Hoan nghênh Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực đối mới thi cử!

ANTĐ - Phương án thí điểm tuyển sinh bằng một bài thi tổng hợp, nhằm đánh giá toàn diện năng lực người học đã được Thủ tướng Chính phủ khen là sự đổi mới tích cực trong thi cử của Đại học Quốc gia Hà Nội và được đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Bên hành lang Quốc hội chiều 8-6, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này. 

Hoan nghênh Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực đối mới thi cử! ảnh 1Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

- PV: Ông nhận xét thế nào về kỳ thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội?

- Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, đây là sự cố gắng tích cực đổi mới cách đánh giá năng lực, trình độ học tập của học sinh, theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Chúng ta quá quen với cách đánh giá về thi cử theo kiểu kiểm tra những kiến thức học sinh tiếp thu được trong quá trình học tập một cách hơi “bài vở”, hay gọi cách khác là kiểm tra học thuộc lòng. Còn việc trường Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng theo cách đánh giá và định hướng học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về một vấn đề nào đó, mà còn phải định hướng xem vấn đề đó như thế nào sẽ đòi hỏi khả năng sáng tạo trong sử dụng kiến thức.

Tôi hoan nghênh trường Đại học Quốc gia Hà Nội về cách làm mới này trong thi cử. Tuy nhiên, đây là việc làm mới, nên cần tiếp tục đánh giá để thấy được những mặt tích cực và đánh giá những mặt chưa được dựa trên cơ sở những ý kiến của người trực tiếp tham gia thi, gia đình họ và xã hội… để rút kinh nghiệm, vừa làm, vừa sửa cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

- Không ít chuyên gia cho rằng, đổi mới từ kỳ thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia Hà Nội có thể là bài học kinh nghiệm cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tới đây. Ông nghĩ thế nào?

- Thi như Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thí điểm vừa qua sẽ giảm bớt phiền hà, khó khăn cho người tham gia thi và cũng giảm bớt khó khăn về mặt xã hội. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những trở ngại nhất định vì đối tượng tham gia thi rất rộng, có thể ở Hà Nội và cũng có thể ở các tỉnh, thành phố khác, nên vẫn có sự di chuyển và cần có thời gian chuẩn bị nhất định. Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong thời đại công nghệ thông tin và dần dần địa điểm thi cũng không phải là cố định, cũng không phải bắt buộc. Tôi hy vọng sau này, người tham gia thi có thể được thi bằng nhiều cách, nhiều kênh khác thuận lợi hơn.

- Một vấn đề khác cử tri cũng rất quan tâm là có nên đánh giá năng lực, trình độ của học sinh qua các cấp học, nhất là cấp THPT để xét tuyển vào đại học?

- Quốc hội đã dành riêng nhiều phiên họp để thảo luận về thi cử và thấy rằng vấn đề này vẫn còn mang tính hình thức, chưa thấy hết được trình độ và kiến thức thực chất của học sinh. Vì thế, việc cải tiến và tổ chức lại các kỳ thi để vừa đánh giá thực chất kiến thức và trình độ, vừa giảm bớt chi phí xã hội, chi phí của ngân sách Nhà nước là hoàn toàn cần thiết.

Theo tôi, cách tổ chức đánh giá năng lực, trình độ của học sinh qua các cấp học, nhất là cấp THPT để xét tuyển vào đại học cũng là một biện pháp tích cực, nên thí điểm theo hướng đó và cá nhân tôi ủng hộ vấn đề này. Nhưng, trước mắt cần tiếp tục giảm thiểu những trở ngại, khó khăn vướng mắc cho thí sinh cũng như gia đình họ và theo tôi đó vẫn là điều cấp thiết nhất hiện nay.