Hỏa tốc đề xuất danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” để giải tỏa ách tắc trong vận chuyển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng vì một số địa phương không ưu tiên vận chuyển, lưu thông cho hàng hóa không thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội. Quy định về “hàng hóa thiết yếu” đang gây khó khăn cho nhiều ngành sản xuất, dịch vụ.
Ách tắc trong vận chuyển hàng hóa xảy ra tại nhiều địa phương do quy định về kiểm dịch và hàng hóa thiết yếu

Ách tắc trong vận chuyển hàng hóa xảy ra tại nhiều địa phương do quy định về kiểm dịch và hàng hóa thiết yếu

Ách tắc vì không phải hàng hóa thiết yếu

Theo đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, do linh kiện điện tử chưa được liệt kê vào danh mục hàng hóa thiết yếu, mà là thuộc nhóm nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa thiết yếu nên việc lưu thông rất khó khăn.

Vị này nêu vấn đề: “Nếu giờ không có điện thoại để phục vụ cho hoạt động liên lạc, chống dịch thì sẽ dùng phương tiện gì để truyền tin nhanh. Vậy linh kiện điện tử sản xuất ra điện thoại có phải là hàng hóa thiết yếu không”?

Ngày 27-7, UBND TP HCM cũng có văn bản số 2508 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện được ưu tiên lưu thông trong gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Theo văn bản này, TP HCM không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân (đã được cấp giấy nhận diện có mã QR của ngành GTVT).

Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận tải nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.

Tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ thành phố, với các xe vận chuyển hàng hóa như trên nhưng chưa được cấp mã QR nhưng người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện đã có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 còn giá trị (trong vòng 72 giờ), thì lực lượng chức năng tại chốt cho xe lưu thông qua chốt sau khi đã kiểm tra.

Trên thực tế, những ngày qua, khi nhiều địa phương trên cả nước thực hiện Chỉ thị 16 để phòng dịch, việc lưu thông hàng hóa đã gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với đại diện 11 hiệp hội, ngành hàng, phía doanh nghiệp đã nêu thực tế là xe chở nước uống, chở sữa cũng phải “quay đầu” vì cách hiểu không thống nhất về hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Giá năm 2012: “Hàng hoá, dịch vụ thiết yếu là những hàng hoá, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.

Ngoài ra, tại Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ đã hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 có hướng dẫn về “Hàng hoá thiết yếu bao gồm: lương thực; thực phẩm; dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…”.Các tỉnh, thành phố chỉ cho phép lưu thông và kinh doanh những hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg tại địa phương.

Bỏ quy định hàng hóa thiết yếu?

Bộ Công Thương cho biết, do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản trên tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng không được lưu thông tại một địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Để xử lý vấn đề nêu trên và nhằm mục đích thống nhất về cách hiểu và áp dụng giữa các địa phương, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.

Theo đề xuất này, danh mục hàng hóa cấm kinh doanh gồm 19 mặt hàng: vũ khí quân dụng, trang thiết bị, khí tài quân sự…; các chất ma túy; hóa chất bảng 1; các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan…; các loại pháo; đồ chơi nguy hiểm; thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm…; thực vật, động vật hoang dã; thủy sản cấm khai thác; phân bón bị cấm tại Việt Nam; giống cây trồng không được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống vật nuôi không có trong danh mục được cho phép; khoáng sản đặc biệt độc hại; phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường; các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vaccine… chưa được phép được sử dụng tại Việt Nam;

Các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm…; sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhom amphibole; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh gồm có 6 hàng hóa, dịch vụ, gồm: súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; hàng hóa có chứa chất phóng xạ…; hóa chất bảng 2 và bảng 3; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm…; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; Rượu các loại.

Nếu đề xuất này được Chính phủ đồng ý thì tất cả hàng hóa không thuộc danh mục trên sẽ được lưu thông, thay vì chỉ rất ít hàng hóa thiết yếu như hiện nay. Ách tắc do kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa tại các chốt ở các địa phương sẽ được giải quyết một phần.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì quan trọng là vấn đề kiểm dịch đối với người trên phương tiện chứ không phải là hàng hóa. Do đó, cần sớm ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe vận tải để thúc đẩy lưu thông hàng hóa.