Họa sỹ Tô Ngọc Thành: Sóng gió đi qua, nụ cười ở lại

ANTĐ - Là người duy nhất trong số 5 người con của danh họa Tô Ngọc Vân nối nghiệp cha, họa sỹ Tô Ngọc Thành đến nay đã tự nhận mình là “kẻ độc hành nghiệt ngã” sau quãng thời gian theo đuổi với nghề. Ông vẫn nhớ lời cha dặn “Sáng tác là lẽ sống, ngày nào không vẽ là ngày ấy bỏ nghề, là họa sĩ mà không vẽ thì chắc chắn là họa sĩ giấy”. 

Họa sỹ Tô Ngọc Thành: Sóng gió đi qua, nụ cười ở lại ảnh 1Tranh  của họa sỹ Tô Ngọc Thành tươi sáng, thoái mái và bút pháp thiên về ấn tượng, biểu hiện 

1. Trải qua những sóng gió, họa sỹ Tô Ngọc Thành luôn giữ được sự thanh thản và lòng yêu mến cuộc đời. Cuộc triển lãm của ông đang diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội được họa sỹ đặt với cái tên đầy ngạo nghễ “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, một phòng tranh rực rỡ sắc màu và đậm đà cái tình. Gặp họa sỹ Tô Ngọc Thành rất dễ vì ông vốn là người dân dã, xởi lởi và đặc biệt rất mến thế hệ trẻ.

Ngay từ cái bắt tay đầu tiên, ai cũng cảm thấy sự nhiệt huyết của người họa sỹ có dáng người nhanh nhẹn và hoạt ngôn. Câu chuyện giữa tôi và họa sỹ Tô Ngọc Thành đã không ít lần bị cắt ngang bởi các nhà sưu tập tranh tới mua tác phẩm của ông và những người bạn già hay tin ông ra mắt triển lãm ghé qua chúc mừng. Nói vậy để thấy, tranh Tô Ngọc Thành đắt hàng và cái tình của Tô Ngọc Thành cũng đậm đà như tranh ông vậy. 

Họa sỹ Tô Ngọc Thành: Sóng gió đi qua, nụ cười ở lại ảnh 2

2. Có điều, với hàng chục cuộc triển lãm, giá tranh Tô Ngọc Thành vẫn không được nâng hạng. Dù là tranh sáng tác nhưng so với giá thị trường, tranh ông chỉ ngang với tranh chép. Chưa kể, Tô Ngọc Thành là một họa sỹ tên tuổi. Tranh giá rẻ nhưng chất lượng cao, cái này khách hàng nào cũng thích và không thừa khi đánh giá Tô Ngọc Thành là nhà sản xuất am hiểu tâm lý người tiêu dùng.

Nhưng hơn cả, tranh ông “có nơi có chốn” và Tô Ngọc Thành cũng có “đồng ra đồng vào” để trang trải và quay vòng những chuyến đi. Từ năm 2011 đến nay, năm nào ông cũng ngược xuôi Bắc - Nam 3 đến 4 lần để tổ chức triển lãm, bán tranh lấy tiền trả nợ. Vì vậy việc bán tranh giá cao hay thấp không quá quan trọng với họa sỹ Tô Ngọc Thành. 

3. 15 năm nay, Tô Ngọc Thành nằm vùng trên Sa Pa. Những chuyến độc hành của ông thường diễn ra vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 9, quãng thời gian Sa Pa chìm đắm trong vẻ đẹp của sương khói và những mùa gặt. Có hít bầu không khí của Sa Pa, ăn và làm cùng người dân nơi đây, Tô Ngọc Thành mới vẽ ra được đúng hương vị rất riêng của miền sơn cước. Những chuyến đi của ông nhiều đến nỗi, bạn bè vẫn nói vui rằng ông có “căn cứ” trên đó. Còn ông luôn cho đó là trách nhiệm của người nghệ sỹ làm nghệ thuật phải xông xáo đi đến nhiều nơi, đi vào đường ngang lối dọc của cuộc sống để ngộ ra cái đẹp của riêng mình.

Mảng đề tài miền núi Sa Pa chiếm vị trí chủ đạo trong các sáng tác của Tô Ngọc Thành. Những chân dung các cô gái dân tộc đượm vẻ buồn nhưng hoang dại, thanh khiết. Phong cảnh Sa Pa của ông tràn ngập ánh sáng. Những màu xanh, Tô Ngọc Thành diễn tả như những dải nhung xanh mướt. Những đường nét hiện thực, màu sắc rực rỡ, tươi sáng, trẻ trung phần lớn là màu nguyên chất, đó là tố chất của Tô Ngọc Thành, một ngôn ngữ hiện đại, một cái nhìn mới mẻ, mạnh bạo mà như thức tỉnh những khát vọng lớn  trong tâm hồn và tình cảm con người thế hệ hiện đại. 

4. Tranh Tô Ngọc Thành cho người xem cảm giác yêu thiên nhiên, yêu đời, thấy cuộc đời còn đáng sống và hãy yêu lấy cuộc sống này dù còn nhiều điều muộn phiền. Tô Ngọc Thành là người hơn ai hết hiểu được điều này trước những gập ghềnh của đời sống. Ông luôn giữ cho mình nét tươi trẻ, lạc quan và tin yêu vào cuộc sống. Cũng nhờ điều này, Tô Ngọc Thành đã “sống chung với lũ” cùng với căn bệnh ung thư đại tràng suốt nhiều năm. Trên gương mặt người họa sỹ già, nụ cười luôn thường trực và niềm lạc quan chưa bao giờ dứt trong tác phẩm của ông.

Một nhà văn Nga đã nói đại ý rằng: Trẻ yêu như điên, già điên mới yêu. Tô Ngọc Thành đã sửa lại thành: Trẻ vẽ như điên, già có điên mới vẽ. Mà ông đúng là điên thật, vẽ không ngừng nghỉ. Sự hối thúc từ cuộc sống, từ nghệ thuật khiến Tô Ngọc Thành chưa bao giờ ngơi cây bút. Ông muốn đốt cháy ngọn lửa khát khao trong con người mình và hội họa cần những khát khao cá biệt ấy.