Hoang phế hầm bộ hành

ANTĐ - Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhiều đường hầm bộ hành ở Hà Nội được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo ATGT cho người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, những chiếc hầm này đã bị biến thành nơi tá túc của người bán hàng rong, thậm chí nhiều nơi còn khoá cửa im ỉm, bỏ hoang.

Hầm bộ hành giờ là nơi ở và tá túc của một số người dân

Ăn, ngủ trong hầm bộ hành

Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ cũng như người tham gia giao thông trên các tuyến đường, TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhiều đường hầm bộ hành. Song, trên các tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến… các đường hầm bộ hành đang bị “bỏ quên”. Khảo sát trên đường Phạm Hùng, sáng  5-7, chúng tôi thấy chỉ có một số hầm bộ hành hoạt động, còn phần lớn đóng cửa im ỉm, không một bóng người qua lại. Do hầm bộ hành không mở cửa nên nhiều người buộc phải băng qua đường giữa dòng phương tiện đang nườm nượp. Là người thường đi xe buýt đến trường, bạn Nguyễn Thu Hằng - sinh viên trường ĐH dân lập Thăng Long cho hay, mặc dù các điểm dừng xe  thường được bố trí gần hầm bộ hành để người đi bộ có thể thuận tiện qua đường và tránh nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, song hàng ngày Hằng phải chấp nhận nguy hiểm băng qua đường để đến trường hoặc đón xe về nhà, bởi hai hầm đường bộ gần trường đều “cửa đóng, then cài”.

Đáng nói, một hầm bộ hành nằm ngay đầu đường Phạm Hùng còn được người dân dựng những tấm gỗ, xếp thành từng tầng ngay lối vào, trở thành nơi tá túc của một số người lao động ngoại tỉnh. Bên ngoài, cánh cửa sắt hoen gỉ khoá chặt, nhiều  gạch lát tường bong tróc trơ trọi, bên trong những đống chăn, chiếu, quần áo và dụng cụ nấu nướng để ngổn ngang trong lớp bụi tầng tầng, lớp lớp. Trong khi đó, một số hầm còn trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Thậm chí, trong khi chúng tôi đang khảo sát tình trạng chiếm dụng hầm bộ hành tại đây, những người dân thiếu ý thức còn phóng uế bừa bãi.

Còn tại đường hầm bộ hành Kim Liên, cắt ngang đường Lê Duẩn và đường Giải Phóng cũng trong tình trạng tương tự. Theo quan sát của chúng tôi, không ít người đi bộ thản nhiên băng qua lòng đường, nơi các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, bỏ quên đường hầm dành cho mình. Trong khi đó, nhiều hầm bộ hành dù vẫn đang hoạt động nhưng khi vào bên trong bốc mùi khó chịu. Bên cạnh đó, trên tường nhiều dòng chữ phản cảm được viết khắp nơi trông rất mất mỹ quan. Bác Nguyễn Văn Vịnh - cán bộ về hưu ở phường Kim Liên, quận Đống Đa chia sẻ: “Để xây dựng hầm bộ hành, thành phố phải đầu tư nhiều tỷ đồng cho việc thiết kế các hạng mục trong hầm. Vậy mà, hiện chúng trở thành nơi để một số người dân thiếu ý thức chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán, tá túc… Đúng là rất lãng phí”.

Hoang phế hầm bộ hành ảnh 2
Cửa đóng im ỉm không hoạt động 
(Ảnh chụp hầm bộ hành trên đường Phạm Hùng)

Lãng phí và chưa phát huy hiệu quả

Đáng nói hơn, một số hầm bộ hành như Ngã Tư Sở có vốn đầu tư lớn với thiết kế tách riêng làn đường dành cho xe đạp, người đi bộ, hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại. Song, thời gian gần đây, lại trở thành điểm giải trí, tập thể dục… của một số người dân sống quanh khu vực. Một số người dân cho biết, do hầm quá nhiều cửa lên xuống, bảng chỉ dẫn không rõ ràng, rất dễ bị lạc nên ít người đi qua đây.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân thờ ơ với hầm bộ hành là vì nhiều người vẫn chưa quen sử dụng loại hình giao thông công cộng này. Đồng thời, công tác an ninh dưới hầm chưa tốt, gây lo lắng cho người dân. Bác Nguyễn Thu Thuỷ - một người dân sống ở phố Vọng, quận Hai Bà Trưng than phiền: “Trước đây, khi hầm bộ hành mới hoạt động, tôi vẫn thường đi bộ để sang đường. Nhưng gần đây một số hầm, không đảm bảo vệ sinh như trước nên tôi đành phải đi bộ sang đường…”.

Hiện Hà Nội có khoảng 20 hầm đường bộ, vốn đầu tư để xây dựng 1 chiếc hầm lên đến hàng tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là trong khi không ít vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân chính là người đi bộ sang đường thì tại sao những hầm bộ hành hiện đại lại bị bỏ hoang, hoặc nếu có sử dụng thì hiệu quả không cao, gây lãng phí tiền của, công sức xây dựng. Về vấn đề này, thạc sĩ Vũ Thu Nga - giảng viên trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, các công trình giao thông, đặc biệt là hầm đường bộ phải có giải pháp quản lý giao thông tiếp cận hợp lý. Công trình cơ sở hạ tầng hầm đường bộ nằm trong dự án mạng lưới giao thông và tầm nhìn chiến lược, nhưng chính việc tổ chức quản lý khai thác chưa hợp lý kéo theo những hệ lụy và khiến cho chức năng của hầm đường bộ không phát huy hiệu quả của nó. Vị trí hầm bộ hành trong chừng mực nào đó khiến người đi bộ khó tiếp cận.