​Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức: Cất lên "tiếng nói" của những ngôi nhà cổ

ANTD.VN - Là tay chơi đồ cổ có tiếng ở Hà thành, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức (Đức “nhà sàn”) vừa trình làng một triển lãm khá “độc”, độc từ tên gọi cho tới cách trưng bày. 

Ở thời điểm cuối năm, các họa sỹ đua nhau trưng bày tác phẩm thì Nguyễn Mạnh Đức lại làm một việc có vẻ ngược đời là giới thiệu xà ngang, xà dọc, cột trụ, cánh cửa... của các ngôi nhà cổ đồng bằng Bắc bộ. 

Đứt gãy kiến trúc truyền thống

Các hiện vật này đã được ông sưu tập ở tỉnh Bắc Ninh, vùng Sơn Tây, Đông Anh… Hơn thế, tên gọi trúc trắc của cuộc triển lãm “Bộ hành cà nhắc” đã gợi sự tò mò của người thưởng lãm. Trước các thắc mắc, băn khoăn, Nguyễn Mạnh Đức cho biết, họa sỹ không chỉ có vẽ tranh, nặn tượng mà còn được đánh giá ở thái độ, trách nhiệm trước các diễn biến của đời sống xã hội. 

Và cuộc “Bộ hành cà nhắc” của ông được tổ chức để phán ảnh một thực tế đáng buồn về kiến trúc Việt Nam hiện nay đang bị đứt gãy, ngắt quãng, giống như một khung xương lệch lạc tạo nên dáng đi chân cao chân thấp. Với lối trưng bày chẳng giống ai, những khung, kèo cột, bệ đá, xà ngang, những chi tiết đục đẽo trang trí của các ngôi nhà cổ được để ngổn ngang trong Nhà sàn studio.

Nếu không có người thuyết minh, hướng dẫn, chắc nhiều người sẽ tưởng mình đang đứng trong kho cất đồ. Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức lại cho rằng, sự lộn xộn, không chỉn chu, ngăn nắp này lại là sự sắp đặt hẳn hoi, chứ không thể nói tùy tiện và không có ý tưởng cụ thể. Ngôi nhà nào cũng gắn bó với đời sống của người dân bằng ký ức, thế mà giờ đây lại được xé lẻ, để chỏng trơ trong không gian trưng bày thì sự xót xa, tiếc nuối là không thể tránh khỏi. 

​Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức: Cất lên "tiếng nói" của những ngôi nhà cổ ảnh 2Lối trưng bày không giống ai của Nguyễn Mạnh Đức tại triển lãm “Bộ hành cà nhắc”

Bảo tồn trong cái nhìn phát triển

Các mẩu vụn trong triển lãm sẽ giúp giới trẻ biết tới các công đoạn làm nên một công trình kiến trúc cổ. Đặc biệt, giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần của ngôi nhà được người xưa đặc biệt chú trọng, trong đó, việc trang trí, sắp đặt hoành phi câu đối để giáo dục các thành viên trong gia đình, tạo nên lễ nghi, lễ tiết đã làm nên những công trình không chỉ đẹp về mặt nghệ thuật mà còn góp phần hình thành nên nếp nhà.

Thế nhưng, trước quá trình đô thị hóa và cuộc sống của người dân vùng nông thôn đang từng bước thay da đổi thịt, những ngôi nhà cổ đã dễ dàng bị người dân bán đi để thay thế những ngôi nhà cao 4, 5 tầng giống hệt thành phố. Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức tiết lộ: “Tôi chỉ mất 6 đến 7 tháng đi sưu tầm đã có được vài ngôi nhà cổ theo ý muốn. Thậm chí, những ngôi nhà bằng lim còn đang rất tốt lại được gia chủ sẵn sàng “nhổ đi” khi gặp khách trả hậu hĩnh. Vấn đề chỉ là tiền thôi!”. 

Theo lý giải của những người bán nhà cổ, những ngôi nhà tuy có đẹp nhưng không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay như vấn đề đảm bảo về an ninh, không gian sống đã trở nên chật chội hơn với sự ra đời của các thế hệ nên người dân nông thôn có nhu cầu thay đổi. Chỉ tiếc là, các ngôi nhà hiện đại hầu như không có sự kế thừa các ngôi nhà trước đó. Một sự đứt đoạn rất rõ ràng và sự sao chép vụn vặt của kiến trúc nước ngoài ở nhiều ngôi nhà hiện nay đã làm cảnh quan của nông thôn Việt Nam trở nên lộn xộn.

Chính vì thế, theo họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, nếu nhìn việc bảo tồn các ngôi nhà cổ ở trạng thái “bó” sẽ giết chết sự phát triển. Cuộc sống thay đổi tất yếu sẽ dẫn tới nhu cầu về xây dựng nhà cửa thay đổi. Chỉ có điều, nếu chủ nhân các ngôi nhà biết đưa các giá trị truyền thống vào trong ngôi nhà mới một cách hợp lý, phù hợp với không gian sinh hoạt và cảnh quan chung, chắc chắn sẽ tạo nên các công trình gần gũi với cuộc sống người dân và đảm bảo được tính bảo tồn. 

Với nhiều năm làm công việc của một nhà sưu tầm, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức đã được chứng kiến những ngôi nhà cổ bị dỡ bỏ, các hoành phi câu đối được làm củi đun. Đó là thực tế đau lòng và là một người tâm huyết với văn hóa dân tộc, Nguyễn Mạnh Đức đã bỏ tiền ra để mua về.

Tại “Bộ hành cà nhắc”, những cột trụ, xà ngang của ngôi nhà có niên đại vài trăm năm lại được cất lên “tiếng nói” của mình. Không có tham vọng sẽ thay đổi ngay lập tức nhận thức của người dân, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức hy vọng, cuộc triển lãm sẽ góp tiếng nói để thay đổi bức tranh tổng thể về kiến trúc Việt Nam.