Hoang mang vì thay đổi cách ra đề sát kỳ thi tốt nghiệp THPT

ANTĐ - Thay đổi thời gian làm bài thi xuống 120 phút như kiểu hạ huyết áp đột ngột, học sinh sẽ không có cách nào huy năng lực. Thêm nữa việc thay đổi hình thức ra đề ngữ văn cũng có khả năng kéo thấp tỷ lệ đỗ tốt nghiệp…

Rất nhiều chất vấn như vậy đã được đề cập đến trong buổi làm việc của Bộ GD-ĐT ngày 10-4 về đổi mới kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn. Trong đó, có chuyên gia nêu rõ nếu áp dụng ngay những đổi mới theo hướng của Bộ GD-ĐT, thì nhiều khả năng điểm số môn này sẽ hạ thấp, khi thời gian còn lại trước kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ tính khoảng 7 tuần.

Vài tuần nữa liệu có đủ để thay đổi cách học và làm bài thi tốt nghiệp của hơn 1 triệu thí sinh?


Hốt hoảng cũng không nói quá

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Trọng Hoàn, trong các trường phổ thông, các môn học đặc biệt là môn ngữ văn chưa có hoạt động học sinh tự đánh giá. Điều này không những làm giáo viên thấy gò bó, học sinh nhàm chán, khô khan, không cảm xúc, lâm vào học vẹt, vì thế phải thay đổi cách dạy, cùng với đó là thay đổi cách đánh giá với bộ môn này.

Chính vì vậy việc Bộ GD-ĐT công bố hình thức đề ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không như các năm trước, khi vừa rút ngắn xuống còn 120 phút vừa chia làm hai phần đọc hiểu và làm văn. Trong đó phần đọc hiểu được áp dụng theo cách đánh giá Pisa gồm một văn bản với hệ thống câu hỏi đánh giá kỹ năng đọc hiểu, vận dụng của thí sinh.

Tuy nhiên, các thay đổi này đều khiến các nhà giáo lo lắng. Ông Hoàng Văn Cẩn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ví von thời gian làm bài thi ngữ văn hạ xuống 120 phút cũng giống như kiểu hạ huyết áp đột ngột. 120 phút không có cách nào để học sinh phát huy hết năng lực sáng tạo….

Bà Phạm Thị Huệ, đại diện Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, giáo viên có rất nhiều băn khoăn nhưng chỉ hỏi 2 điều đổi mới thi TN THPT là thời gian 120 phút và đề thi gồm 2 phần đọc hiểu và làm văn. Về thời gian, môn ngữ văn có đặc thù khác môn tự nhiên, so với thông thường làm bài 150 phút thì nếu còn 120 phút vẫn phải làm đủ ý, không thể chỉ làm nửa bài. Điều này cần chuẩn bị kỹ năng cho học sinh để đảm bảo yêu cầu đề bài trong thời gian cho phép. Trong khi đó, thông tin đến giáo viên học sinh tính từ 1-4 đến 1-6 chỉ có 2 tháng để chuẩn bị. Điều này khiến giáo viên rất lo lắng.

Bà Nguyễn Thị hường, Sở GD-ĐT Lào Cai cũng khá trăn trở về đề thi tốt nghiệp THPT. Đổi mới đề Văn với phần đọc hiểu theo đánh giá Pisa và đề xuất phần đọc hiểu có thể không có trong sách giáo khoa nhưng phải quen thuộc với học sinh, lượng câu hỏi, cách hỏi phù hợp với học sinh đại trà, số lượng ở mức vừa phải.

Thầy Trần Xuân thành, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, chuyên viên ngữ văn cũng chia sẻ hiện Sở chưa biết trả lời thầy cô như thế nào. “Nếu không đổi mới thì học sinh sẽ đưa ra những sản phẩm nhai lại. Đề thi lớp 10 Sở cũng rất khổ sở vì chỉ được ra đề nằm trong chương trình. Chúng tôi đã đề xuất đưa ra theo hướng đánh giá năng lực, nhưng chưa được duyệt vì cần có quá trình. Nếu Bộ đổi mới phải có hướng dẫn cụ thể”.

Chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp không cao?

Trước rất nhiều ý kiến trình bày khó khăn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển sốt ruột bày tỏ: “Thay đổi thói quen rất khó. Từ lâu Bộ không ra cấu trúc đề thi, Bộ chỉ đưa ra ma trận đề thi khoa học và đúng nghĩa hơn. Năm nay Bộ cũng không có cấu trúc đề thi mà sẽ đưa ra hình thức ra đề phần đọc hiểu là văn bản tư liệu dẫn và ra câu hỏi theo đánh giá Pisa. Việc cần bàn thêm là phần này kiểm tra kỹ năng gì, phần bài viết kiểm tra kỹ năng gì để đưa vào ma trận đề thi”. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Muốn thay đổi thì thuốc phải đắng”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, chuyên viên Sở GD- ĐT Hải Dương phản ánh băn khoăn của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh về đổi mới thi ngữ văn của tỉnh mình và cho biết, rất nhiều cán bộ quản lý trường THPT hàng ngày gọi điện hỏi hướng ôn tập như thế nào.

Thực tế, theo bà Nguyễn Thị Thu Thanh, từ thực trạng giáo dục thì việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận môn ngữ văn đối với nhiều giáo viên còn rất lúng túng. Biên soạn, hướng dẫn chấm theo hướng đề thi mở vẫn còn lúng túng. Đề thi học sinh giỏi rất nhiều bài sáng tạo nhưng bản thân thầy cô giáo vẫn chưa phát hiện, trân trọng cái mới của học sinh, không dám ghi nhận bởi bản thân vẫn bị đóng khuôn trong tư duy cũ. Để đổi mới có nhiều yếu tố nhưng quan trọng là thay đổi nhận thức của thầy cô giáo về đề mở, trên cơ sở nền kiến thức kỹ năng các em cần đạt được, từ đó phát triển lên.

Bà Đỗ Thị Hương Bưởi, chuyên viên Sở GD-ĐT Hà Nam đề xuất, trước yêu cầu đổi mới với kỳ thi TN THPT sắp tới, câu hỏi mong được giải đáp là có văn bản thống nhất hướng dẫn cụ thể ra đề thi tốt nghiệp như thế nào để triển khai cấp cơ sở.

“Không nên tạo ra sự bất ngờ với giáo viên, học sinh. Nếu không chất lượng kỳ thi sắp tới sẽ như thế nào, liệu có trở tay kịp hay không để học sinh có tâm thế tốt nhất cho kỳ thi?”- bà Đỗ Thị Hương Bưởi nêu ý kiến.

Trước các ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, năm nay cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn năm trước. “Các năm trước Bộ cũng yêu cầu đổi mới nhưng triển khai vẫn rất chậm chạp. Đề thi năm nay phải cân nhắc cả mục tiêu giáo dục phát triển năng lực người học và điều kiện thực tế. Tuy nhiên theo tôi, ưu tiên là hướng tới mục tiêu giáo dục, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hay thấp là ưu tiên thứ 2. Nếu chỉ đỗ 90%, tôi nghĩ mọi người sẽ được đánh giá là sát thực tế hơn. Bộ sẽ cố gắng chọn những người giỏi nhất ra đề theo cách này” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.