Hoảng hốt với đề xuất thay đổi bảng chữ cái của Phó giáo sư Bùi Hiền

ANTD.VN - Mặc dù chỉ là nghiên cứu cá nhân nhưng khi được tung lên mạng, đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội gây “sốc” nặng với nhiều người.

Cải tiến chữ viết, phải học đánh vấn từ đầu

PGS.TS Bùi Hiền cho rằng chữ quốc ngữ hiện đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng.

Nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội kiến nghị phương án cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình Nhà nước. Cụ thể, cần bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái Tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.  Đồng thời thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên.

Cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Ngôn ngữ cải tiến này sẽ biến cách viết từ "Luật giáo dục" hiện nay thành “Luật záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ", "nước ngoài" thành "nướk qoài"... 

Văn bản được trình bày theo đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền

“Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động; các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu.

Đó là chưa kể tất cả các văn kiện của Đảng, Nhà nước và tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ có các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được” - GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể bình luận.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng, cải tiến như vậy sẽ làm đảo lộn và làm phức tạp hóa thêm vấn đề, chứ không hề tạo ra tiện lợi hơn trong việc sử dụng.

Đó là chưa kể, làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ra một kiểu chữ La tinh theo bản sao, rất xa lạ với tư duy truyền thống của người Việt.

Nhiều đề xuất cải tiến để tránh sai chính tả

Bên cạnh những ý kiến "ném đá" đề xuất này, cũng có người cho rằng nó dễ nhớ, dễ sử dụng. Cái gì mới cũng thường bị đả phá, thậm chí giễu cợt nhưng nếu có nghiên cứu khoa học, tiếp tục xây dựng phương án hoàn hảo hơn thì không phải là không nên bắt đầu cải tiến Tiếng Việt.

Một số ý kiến của các bạn trẻ cho rằng nhiều từ viết tắt, đọc 1 âm nhưng viết thành 2 chữ cái đã được "cư dân mạng" cải biến từ lâu, nên cách viết mới cũng không đến nỗi "không chấp nhận được". 

Ngoài ra, vấn đề gặp phải hiện nay là ngày càng nhiều học sinh viết sai chính tả vì không nắm được quy luật sử dụng những từ đồng âm nhưng lại khác nhau về phụ âm, các chữ như r, d, gi hay ch, tr, x,s... luôn gây khó cho người sử dụng bởi chỉ có thể nhớ chứ không thể đặt ra một quy luật cụ thể chung cho việc sử dụng những chữ này trong ngôn ngữ tiếng Việt.

Cô Phạm Minh Hà, giáo viên dạy văn THCS Alpha, Hà Nội cho biết, học sinh vẫn nhầm lẫn rất nhiều về chính tả khi viết văn. Nhiều em đã không thích môn này lại gặp rắc rối vì không phân biệt được các chữ nói trên trong khi giáo viên lại không thể giải thích vì sao lại dùng chữ này mà không dùng chữ kia. Việc điều chỉnh chữ tiếng Việt làm sao để người sử dụng hiểu và dùng đúng cũng là điều cần thiết.

PGS.TS Bùi Hiền cho biết, hiện ông đã 83 tuổi và đang nghiên cứu đề tài này trong phạm vi chuyên môn và công bố trong một hội thảo ngôn ngữ chứ chưa có ý định lấy ý kiến rộng rãi. PGS.TS Bùi Hiền cũng đánh giá, rất khó để mọi ý kiến đều cùng ủng hộ và chấp nhận, tuy nhiên việc đặt ra vấn đề để nghiên cứu, đổi mới đối với các nhà khoa học là điều cần thiết.

PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định đây chỉ là ý kiến cá nhân về việc cải tiến tiếng Việt chứ không phải là quan điểm của giới ngôn ngữ học.

“Mọi người cũng yên tâm, chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó. Việc ta trao đổi cứ trao đổi, vì khoa học cho phép điều đó” - PGS TS Phạm Văn Tình trấn an.