Hoài cổ dệt the La Khê có tên trong “tứ quý danh hương”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xưa, the La Khê có tên trong tập “tứ quý danh hương” (Mỗ - La - Canh - Cót) và được người dân chọn mặc trong những ngày hội làng, lễ Tết. Nay, the La Khê dần vắng bóng. Ngay đến người dân La Khê thì nghề dệt the thời gian gần đây có lẽ chỉ còn là những câu chuyện hoài cổ của một số ít người dân vẫn đau đáu với nghề truyền thống vang danh một thời của cha ông.
La Khê giờ đây chỉ còn nghệ nhân Lê Đăng Toản đau đáu với nghề

La Khê giờ đây chỉ còn nghệ nhân Lê Đăng Toản đau đáu với nghề

Đằm thắm dáng lụa the La Khê

Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới hỏi thăm được đến nhà anh Lê Đăng Toản - một nghệ nhân vẫn duy trì nghề dệt the truyền thống của làng đúng lúc anh mới dừng dệt tấm the cuối cùng để chuyển cho một cửa hàng ở Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Anh cất lại một số dụng cụ, rồi khóa cửa nhà xưởng để chuẩn bị đón Tết như mọi nhà. Anh cười: “Mọi năm, tôi nghỉ tay từ cách đây 1 tháng. Nhưng năm nay, tôi làm nốt đơn hàng cuối cho kịp hợp đồng”.

Vừa tiếp chuyện, bà Bạch Hồng Ân, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã La Khê - một trong những người tâm huyết khôi phục làng nghề - vừa lật giở mấy mẫu the trong cuốn sổ ghi chép về nghề của làng kể: Làng La Khê xa xưa vốn nổi tiếng với nghề nuôi tằm, dệt lụa. Cái tên La Khê cũng có nghĩa là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ. Ban đầu, người dân La Khê chỉ sản xuất sản phẩm thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi phục vụ chốn Kinh kỳ Thăng Long xưa. Đến đầu thế kỷ XVII, có 10 gia đình người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) đến lập nghiệp, mang theo nghề dệt the, sa nhuộm đen và dạy lại cho dân làng. Những sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo ra đời từ đây.

“Hàng the, sa nhẹ, mỏng nhưng lại bền và đẹp hơn nhiều so với sồi, đũi. Đây là mặt hàng cao cấp được lựa chọn để may trang phục cho các tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến xưa. Thấy the, sa đẹp, nên năm 1823, triều đình nhà Nguyễn cho phép La Khê lập xưởng dệt cho kinh thành Huế. Người dân được miễn đi lính để phục vụ phát triển làng nghề. Hồi đó, chợ cầu Đơ là nơi để người dân trong làng bán buôn. Cứ mỗi tháng 6 phiên, người người tấp nập mua bán. Lái thương ồ ạt đổ về mua the lụa La Khê rồi chuyển đi khắp cả nước, thậm chí sang cả châu Âu. Vào đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân làng nghề còn được phong cửu phẩm, bá hộ và the làng La được mang triển lãm ở Thủ đô Paris (Pháp)... Chiến tranh nổ ra, đến năm 1954, hòa cùng với công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện cho chiến trường miền Nam, cả làng La Khê chuyển sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay… để phục vụ sinh hoạt thời chiến. Đến khi đất nước thống nhất, nhưng nhu cầu về sự tiện dụng trong trang phục khiến cho the La Khê mai một dần”, bà Bạch Hồng Ân cho biết.

“Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng hàng bán rất chậm. Được một thời gian, hầu hết sản phẩm không thể tiêu thụ được, những người làm the bắt đầu bỏ nghề để làm việc khác có thu nhập. Duy chỉ còn có anh Lê Đăng Toản vẫn miệt mài sau khung cửi để dệt the, cung cấp cho một số cửa hàng ở Vạn Phúc và một vài cá nhân trong và ngoài nước”.

Bà Bạch Hồng Ân (Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã La Khê)

Nỗi lo thất truyền nghề dệt xưa

Bà Bạch Hồng Ân trăn trở: “Muốn khôi phục làng nghề truyền thống, nhưng phần lớn người dân La Khê đã không làm nghề, quên cách dệt the, khung dệt cũng đã phá. Các nghệ nhân trong làng tuổi cao, sức yếu, dù tâm huyết với nghề cũng không thể dạy con cháu làm nghề trở lại. Việc phục dựng hết sức khó khăn”.

Ở La Khê bây giờ chỉ còn duy nhất anh Lê Đăng Toản là người vẫn duy trì nghề dệt the và anh cũng luôn đau đáu câu nói của nghệ nhân Nguyễn Công Toàn - người đã truyền nghề cho anh và tâm huyết phục dựng the La Khê sau nhiều năm mai một: “Cố giữ lấy cái nghề truyền thống của làng, con ạ”.

Năm 2002, cùng với nghệ nhân Nguyễn Công Toàn và các cụ cao tuổi, the La Khê bắt đầu phục dựng. Mọi người đầu tư mua gồng tơ, xây dựng lò nhuộm, dạy dệt the cho 30 phụ nữ, thanh niên trong làng. Sau khi sản phẩm được dệt xong, cửa hàng giới thiệu sản phẩm sẽ tiêu thụ tại chỗ, đồng thời còn giới thiệu đi một số nơi. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng hàng bán rất chậm. Được một thời gian, hầu hết sản phẩm không thể tiêu thụ được, những người làm the bắt đầu bỏ nghề để làm việc khác có thu nhập. Duy chỉ còn có anh Toản vẫn miệt mài sau khung cửi để dệt the, cung cấp cho một số cửa hàng ở Vạn Phúc và một vài cá nhân trong và ngoài nước”, bà Bạch Hồng Ân cho hay.

Thế nhưng sản phẩm the của anh Toản không thể bán được trong làng. Sản phẩm the đẹp mắt, mềm mại và độc đáo được dệt từ đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của người dân La Khê đã không còn xuất hiện tại các cửa hàng quần áo trong làng. Đến La Khê bây giờ, người ta không còn nghe tiếng thoi dệt rộn ràng hay được chạm vào từng xấp vải the, sa lụa mịn màng, với những đường nét hoa văn tinh tế mà những người cao tuổi vẫn thích dùng the để may áo dài.

Gần 10 năm gắn bó với nghề, anh Toản cho rằng, nghề dệt the công phu, có mẫu dệt tới nửa năm, nhanh nhất cũng đến vài tháng. Điển hình như mẫu áo Thủy Ba do một Việt kiều tại Mỹ đặt, anh phải làm mất 6 tháng. Đến nay, trong sổ sách của làng, có 20 mẫu hoa văn the được phục dựng. Trong đó, có những mẫu hoa văn cầu kỳ, với họa tiết cách điệu như tứ linh, tứ quý hay hình song hạc, mây trời, hoa sen, chữ thọ… Sản phẩm the lụa có nhiều ưu điểm như mềm mại, thoáng mát, điều hòa thân nhiệt tốt, không bị nhăn, xô hay dạt khi giặt, vò. So với lụa, các mẫu mã hoa văn của the không phong phú, màu sắc đơn giản do dệt dọc tằm ngang tằm.

Trước nhu cầu tiện dụng của thị trường thời trang, hàng the khó cạnh tranh với sản phẩm sợi tổng hợp, may công nghiệp. The lụa La Khê được sản xuất từ sợi tơ tằm chất lượng cao, dệt thủ công, cho nên giá thành tương đối cao, trung bình một mét sản phẩm có giá 90 nghìn đồng. “Hàng the kén khách, giá thành cao nên thường khó bán đại trà mà chỉ làm quà hoặc cho những vị khách biết chọn lựa. Mỗi lần sản xuất, phải kỳ công lắm mới xong mấy trăm mét the, nhưng bán ra, lãi chẳng được là bao”, anh Toản chia sẻ.