Họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa (Còm): Không chịu "đóng khung" trong một lối vẽ

ANTD.VN - Vốn người Phú Thượng, Tây Hồ (Hà Nội) - một làng trồng đào truyền thống nổi tiếng Thủ đô, họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa (Còm) đã vẽ hoa đào bằng rung cảm, ước vọng của chính mình cùng ký ức tuổi thơ gắn liền với những bông hoa mang biểu tượng mùa xuân.  

Họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa (bên phải) trong ngày khai mạc triển lãm

Nguyễn Hữu Khoa là người không chịu yên phận trong nghệ thuật. Lúc đang ở đỉnh cao của loạt tranh hí họa chân dung văn nghệ sỹ, anh bỗng dừng lại để “đổi gió” sang loạt tranh về hoa đào. Vài năm nay trở lại đây, người họa sỹ này đã chuyên tâm cho việc chăm chút, tỉa tót những bông hoa phơi phới sắc xuân trong hội họa. 

Cận cảnh hoa đào

Họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa từ nhỏ đã tự tay chăm chút cho những cây đào trong vườn nhà với những kỹ thuật được truyền lại từ bao đời nay của người làng Phú Thượng để một cây đào trở nên đẹp hơn. Những tháng ngày ấy đã theo chân anh đến với hội họa và để lại trong lòng họa sỹ nhiều tình cảm cùng kỷ niệm khó quên.

Thế nhưng, lý do để anh dừng hẳn loạt tranh hí họa gắn liền với tên tuổi của anh, chuyên tâm làm một họa sỹ tự do vẽ hoa lại bắt đầu từ cá tính. Nguyễn Hữu Khoa không muốn “đóng khung” trong một lối vẽ. Anh muốn khám phá bản thân nhiều hơn ở các đề tài khác. Từ nơi sinh ra, họa sỹ đã vẽ về những gì thân thương và gần gũi với anh, đó là hoa đào. 

Triển lãm hội họa “Đào xuân 2” của họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa diễn ra tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài đến hết ngày 8-1. 

Có một điều khá thú vị, Nguyễn Hữu Khoa thích làm những việc mà chưa ai làm. Anh muốn khai phá một con đường mới, dù không ít chông gai. Nếu với hoa sen đã có không ít họa sỹ dấn thân thì hoa đào lại rất mờ nhạt trong hội họa. Có chăng, loài hoa này chỉ khiêm tốn xuất hiện để làm nền trong tranh hoặc có được vẽ thì số lượng còn ít ỏi.

Do vậy, Nguyễn Hữu Khoa đã bắt lấy đề tài này và anh trở thành họa sỹ vẽ nhiều nhất về hoa đào cho đến thời điểm này. Năm 2014, anh ra mắt triển lãm “Đào xuân” đầu tiên với 33 tác phẩm. Năm 2017, anh giới thiệu triển lãm “Đào xuân 2” với 70 tác phẩm nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào góc nhìn cận cảnh những bông hoa đào như chân dung những con người, như chân dung mùa xuân. 

Một bức tranh tại triển lãm “Đào xuân 2” 

Mang lạc quan đến với người xem

Mỗi triển lãm, Nguyễn Hữu Khoa đều mang cái mới đến với người xem ở một đề tài. Cùng là hoa đào nhưng triển lãm “Đào xuân 2” đã mang dáng vẻ tươi tắn và được tác giả đẩy sâu mạch suy nghĩ cũng như cảm xúc. Có thể, chất liệu acrylic với bảng màu phong phú đã giúp anh linh hoạt hơn trong sáng tác. Họa sỹ tâm sự: “Mỗi bông hoa đào lại mang một dáng vẻ khác nhau, giống như mỗi gương mặt người trong xã hội. Loài hoa này lại mang biểu tượng của mùa xuân nên vẽ về hoa đào là vẽ chân dung xuân”.

Nguyễn Hữu Khoa luôn cảm thấy xao xuyến khi đứng trước loài hoa này, bởi ở đó có tuổi thơ của anh và niềm ước vọng trước một mùa xuân đang về. Anh đã vẽ hoa đào đón nắng xuân với những bông hoa mỏng manh, rung rinh trước gió. Màu sắc rực rỡ trong tranh cùng mạch cảm xúc của tác giả đã đưa người xem đến niềm vui, niềm lạc quan phơi phới. 

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, khi vẽ về hoa đào, Nguyễn Hữu Khoa còn muốn níu giữ vẻ đẹp của loài hoa nổi tiếng ở làng Phú Thượng, đặc biệt là cái đẹp được người sành ăn sành chơi đất Hà thành mê mẩn từ những gốc đào làng Phú Thượng. Nếu với hí họa, anh đã sử dụng hiệu quả lối vẽ bóp méo các gương mặt thì khi đặc tả về hoa đào, Còm lại bớt đi cái sắc sảo, hóm hỉnh để trở nên nhẹ nhàng và đáng yêu bằng lối tả thực.

Hoa đào anh vẽ không chỉ đẹp mà còn có độ rung cảm của người vẽ rất rõ ràng. Sau triển lãm “Đào xuân 2”, Nguyễn Hữu Khoa cho biết, có thể anh sẽ lại đổi đề tài nếu đã thấy vơi cạn cảm xúc nhưng điều đó xảy ra hay không còn nằm trong vòng bí mật.

Sự đổi hướng của Nguyễn Hữu Khoa trong nghệ thuật đã tạo nên những nhịp đập mới trong hội họa bởi sự dày công và tâm huyết. Hơn thế, những cách làm khai phá luôn cần một bản lĩnh và tài năng đích thực.