"Hoài bão của cha, giấc mơ của con" - sai lầm tuổi trẻ dẫn đến thất bại của cả đời

ANTD.VN -Mới đây, NXB Văn học liên kết cùng Edibook ra mắt độc giả cuốn sách “Hoài bão của cha, giấc mơ của con” của nhà văn đương đại nổi tiếng của Trung Quốc - Trương Vĩ. Câu chuyện kể về nhân vật chính với danh xưng "tôi" - một cậu bé chừng 7, 8 tuổi.

"Hoài bão của cha, giấc mơ của con" - sai lầm tuổi trẻ dẫn đến thất bại của cả đời ảnh 1

Bìa cuốn sách "Hoài bão của cha, giấc mơ của con" của tác giả Trương Vĩ

Ngôi nhà nơi cậu bé ở ra nằm sâu trong núi, đó là một căn nhà đá nhỏ. Ở đây, mọi người đều không có hàng xóm, ra khỏi nhà thường chẳng gặp ai, chỉ có núi và cây. Cây không nhiều, cũng không to, cũng không trông thấy mèo và chó. Và cá, lại càng là một con vật đặc biệt. Lần đầu "tôi" được biết đến một loài vật có tên là Cá, đó là khi "tôi" được đi học. Không có làng thì sẽ không có trường học, nhưng những đứa trẻ đến tuổi đó vẫn phải đi học.

Người trong núi có quá nhiều cách, họ muốn làm gì là có thể làm được việc đó. Trèo qua hai ngọn đồi không to lắm là đến một thung lũng sông đã cạn nửa. Chính bởi nơi đây là khúc quanh của thung lũng sông, nên trở thành một nơi rất đắc địa: một nửa bên thung lũng có cả một dải nước xanh ngắt, trên bờ còn có một mảnh đất nhỏ bằng phẳng, trên đó có vài cây trắc bá đen thui, dưới cây trắc bá có dựng hai căn chòi rơm, đây chính là trường học của cậu.

Có lẽ vì chỗ này có cây có nước, lại có cả một mảnh đất nhỏ bằng phẳng, nên mới lọt vào mắt người ta để dựng nên "trường học". Nhưng thứ hấp dẫn cậu bé nhất là cá - một con cá to mà cậu chưa được nhìn thấy bao giờ. Nó vừa dài vừa dẹt, có vảy có vây, đôi mắt to. Nó được vẽ bằng mực đen, nhưng "tôi" cứ cảm thấy nó là một con cá đỏ thật to.

Đời sống trong thung lũng quá khó khăn nên việc nhìn thấy một con cá được vẽ bằng mực thôi cũng khiến cho cha con cậu thèm muốn, khao khát. Vậy là bắt đầu từ buổi học đầu tiên đó, cậu tìm mọi cách khám phá về cái hồ nước nhỏ cạnh căn chòi, về việc ông thầy giáo già bắt cá tươi mỗi ngày bằng cách nào, tại sao ông thấy giáo luôn có cá để ăn trong khi đó là một món ăn xa xỉ với những người dân trong thôn làng của cậu...

Cá được bán ở chợ Sa Hà chỉ là những con nhỏ li ti, phần còn sót lại sau khi những ngư dân tận dâng cho lão tộc trưởng. Cũng bắt đầu từ cuộc sống "đi học" này, cậu được nghe câu chuyện về Ngư Vương - một câu chuyện mang tính truyền thuyết.

Ngư Vương là sư phụ của tất cả những người bắt cá! Ông ấy không cần phải lên chợ Sa Hà bán cá, đến lão tộc trưởng cũng phải ngước nhìn ông ấy. Ông ấy chỉ sống một mình một nơi, giống như thần tiên vậy". Cuộc hành trình của "tôi" và cha của cậu bắt đầu từ đây, có thất vọng, khổ đau, có cả những bài học xương máu...

Câu chuyện về Ngư Vương, hay câu chuyện của hai cha con bắt cá ở đây không những nói về ước mơ của một thời tuổi trẻ của người cha, mà là ước vọng được bay cao, sống phóng khoáng với tự do, thế giới bên ngoài của đứa trẻ nhỏ. Ở khía cạnh khác, nó là câu chuyện về sai lầm tuổi trẻ dẫn đến thất bại của cả đời; nếu như lại sai lầm thêm một lần nữa, thì sẽ khiến thế hệ sau cũng thất bại như vậy thôi.