Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung

Hoài nghi bao trùm

ANTĐ - Trong hai ngày 23 và 24-6, tại Thủ đô Washington của Mỹ đã diễn ra cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung lần thứ bảy. Mặc dù các quan chức cấp cao hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và thu hẹp những bất đồng, nhưng sự hoài nghi vẫn bao trùm quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. 
Hoài nghi bao trùm ảnh 1

Các quan chức Mỹ - Trung tham dự đối thoại trong bầu không khí nghi ngờ lẫn nhau


Cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung diễn ra với sự đồng chủ trì về phía Mỹ là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, còn phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương. Những hoạt động xâm chiếm trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã trở thành một chủ đề nóng tại sự kiện lần này.

 Điều này được thể hiện rõ ngay từ trong phát biểu khai mạc của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà lãnh đạo này cảnh báo tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm phải tuân thủ luật lệ quốc tế, hợp tác để giữ cho các tuyến đường biển quốc tế luôn mở cửa hoàn toàn cho giao thương. Ông nêu rõ những quốc gia từ bỏ biện pháp ngoại giao để quay sang sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa để giải quyết các tranh chấp sẽ chỉ gây ra những bất ổn. 

Không thể tránh khỏi bất đồng và đối đầu

 Cuộc đối thoại năm nay được kỳ vọng đặt nền móng cho chuyến thăm Nhà Trắng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới. Chương trình nghị sự ngổn ngang của cuộc đối thoại phản ánh mức độ sâu sắc của mối quan hệ giữa hai nước bất chấp sự kình địch đang ngày càng lớn giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, hầu như không ai mong đợi đối thoại Trung - Mỹ lần này sẽ đạt được kết quả lớn.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Biden  - Phó Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều bất đồng rất lớn, tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ Trung - Mỹ quá quan trọng, không chỉ có Mỹ - Trung phụ thuộc vào mối quan hệ này, mà cả thế giới cũng phụ thuộc vào sự thành công chung của hai nước.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông nói rằng Mỹ và Trung Quốc có thể duy trì mối quan hệ song phương đi đúng hướng chừng nào hai nước “tôn trọng và thích ứng với những lợi ích cốt lõi của nhau.” Một Phó Thủ tướng khác của Trung Quốc, ông Uông Dương, cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều cần tới hợp tác song không thể không có đối đầu.

Các quan chức Mỹ nói rằng họ ngày càng tin tưởng rằng Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc thông tin cá nhân của 14 triệu nhân viên liên bang Mỹ bị đánh cắp. Chính quyền Mỹ không công khai cáo buộc Trung Quốc thực hiện vụ đánh cắp thông tin này, mặc dù Quốc hội Mỹ đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc. 

Ngày 24-6, Tổng thống Obama đã khép lại 2 ngày đối thoại bằng việc nêu quan ngại về cách hành xử trên không gian mạng của Trung Quốc và những căng thẳng liên quan đến các vùng biển tranh chấp ở Đông Á.

Những mục tiêu cần đạt được

Cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ lần thứ bảy diễn ra trong bối cảnh phức tạp và cấp bách hơn, bởi vậy ý nghĩa của nó càng quan trọng. Theo thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, nhìn từ góc độ Trung Quốc, hai bên cần thông qua cuộc đối thoại để đạt được bốn mục tiêu sau: 

Thứ nhất, chuẩn bị tốt cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào tháng 9 tới. Đây là sự kiện quan trọng đối với quan hệ hai nước, cũng sẽ là chuyến thăm cấp Nhà nước cuối cùng của nguyên thủ Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đón trong nhiệm kỳ của mình. Nó sẽ ảnh hưởng tới phương hướng phát triển quan hệ Trung - Mỹ giai đoạn tiếp theo; Mục tiêu thứ hai là cần tranh thủ cơ hội này để giải tỏa những hoài nghi chiến lược đang bao trùm quan hệ hai nước. Phía Trung Quốc cần giải thích rõ với Mỹ những vấn đề mà Washington quan tâm.

 Mỹ cũng cần giải thích về những vấn đề mà Trung Quốc quan tâm và lo lắng, trong đó bao gồm cả việc Trung Quốc cho rằng chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương là nhằm vào Bắc Kinh, Washington đang “đổ thêm dầu vào lửa”... trong những va chạm giữa Trung Quốc và các nước xung quanh;” Mục tiêu thứ ba là Trung - Mỹ cần phấn đấu đạt được đột phá mới trong quy tắc hợp tác kinh tế, nhất là thúc đẩy đàm phán Hiệp định đầu tư song phương, đưa đồng nhân dân tệ vào gói tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

 Đây đều là những nội dung thực chất của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ, nó cũng là thước đo quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ nước lớn kiểu mới Trung - Mỹ; Mục tiêu thứ tư, hai bên cần thông qua đối thoại toàn diện cấp cao nhất này để giảm nhiệt các vấn đề nóng giữa hai nước lớn, trước hết là vấn đề Biển Đông. 

Xung quanh vấn đề Biển Đông, vài ngày trước quan chức và truyền thông hai nước đều bày tỏ thái độ đối lập, Mỹ có động thái công kích, Trung Quốc cũng không mềm yếu. Hiện Trung Quốc đã tuyên bố công trình xây dựng lấn biển ở Biển Đông sắp hoàn thành, đây cũng là cái cớ để hai bên có thể hạ giọng.    

Giới quan sát cho rằng, cuộc đối thoại chiến lược lần này được diễn ra trong bối cảnh giữa hai nước còn nhiều nghi kỵ và khác biệt, tuy nhiên đây được đánh giá là cuộc đối thoại quan trọng. Mặc dù vậy, hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn phủ bóng lên quan hệ hai nước. Trong thời gian gần đây, tuy Trung Quốc đã dịu giọng trong vấn đề Biển Đông nhưng trên thực tế Bắc Kinh không hề thay đổi lập trường.

 

Cho tới nay Trung Quốc không tiết lộ bất cứ điều gì về các kế hoạch quân sự hóa các đảo nhân tạo, trong khi đây mới thật sự là điều gây lo ngại cho các nước có lợi ích ở vùng biển trọng yếu này. Chính vì vậy, vấn đề Biển Đông đã được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu bật ngay từ phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, với việc cảnh báo rằng tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm phải tuân thủ luật lệ quốc tế, hợp tác để giữ cho các tuyến đường biển quốc tế luôn mở cửa hoàn toàn cho giao thương, đồng thời phải tránh việc sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa để giải quyết các tranh chấp. 

Tuy nhiên, nhìn từ những diễn biến gần đây và kết quả của các cuộc đối thoại song phương trước đây, có thể thấy rằng khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế sẽ vẫn chỉ là đối thoại mà thôi.