Họa sỹ Phạm Luận: Tô màu cho nắng giữa ngày mưa

ANTĐ - Đã có hàng chục cuộc triển lãm từ Hồng Kông, đến London, New York…, những người biết đến họa sỹ Phạm Luận có thể nghĩ, ông chắc hẳn đã hài lòng với sự nghiệp của mình, khi danh tiếng của ông đã vượt qua khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ấy vậy mà trở về Việt Nam lần này, ông vẫn đặt cho mình những thử thách mới, ngay cả với “phố Hà Nội” - một đề tài đã làm nên thương hiệu của Phạm Luận.

Tác phẩm “Ngày mưa mùa đông” của họa sỹ Phạm Luận

17 năm cho một cuộc trở về

Lý giải cho lần trở về này, Phạm Luận chỉ đơn thuần cho rằng, ông là người kỹ tính. Kỹ tính là vì sau triển lãm “Hà Nội - Một ngày” được trưng bày năm 1997, cuộc triển lãm được những người trong giới hội họa đánh giá là cực kỳ thành công, ông tự dành cho mình một khoảng thời gian đủ dài để chuẩn bị cho một sự thành công khác. Không phải là một khoảng thời gian ấn định nào đó, 5 năm hay 7 năm, mà theo như ông nói, phải là khi tự mình cảm thấy “khác”, thấy “đã”  - tức là thuyết phục mình rồi mới thuyết phục công chúng. Sự kỹ tính ấy còn thể hiện ở chỗ, để có triển lãm “Nắng” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông đã đặt chỗ trước 2 năm. Trong 2 năm, ông dành toàn bộ thời gian và sức lực bên giá vẽ, để cho ra đời những bức tranh ưng ý nhất để đưa vào “Nắng”. 

Yêu và coi nắng như một trong những chất liệu đặc trưng trong tác phẩm của mình, không ít lần ông suýt gặp tai nạn chỉ vì tiếc rẻ khoảnh khắc đẹp nhất của nắng. Đi đường, thấy nắng đổ xuống một góc phố, hiên nhà, ông tự phải dừng ngay lại để bắt được thời khắc ấy. Vì nếu quay lại, “vẫn là nhà ấy, phố ấy, nhưng nắng đâu đã còn được như cũ” - ông chia sẻ. Tranh của Phạm Luận tràn trề nắng, nhưng chính Phạm Luận là người vẽ “cái tối” tài tình hơn ai hết. Vẽ một vườn hoa đêm, nhưng trong chiều sâu hun hút của không gian, ta lại thấy được một cánh hoa vàng nổi bật rạng rỡ. Vẫn là phố, là hoa…, những đề tài chẳng “mốt” nhưng khi xem một bức tranh của ông, người ta vẫn phải nán lại thật lâu. Vì nhìn tranh ông, ta thấy được cả những gì thân quen lắm. Khi là hàng hoa tím phủ nở rộ trên con phố nhỏ, khi đường tàu đêm lẩn khuất sau những dãy nhà, khi ngày mới bừng lên trên con đường Tràng Tiền, nơi dẫn ra Nhà hát Lớn… Những hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại, lảng bảng trong đầu, đưa ta về những ký ức miên man, mà đôi khi ta quên mất trong cuộc sống này. 

Đưa tranh Việt chinh phục thế giới

Họa sỹ Phạm Luận là người kiệm lời. Ngay cả buổi triển lãm cá nhân của ông, ông chẳng giới thiệu gì nhiều mà nhường lời cho bạn bè đồng nghiệp. Mấy lần được hẹn phỏng vấn, ông mất ăn mất ngủ hàng tuần để chuẩn bị cho vài ba câu hỏi. Vì theo như ông nói: “Nếu không phải trả lời phỏng vấn, có khi tôi đã vẽ được 5, 7 bức tranh thật đẹp”. Thời gian của ông dành cả cho việc vẽ. Đi đến đâu, con mắt ông cũng như một cái ra-đa, luôn kiếm tìm những khoảnh khắc ấn tượng để đưa vào tác phẩm của mình. Hàng chục năm bôn ba ở nước ngoài, ông có cả chục cuộc triển lãm tại nhiều thành phố trên thế giới, nhiều bức tranh được đấu giá cao ngất ngưởng. Càng đi nhiều, ông càng thấy hội họa Việt Nam không thua kém thế giới. Ông nhận ra rằng, chính những tác phẩm đời thường nhất, giản dị nhất, “Việt Nam” nhất lại nhận được nhiều sự tán đồng từ bạn bè quốc tế. Nói như vậy không có nghĩa là ông chịu đóng khung đề tài của mình. Yêu Hà Nội, yêu những nét xưa cũ, nhưng con mắt nhìn nghệ thuật của người họa sỹ đã bước sang tuổi lục tuần vẫn rất tươi mới. Đôi khi chỉ là hình ảnh rất bâng quơ, một bà sơ già bước ra trong ánh nắng chiều rất đẹp, trên tay cầm một chiếc điện thoại để nhắn tin, cũng lọt vào con mắt của ông. Cái cảnh tượng dường như đối nghịch ấy qua lăng kính của ông lại rất hay, rất “toàn cầu hóa”. 

Như họa sỹ Trần Khánh Chương bông đùa thì Phạm Luận là một “đại gia trong giới mỹ thuật”. Danh xưng này nghe qua thì có vẻ không ổn lắm, vì Phạm Luận không phải mẫu người ồn ào, thích khuếch trương thành tựu của mình. Nhưng nếu gọi ông là một người giàu có thì đúng, vì sự nghiệp đáng ao ước ông có hiện giờ chính là một tay ông gây dựng, vì nghệ thuật, do nghệ thuật, chứ không bằng một thứ gì khác.