ đề bảo tồn.

Sẽ là rất vui nếu chúng ta thấy các khu vực mở rộng cho công chúng tham quan, các phòng trưng bày phong phú hơn, cũng như số lượng các sự kiện tổ chức ở khoảng không gian trước Đoan Môn ngày càng nhiều hơn. Song, các sự kiện lịch sử và các sự kiện khác cần được phục dựng dựa vào bằng chứng khoa học, còn những thứ tưởng tượng với mục đích thương mại hóa, dễ dãi, cần bị loại trừ để tránh sự hiểu lầm sai lệch về lịch sử.