Họa sỹ Nguyễn Thụ: Xây nhà bằng… tranh lụa

ANTĐ - Tranh lụa Nguyễn Thụ bấy lâu nay nổi tiếng bởi cái tình của người vẽ nằm ẩn dưới những thớ ngang, thớ dọc của lụa. Là một trong 15 học viên đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa mang tên Tô Ngọc Vân, lão họa sỹ Nguyễn Thụ chưa bao giờ ngơi ngọn bút. 

Họa sỹ Nguyễn Thụ: Xây nhà bằng… tranh lụa ảnh 1Tranh lụa Nguyễn Thụ được nhiều người yêu say đắm bởi cái tình thấm đẫm trong tranh 

Sóng ngầm mạnh mẽ

Nằm trong top các họa sỹ vẽ tranh lụa đẹp và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, họa sỹ Nguyễn Thụ năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông nhỏ bé và nhẹ nhàng như chính dòng tranh truyền thống Việt Nam. Trong những ký ức về tranh lụa, Nguyễn Thụ nhắc nhiều đến các bức tranh đã vẽ và chốc chốc ông lại làm người nghe chưng hửng vì “bán rồi”. Từ những ký họa chiến tranh vẽ các o du kích chắc nịch, tay cầm khẩu súng đến các bức tranh lụa mượt mà, đằm thắm miền sơn cước đều đã nằm trong bộ sưu tập ở trong và ngoài nước. Sức hấp dẫn tranh lụa Nguyễn Thụ lớn đến độ, du khách mê tranh đã đặt chân tới Hà Nội đều tìm đến nhà ông. Không riêng gì tranh lụa mà nhiều loại tranh khác của ông cũng được các vị khách săn tìm. Có du khách người Pháp lặn lội đến nhà Nguyễn Thụ chỉ để lục tìm trong đống tranh bụi bặm, cất giữ trên nóc tủ suốt bao năm 100 bức ký họa thời chiến. 

Tranh lụa Nguyễn Thụ được nhiều người yêu say đắm là bởi cái tình trong tranh, ẩn sâu trong mảng miếng đơn giản và kiệm màu. Tranh ông nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng chất chứa sóng ngầm mạnh mẽ. Ông dí dỏm chia sẻ: “Mình không ác với ai bao giờ, tranh cũng hiền như người vẽ”. 12 năm gắn bó với miền núi, ông quý đức tính thật thà, giản dị của đồng bào dân tộc và mê luôn một cô sơn nữ ở đây rồi lấy về làm vợ. Cái duyên nợ với phong cảnh và con người miền núi đã lôi kéo người họa sỹ tài hoa say mê trong những sáng tác tranh lụa thắm tình yêu thương. Ngay cả khi đã về xuôi, Nguyễn Thụ vẫn rất nặng lòng với miền sơn cước. Trong một buổi chiều, được ngắm nhìn phong cảnh hùng vỹ của những dãy núi lừng lững ngay trước mắt, ông đã dựng thành bức tranh “Làng ven núi”. 

Họa sỹ Nguyễn Thụ: Xây nhà bằng… tranh lụa ảnh 2

Xông xênh nhờ tranh lụa

Bức tranh dự thi Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đã bị chê tơi tả vì ngọn núi to quá như đè các nhân vật trong tranh giữa mùa xuân hoa mai, hoa mận nở trắng. Thế nhưng, tác phẩm này khi dự thi quốc tế hội họa tại Bulgaria lại được giải thưởng trị giá 1.500 leva, một phần thưởng lớn mà Nguyễn Thụ có thể mua ngay được một chiếc ôtô thời đó. Để nói về kỹ thuật vẽ tranh lụa, Nguyễn Thụ là người nắm nhiều bí quyết và đạt đến độ điêu luyện. Bức tranh “Làng ven núi” của ông đã khiến nhiều họa sỹ Bulgaria ngạc nhiên về kỹ thuật xử lý tinh tế đến mức những thớ ngang, thớ dọc của lụa nổi lên mặt tranh ầm ầm nhưng lại rất nhẹ nhõm, giàu chất trữ tình. Có tiếng vẽ tranh lụa đẹp nên họa sỹ Nguyễn Thụ nhiều lần được mời sang Mỹ, sang Pháp để dạy vẽ tranh lụa cho các họa sỹ nước bạn. Tiền công trả hậu hĩnh đã đành, ông còn được đi thăm thú cảnh đẹp đây đó. Ông nói nhỏ “Dạy là một chuyện nhưng họa sỹ phương Tây thường không vẽ được tranh lụa vì dòng tranh này kén người vẽ. Anh nào băm bổ, ồn ào thì chỉ có thể vẽ được sơn dầu, sơn mài chứ lụa thì nhất định là không. Phải nâng niu, khẽ khàng với nó nhiều lắm mới mong khai thác được hết vẻ đẹp ẩn sâu dưới những thớ lụa”. 

Đã ngoài 80 tuổi nhưng lão họa sỹ Nguyễn Thụ rất chịu chơi. Tay vuốt điện thoại thông minh sành điệu. Sự xông xênh này theo Nguyễn Thụ là nhờ tranh lụa. Nhờ tranh bán tốt mà ông mua nhà, sắm tiện nghi. Dù đã là một họa sỹ thành danh và sức khỏe cũng đi xuống nhiều nhưng nhớ lời thầy Tô Ngọc Vân dạy “Người họa sỹ một ngày không cầm bút coi như đã bỏ nghề” nên ông vẫn vẽ thường xuyên và chưa bao giờ ngừng sáng tạo. Chính lòng yêu nghề, say mê hội họa, họa sỹ Nguyễn Thụ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo. Từng giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, được phong học hàm PGS, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, họa sỹ Nguyễn Thụ ngoài công việc sáng tác vẫn đều đặn đến lớp dạy các học trò. Đây có thể coi là điều may mắn với thế hệ họa sỹ trẻ Việt Nam khi được lĩnh hội kiến thức từ người thầy tâm huyết.