Họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm: Thôi về đi, đường trần đâu có gì...

ANTĐ - Đợt trước, cứ độ đầu năm, gọi điện cho Hoàng Hồng Cẩm liên hệ công việc gì đấy. Cẩm vẫn thế, giọng nói thì rõ sắc nét rắn rỏi, nhưng nội dung câu chuyện luôn lèo nhèo những đẩu những đâu, không manh không mối.

Bực mình nghĩ, ông họa sỹ này chả thay đổi gì, mãi mà chẳng chịu lớn, cứ như chú bé con cuộn tròn trong “cái trống thiếc” của Gunter Grass để trốn chạy nỗi cô đơn miên man dằng dặc. Rồi bẵng đi, lại có người nhắn, Cẩm ốm đấy. Muốn đi thăm, nhưng bụng bảo dạ, mình cũng đang “dặt dẹo” thế này, thôi thì thư thư đã.

Thời gian cứ lạnh lùng đi, không đợi ai. Cái chết đôi khi cũng dửng dừng dưng đến, không loan báo. Nghe tin họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm qua đời, choáng và sửng sốt. Đinh ninh nghĩ, người như Cẩm “tẩu”, cái biệt danh mà anh tự nhận về mình, chắc trời thương, nỡ lòng nào kêu đi sớm. Dù hiểu, Cẩm rời bỏ cõi đời, là sự ngạc nhiên với nhiều người, chứ không hẳn gây nên nỗi bất ngờ cho thân nhân và bạn bè thường gần gũi Cẩm. Nhiều năm nay, Cẩm đã đuội đi nhiều. Vóc dáng nhỏ thó đầu lúc nào cũng trọc tếu, Cẩm hồn nhiên làm cho mình thành ra hình dong cổ quái, không thể định dạng được tuổi tác. Là con trai của lão họa sỹ Hoàng Lập Ngôn, chủ soái độc tôn của trường phái “tinh tướng họa”, Cẩm chả may mắn thừa hưởng được chút xíu nào nét đào hoa, hào hoa và sự tinh anh quắc thước của cha, kể cả khi cụ Ngôn đã ở tuổi ngoài 90, ngay trước lúc cụ rời cõi đời, về với đất mẹ.

Cẩm như người được trời ban cho cuộc sống, rồi không biết quý, thành ra luôn tự ngược đãi chính mình. Cẩm hành hạ xác thân, cũng đâu có nhằm mục đích gì, không lập ngôn hay truyền đi thông điệp cao xa rối rắm, mà đôi khi chỉ đơn thuần giúp vui cho bạn bè, gây cười cho những người hiếu kỳ thích sự lạ đang xúm quanh.

Cẩm triền miên trong trạng thái không ăn, ít ngủ, chỉ uống, uống dẫu không nhiều nhưng họa có sức siêu nhân mới chịu thấu, mới cáng đáng được, huống chi thịt da con người. Lực đuối mòn dần, nên phải lúc gặp bệnh trọng, Hoàng Hồng Cẩm đã không đủ sức chống đỡ, tuy rằng gia đình và anh em ruột thịt luôn túc trực ở bên, chăm chút, nuông chiều.

49 chưa qua, 53 đã tới, Cẩm sinh năm 1959, mất ngày 27-10-2011, đúng tuổi âm lịch 53, thôi tặc lưỡi coi như số phận. Đành an ủi vậy.

Họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm là một cá tính kỳ lạ, một số phận kỳ lạ và khu biệt, không thể lẫn lộn trong đám đông, kể cả đám đông vốn không đông lắm của giới hội họa. Bỏ ra ngoài cái danh xưng họa sỹ, thẳm sâu bên trong con người lầm lầm dễ làm kẻ yếu bóng vía e dè ngần ngại và ngờ vực, Hoàng Hồng Cẩm là một khối cô đơn muôn thuở. Cẩm cô đơn ngay khi ở giữa mọi người, trở thành tâm điểm của các cuộc vui. Nhiều lúc hứng lên, cứ nằng nặc mời một “đứa em” nào đó về nhà, ngôi nhà xinh xắn ở Võng Thị mà Cẩm sống cùng vợ con, bảo để anh Cẩm “tẩu” nấu cho ăn. Mời mọc nhiệt thành lắm, thân thiết lắm, khách khứa rưng rưng thỏa mãn, những tưởng mình là người được cái ông gàn dở này trọng thị nhất, yêu quý nhất.

Sắp mâm sắp bát, tận tình chén chú chén anh chưa xong, Cẩm lại nổi hứng, đùng đùng đòi: “Anh vẽ chân dung tặng mày”. Bày toan vải khung giá sơn màu, Cẩm tỉ mẩn, chăm chút, thoáng đã thấy nét tài hoa rạo rực trên nền toan vô tri giác. Vị khách còn đang tận hưởng sự sung sướng, chưa kịp ngắm mình trên tranh cho thỏa, Cẩm đã đổi ngay trạng thái, ném cọ cái roẹt và ầm ầm: “Mày trả tiền cho anh đi”. Hỏi tiền gì, Cẩm tỉnh bơ, tiền tranh. Đến lúc ấy, bạn hữu cũng ngã ngửa vì sự đồng bóng lập dị của ông họa sỹ vốn nổi tiếng gàn dở, đành tặc lưỡi: Ông này hồn nhiên là chính, chỉ thích gây sự chú ý, thích người khác chiều mình, thích trở thành trung tâm của sự kiện. Nghệ sỹ mà, âu cũng bởi vì buồn, vì cô đơn quá đỗi.

Cẩm ngay giữa chốn đông người, có thể ngồi lỳ cả tiếng, trầm ngâm, chốc chốc tợm một ngụm rượu, ai nói gì hay thì nhoẻn cười, điệu cười, y như tranh của Cẩm, hồn hậu, trẻ thơ, trong trẻo. Bỗng dưng, Cẩm hát vống lên, giọng khàn khàn khê nồng và âm sắc chèo ra chèo, quan họ đúng thành quan họ, vang rền nền nẩy khiến bạn nhậu chống mắt khâm phục. Cẩm thừa biết hiệu ứng mình tạo ra với xung quanh, vốn hầu hết là đám doanh nhân hay các công chức lâu lâu mới trực diện được một ông nghệ sỹ đã “điên” lại đa tài. Cẩm “mua vui” xong lập tức thừ người ra, vẫn không hề động đũa bát, lại trở về trạng thái âm u thoát xác.

Rồi có thể Cẩm xoay bắt bẻ người khác, xong bao giờ cũng kết thúc bằng điệu cười hiền riêng biệt đầy vẻ ăn năn. Càng “diễn” trò, che giấu cái tôi, đậy điệm nỗi lòng không ai tỏ tường thấu hiểu, Hoàng Hồng Cẩm lại càng cô đơn. Để rồi, tới ngưỡng không chịu đựng thêm nổi, Cẩm đã phải thốt ra, như một lời trăng trối cuối cùng với anh trai mình, anh Đức, trước lúc nhắm mắt: “Anh ơi, em cô đơn lắm”.

Cẩm cô đơn, còn may vì có hội họa để trút sầu. Hoàng Hồng Cẩm thực sự là một họa sỹ cá tính, một gương mặt đáng giá của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới, giai đoạn thành đạt và phát đạt bậc nhất cả về sức phổ biến lẫn thương mại của hội họa đương đại, giai đoạn đã tạo nên những tên tuổi Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh hay Đinh Quân, Đào Hải Phong... Hoàng Hồng Cẩm tồn tại trong hội họa, có vị trí riêng và sự nghiệp riêng của mình, danh xưng riêng chứ không cần phải chua thêm dòng mở ngoặc, con trai của lão tướng Hoàng Lập Ngôn.

Tranh của Cẩm đối lập hoàn toàn với con người Cẩm ngoài đời, nhìn vào thì có vẻ cẩu thả dễ dãi, nhưng ẩn chứa trong đó vẻ đẹp đôn hậu, tinh tế và vô cùng trong trẻo toát ra từ màu sắc, đường nét. Màu sắc trong tranh Cẩm dễ làm người thưởng ngoạn xao động vì cái u buồn cố hữu, ngay cả lúc tươi tắn nhất cũng phảng phất nét sầu bảng lảng.

Cẩm đúng như lời nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam khi gạt nước mắt tiễn biệt anh “Hoàng Hồng Cẩm là người quậy phá ngoài đời, nghiêm túc và đa đoan trong tranh”. Tranh Cẩm chính là tâm hồn Cẩm, mong manh, dễ bị tổn thương, thơ trẻ và cũng bản năng đến điên cuồng. Nhiều nhà sưu tầm chọn sưu tập tranh Cẩm, nhiều gallery bày bán tranh Cẩm giữa những con phố đẹp của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cẩm hình như không vẽ nhiều, kiểu bất tử, hứng lên thì làm, tranh anh cũng không thuộc dòng đắt giá nhất.

Nhưng từ giờ, chắc chắn tranh Hoàng Hồng Cẩm sẽ được săn đón nhiều hơn, lùng sục nhiều hơn, và trả giá cao hơn hẳn, bởi những bức tranh đang có mặt trên đời, đã là những bức tranh cuối cùng sau rốt của một con người có tên là Hoàng Hồng Cẩm, một họa sỹ tài năng. Và cũng bởi, Cẩm “tẩu”, có “điên”, thất thường gàn dở thế nào chăng nữa, vẫn đầy trách nhiệm với gia đình, mà Cẩm còn con cái vẫn du học nước ngoài từ nhiều năm về trước.

Họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm trong mắt bạn bè

Kẻ khái tính trong vỏ bọc xù xì

Mỗi bức tranh của Hoàng Hồng Cẩm là một trạng thái của nỗi cô đơn toát ra từ màu, từ hình. Những con người, đa phần là đàn bà, mang vẻ mặt thuần hậu ngơ ngác đến mức lạc thời, lẻ loi trong khoảng không gian chập chờn nửa thực nửa hư, bên cạnh một con gà, con cá hay ngọn đèn. Tuồng như chúng hiện diện để tăng thêm nỗi cô đơn hơn để chia sẻ. Hoàng Hồng Cẩm thường vẽ những kẻ vô danh, bình dị, những kẻ mang trong mình nỗi niềm sâu kín, chẳng có nhu cầu phiền lụy tới ai, chỉ biết nhìn quanh quất đi đâu đó trong cái không gian mờ ảo của sự im lặng thiêng liêng. Bên cạnh cái cô đơn của người phụ nữ trẻ có một ngọn đèn già nua bình thản sáng, chẳng gắt gao, chẳng tìm kiếm, chỉ sáng, lặng lẽ như một đối chứng, một lời nhắc nhở. Đèn ấy vừa là đèn trời, vừa là đèn tâm, vừa là đèn tục. Chúng còn soi sáng mãi, vượt thời gian, vượt không gian, vượt qua thăng trầm thế cuộc chỉ để làm đúng với thiên chức của mình. (Họa sỹ Lương Xuân Đoàn)

Phản ứng với cuộc đời khuôn phép

Hãy xem, tranh của Hoàng Hồng Cẩm có sự trong sáng, mạnh mẽ nhưng ấm áp đến thô mộc. Nó thuộc về bản chất của một con người mà bề ngoài khủng khỉnh, kênh kiệu đến khó chịu cho những ai mới gặp. Thế nhưng chỉ cần xem tranh anh, rồi nhìn lúc anh phiêu diêu với những làn điệu chèo, quan họ (anh người gốc Kinh Bắc) với giọng hát mang cả hơi nồng của đất quê thì sẽ hiểu ra ngay. Một tâm hồn trong sáng, một tâm hồn trẻ thơ mà bạn bè vẫn “dịch nôm” và ưu ái gọi: Cẩm điên, Cẩm mộng du... Cá tính ấy, lối sống ấy chính là cách phản ứng của anh với cuộc đời khuôn phép này. Anh là kẻ lãng du không thể chịu cái gì chật chội, giả dối nên nhiều khi phá bĩnh như con trẻ. Anh cứ thế sống, chẳng ngại ai mất lòng; anh cứ thế vẽ, mà càng vẽ, anh cứ như trẻ ra mãi với những hòa sắc rực rỡ: dù có cả chục bức vẽ đi vẽ lại một đề tài mà khi xem chả hề nhàm chán. (Người xem Hà Nội - Blog Soi.com.vn)

Họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm: Thôi về đi, đường trần đâu có gì... ảnh 3

Có một con người chả giống ai

Hoàng Hồng Cẩm là một họa sỹ đầy cá tính cả trong lẫn ngoài cuộc đời. Anh không tuân thủ những con đường quen thuộc để đến với hội họa, mà dường như hội họa đã tìm đến anh ngay từ tấm bé cho dù anh học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Có lẽ vì thế nên có một con người Hoàng Hồng Cẩm chẳng giống ai. Anh như đứa trẻ hồn nhiên, thích đùa với cuộc đời. Cũng vì thế cả một thế giới sắc màu riêng mang tên Hoàng Hồng Cẩm mà sức lan tỏa của nó ảnh hưởng không ít đến đồng nghiệp.

Tranh Hoàng Hồng Cẩm lúc nào cũng mênh mang một nỗi buồn ngọt ngào tìm niềm hy vọng. Niềm hy vọng đó được anh gửi gắm thường xuyên vào ngọn đèn dầu của quá khứ. Nó có mặt ở tranh anh bên cạnh một đứa bé, một người đàn bà hay vu vơ với chân ghế, mặt bàn, như muốn thoát khỏi chiêm bao. Thẳm sâu tâm lý sáng tạo hình như bao giờ cũng trái ngược với cung cách ứng xử. Ngoài đời, Hoàng Hồng Cẩm thích đùa bao nhiêu thì tranh Hoàng Hồng Cẩm trầm tĩnh, yên lặng đến đó. Hoàng Hồng Cẩm là thế, anh ồn ào chốn đông đúc để mọi người biết quý sự bình yên. Và như thế, anh như ngọn đèn dầu vẫn sáng, sáng mãi không thôi. (Họa sỹ Trịnh Tú).