Họa sỹ Lê Mạnh: Trình diễn nên thoả mãn mình

ANTĐ - Trong khoảng 15 năm trở lại đây, Performance art (nghệ thuật trình diễn) được biết đến tại Việt Nam như một loại hình mới, do đó cũng có nhiều ý kiến, dư luận trái chiều. Người háo hức, kẻ dè bỉu, không ít người “đứt gánh” sau một thời gian tiếp cận. Nhưng cũng có những nghệ sỹ (trong đó phần lớn là họa sỹ) bền bỉ theo đuổi NTTD, bất chấp mọi khó khăn cả về kinh tế lẫn sự đồng tình của công chúng. Trò chuyện với họa sỹ Lê Mạnh – một trong hai họa sỹ có tác phẩm trình diễn gây sự chú ý trong Lễ khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 để mong hiểu được phần nào về người làm NTTD ở Việt Nam hiện nay.

- Ý tưởng về một tác phẩm trình diễn của anh thường xuất hiện như thế nào?

Ý tưởng nghệ thuật có thể được “nuôi” trong thời gian dài, cũng có thể đến bất chợt khi tiếp nhận một sự kiện xã hội hay khi tôi đứng trước một không gian cụ thể nào đó. Tác phẩm trình diễn phải có sự kết hợp của nghệ sỹ - âm nhạc - ánh sáng - không gian - công chúng. Nếu gặp được không gian phù hợp với ý tưởng nghệ thuật sẵn có trong mình, tôi sẽ tiến hành làm ngay. Ý tưởng nghệ thuật luôn gắn với mình, nằm trong mình, chính mình là tác phẩm.

- Anh quan tâm đến NTTD từ bao giờ?

Từ năm 2003. Nó gặp và theo tôi từ đó. Trong tôi đã có loại hình nghệ thuật này.

- Những cuộc trình diễn này bổ trợ gì cho tranh giá vẽ?

Nhiều chứ. Nó làm cho mình thoải mái về tinh thần, góc nhìn cuộc sống được mở rộng hơn khi xem tranh. Trình diễn tạo ra cho nghệ sỹ cảm xúc trực tiếp hơn, mình có thể nhìn thấy, sờ thấy và chuyển động cùng tác phẩm.  

- Nhưng tranh vẽ thì có thể lưu giữ và xem nhiều lần, ở nhiều thời điểm, trình diễn thì không. Phải xem đúng thời điểm đó, tại không gian đó…

Cái này thì cả người xem và nghệ sỹ đều phải chấp nhận thôi. Vì một tác phẩm trình diễn chỉ gắn liền với một không gian, thời gian, cảm xúc, sức khỏe và tuổi tác của tác giả. Ở mỗi thời điểm tác phẩm lại biến động theo cách khác nhau vì nó nằm trong mình, gắn với mình, chính mình là tác phẩm nghệ thuật còn những thứ xung quanh chỉ là sự hỗ trợ.

- Anh đánh giá về các tác phẩm trình diễn của mình như thế nào?

Tương đối thành công, ở nhiều chiều, trong đó quan trọng nhất là mình thấy thoải mái. Và tác phẩm trực tiếp tác động đến người xem, gần với thực tại của đời sống hơn.

- Điều này có thể kiểm chứng không? Khi mà ngay cả tác phẩm gần với người xem nhất thì vẫn không mấy ai  hiểu không đúng với thông điệp anh đưa ra?

 - Tôi  không thể cho người xem hiểu tất cả mà chỉ cần họ nắm được một tín hiệu nhỏ. Cụ thể ở tác phẩm “Sự hủy diệt vô hình” (trình diễn tối 24-5-2011 tại khu vực xưởng vẽ của họa sỹ Nguyễn Xuân Hoàng, Cầu Đuống) là khi xem, họ thấy được sự bất lực của con người khi chống lại sự tấn công của máy móc. Hay tác phẩm mới nhất của tôi: “Dừng lại hay đi tiếp?” trình diễn tại Lễ khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011, khán giả sau khi xem cũng đã tự đặt ra những câu hỏi về vấn đề giao thông ở Việt Nam hiện nay.

- Là một người làm nghệ thuật, anh nhận thấy tình trạng hiện nay của các nghệ thuật trình diễn ra sao?

Quá ảm đạm và manh mún. Người đi dài hơi không có nhiều, thỉnh thoảng có làm một cái thì dư luận xúm vào “đập” cho tơi tả.

- Trong 2 năm trở lại đây, anh làm tới 4 tác phẩm trình diễn thông điệp dày đặc hơn, sâu sắc hơn, độ bao phủ rộng hơn. Nhưng sau đó những phản ứng từ dư luận lại không gần với thông điệp của tác phẩm, còn công chúng lại cho rằng đó chỉ là những trò ngông cuồng của những kẻ cạn tài mà phải chơi nổi bằng chiêu trò gây sốc. Anh có muốn nói lại điều gì không?

- Tôi muốn tiếng nói của nghệ sỹ gắn liền với tác phẩm. Người xem thì vẫn quan tâm nhưng báo chí không quan tâm thực sự. Thậm chí, tôi nghĩ báo chí còn góp phần làm hỏng tác phẩm.

- Khi đọc những bình luận không đúng ý nghĩa tác phẩm của mình, anh cảm thấy thế nào?

Thấy chán, vì người đến xem và viết về NTTD thường quá.

 - Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Lê Mạnh (Tên đầy đủ: Lê Nguyên Mạnh, sinh năm 1979 tại Thanh Hóa, đã tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật VN), từng được biết đến bởi các màn trình diễn nghệ thuật đương đại và những bức tranh siêu thực mới lạ. Họa sỹ Lê Mạnh tham gia Festival Mỹ thuật trẻ 2011 với 2 tác phẩm: tranh sơn dầu và trình diễn.