Hoảng hốt lan truyền vì gã ăn thịt người sắp xuất viện

ANTĐ - Người mẹ nào sinh con ra mà chẳng muốn con nên người. Song, số phận ác nghiệt, nghịch cảnh trớ trêu của bệnh tật mà Hà Văn Pẩu mắc phải đã làm cho bà mẹ già phải gục ngã trước cú sốc mà đứa con tội nghiệp của mình gây nên.

Cánh rừng hồi xứ Lạng bao phủ một màu xám trong cơn mưa đông. Con đường vào thôn Nà Bản, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, Lạng Sơn khó đi rất trơn trượt. Cái tên Nà Bản gắn liền với Hà Văn Pẩu từ cách đây 3 năm, giờ đây vẫn như in trong đầu mỗi con người ở đây. Từ thành phố Lạng Sơn vào Nà Bản chừng 30 cây số, nhưng hỏi ai cũng biết Hà Văn Pẩu như là hiện thân của nỗi kinh hoàng.

Nà Bản ngập trong lo sợ trước sự trở về của Pẩu

Câu chuyện buồn xảy ra ở Nà Bản đã qua 3 năm, tôi không muốn nhắc đến một quá khứ đau buồn bởi kẻ gây án là kẻ không bình thường. Song, lần trở lại Nà Bản này, không phải để lục lại chuyện cũ mà Hà Văn Pẩu đã gây ra, mà là câu chuyện về cuộc sống với biết bao nỗi lo sợ không lường trước được khi sắp tới Hà Văn Pẩu “xuất” viện tâm thần trở về. Pẩu bị bệnh tâm thần phân liệt và là thủ phạm vụ giết hại cháu Hoàng Thị D (SN 2002) hết sức thương tâm vào năm 2008. Án sơ thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt Pẩu tử hình, nhưng án phúc thẩm của TANDTC đã quyết định hủy án sơ thẩm và cho Pẩu đi chữa bệnh bắt buộc tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

 Chuyện đã tạm lắng xuống sau cánh rừng hồi Nà Bản qua ba mùa trút lá, và cuộc sống của các cháu nhỏ đã không còn phải có bố mẹ kè kè đưa đi học như cách đây không lâu nữa. Nhưng,  nỗi lo sợ ở bản làng ấy cònchưa kịp tan trong đầu người dân thì mới đây nhận được tin Pẩu sắp từ viện trở về Nà Bản. Cả Nà Bản xôn xao, lo sợ. Ngày 8-12, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc làm việc tại xã Đồng Giáp để tìm hiểu cụ thể, chi tiết sự việc. Tại đây, ông Lăng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp cho biết: “Ngày 11-10-2011, Hà Văn Pẩu được bệnh viện đưa về trụ sở UBND xã Đồng Giáp và giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý.

Ngay khi Pẩu về địa phương, xã đã gọi người nhà đến nhận Pẩu về, cụ thể, anh của Pẩu là Hà Văn Đoàn và em là Hà Văn Xuôi. Ngay hôm đó, gia đình Pẩu đã họp để rồi đưa ra quyết định là không nhận Pẩu nữa. Ngày 13-10, anh Hà Văn Xuôi viết đơn và một ngày sau, anh Hà Văn Đoàn cũng có đơn gửi UBND xã với nội dung:  Hiện hai người đều đã ở riêng. Ngôi nhà của Pẩu trước đây đã bị phá không còn gì. Bệnh tình của Pẩu chưa giảm nên nếu nhận Pẩu về sợ một ngày nào đó bệnh tái phát, có thể gây ra những hậu quả khó lường. Bản thân những người hàng xóm của Pẩu cũng vô cùng lo lắng khi biết tin Pẩu trở lại địa phương. Ngay cả hai gia đình anh Đoàn và anh Xuôi hiện giờ cũng hết sức khó khăn nên việc nhận Pẩu về nhà chăm sóc, quản lý là không thể. Chính vì thế, họ kiên quyết không nhận Pẩu”.

PV ANTĐ trao đổi với ông Lăng Văn Toàn Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp


“Xin anh đừng về Nà Bản”

“Tôi thực sự buồn và thương cho anh tôi. Mỗi khi nhắc đến tôi lại thương mẹ tôi nhiều lắm. Mẹ tôi là giáo viên trường Tiểu học Xuân Long huyện Văn Quan. Cả mấy chục năm bà chỉ lo chữa chạy cho Pẩu nhưng không được. Cách đây mấy năm, khi Pẩu chưa gây án, mẹ tôi và gia đình đã đưa đi chữa bệnh tại bệnh viện Tâm thần Trung ương ở Thường Tín. Một lần điều trị 6 tháng và một lần điều trị 4 tháng. Nhưng khi về nhà Pẩu lại gào thét và đập phá khiến gia đình kiệt quệ. Năm ngoái, mẹ tôi đã không gượng dậy nổi, bà đã mất vì bị cú sốc quá lớn từ khi Pẩu ăn thịt cháu bé” - anh Hà Văn Xuôi là em trai của Pẩu buồn bã kể.

Hiện anh Xuôi là Công an viên thôn Cốc Sáng, xã Đồng Giáp. Vợ chồng anh Xuôi có 2 người con đang tuổi đi học. Cháu Hà Hồng Nhung con gái anh đang học lớp 5 và cháu Hà Trung Đông đang học lớp 3 tại trường Tiểu học Đồng Giáp. Đây chính là nỗi lo sợ mà gia đình anh không thể đón anh Pẩu về nhà chăm sóc được. Hơn nữa, xã Đồng Giáp, còn hàng trăm cháu, với hàng nghìn con người đang sinh sống, ai dám chắc được, “cơn thịnh nộ” của người điên sẽ không lặp lại nữa!? “Tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất, là xin để anh tôi được ở viện, đừng cho Pẩu về đây. Tôi không sợ phải chăm sóc mà sợ Pẩu sẽ ăn thịt cháu mình…” - anh Xuôi nói trong nước mắt. “Ngay trong ngày 11-10-2011 khi trên đường đưa Pẩu từ bệnh viện về Pẩu đã hò hét. Về đến xã, chúng tôi phải đưa Pẩu vào phòng nghỉ trong ủy ban. Pẩu chỉ yên được một lúc rồi lại gào hét đập phá ầm ĩ…”- anh Lăng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp nói.

Anh Hà Văn Xuôi em trai Hà Văn Pẩu làm đơn “xin” không cho anh Pẩu về Nà Bản nữa

Lá đơn xin “từ” người anh ruột của mình được Hà Văn Xuôi chuyển gấp đến lãnh đạo UBND xã Đồng Giáp. Ngày 15-10, lãnh đạo xã đã có cuộc họp với sự tham gia của Phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Quan, phòng tư pháp huyện, trung tâm y tế huyện cùng Bí thư, chủ tịch UBND xã Đồng Giáp và đại diện gia đình của Pẩu. Cuộc họp đưa ra kết luận là đưa Pẩu đi điều trị tiếp ở bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Điều làm người dân cũng như lãnh đạo xã lo lắng là trong giấy tờ thủ tục cũng như viện phí, chỉ giới hạn cho Pẩu chữa trị trước mắt là 2 tháng với mức 3 triệu đồng/tháng. Có nghĩa là nếu như không có gì thay đổi thì 15-12-2011 này Pẩu được “xuất” viện. 

Chính vì vậy, UBND xã đã họp và có kế hoạch sẽ hỗ trợ làm một gian nhà tạm để khi Pẩu về địa phương có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, ý kiến của anh Đoàn và anh Xuôi không đồng ý với việc làm nhà tạm cho Pẩu với lý do Pẩu không tự nấu ăn được. Xây nhà xong liệu Pẩu có ở không, ai là người trông nom, quản lý Pẩu vì 2 anh nhất quyết không nhận Pẩu trở về nhà. Bác sĩ Dương Văn Lương, Phó giám đốc Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương, cho biết: “Hà Văn Pẩu là bệnh nhân tâm thần đã lâu. Với những bệnh nhân loại này, cũng có lúc họ tỉnh táo, nói chuyện như người bình thường. Nhưng vào một giai đoạn nào đó, bệnh tái phát và có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Bệnh viện không phải là nơi giam giữ mà chỉ là nơi điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Trường hợp của Pẩu, sau khi ra viện có thể vào Trung tâm Điều dưỡng bệnh xã hội và ở đây trong một thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn”. Về việc này, ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tỉnh Lạng Sơn chưa có Trung tâm Điều dưỡng bệnh xã hội mà chỉ có các Trung tâm Bảo trợ xã hội dành cho người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người nghiện ma túy… nên khi Hà Văn Pẩu xuất viện và trở về địa phương thì cách giải quyết là xây nhà cho Pẩu tại địa phương”.