Họa sỹ Doãn Sơn: Sự khắc nghiệt của nghệ thuật là “đòn roi” cần thiết

ANTĐ - 5 năm kể từ ngày bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam “Hà Nội chiến lũy và hoa” bị cháy, gặp lại họa sỹ Doãn Sơn, anh cho biết bức tranh bị cháy vô tình đem lại cho anh sự thanh thản và nhẹ nhõm. Nếu như làm lại bức tranh này, anh sẽ vẽ trong im lặng, không ra mắt, không triển lãm, không làm gì ồn ào cả. 
Họa sỹ Doãn Sơn: Sự khắc nghiệt của nghệ thuật là “đòn roi” cần thiết ảnh 1

Một phần của bức tranh sơn dầu khổng lồ “Hà Nội chiến lũy và hoa”

- PV: 5 năm đã trôi qua, anh cảm thấy thế nào mỗi khi nghĩ về bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa”?

- Họa sĩ Doãn Sơn: Tôi luôn cảm thấy day dứt mỗi khi nghĩ về “Hà Nội chiến lũy và hoa”. Điều đau đớn nhất đối với tôi là sự đón nhận của xã hội. Vẽ ra đã khó nhưng tìm được nơi đón nhận lại càng khó hơn. Tôi vô cùng tiếc vì không có bảo tàng nào dang tay đón “đứa con” của tôi vào lòng. Khi còn trẻ, tôi rất non nớt nghĩ rằng, cứ vẽ, cứ cống hiến rồi sẽ được ghi nhận nhưng thực tế không như vậy. Nghệ thuật không thể đo bằng sự cần cù, bằng kỹ thuật siêu việt.


- Ngày đó, sao anh không tặng bức tranh cho một bảo tàng nào đó. Dù sao, tranh của anh cũng sẽ có nơi có chốn? 

- Dù bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa” mang nhiều ý nghĩa, gợi nhắc về một Hà Nội hiên ngang và hào hoa nhưng đã không có lời đề nghị nào từ phía Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Người nghệ sỹ luôn đòi hỏi sự tôn trọng. “Con gái” tôi không thể dễ dàng gả cho một người đàn ông lạ mặt. Vấn đề không phải lễ vật cần bao nhiêu lượng vàng mà ít nhất, tôi phải nhìn thấy tình yêu của người đàn ông đó dành cho “con gái” mình. 

- Trước và sau khi bức tranh bị cháy, cuộc sống của anh có nhiều thay đổi?

- Khi bức tranh còn, tôi đã quá vất vả. Hoàn thành bức tranh khổng lồ như rút cạn sinh lực của tôi và gia đình trong suốt 3 năm. Tôi không đủ sức để bảo vệ “con mình”. Vô tình, bức tranh bị cháy lại đem lại cho tôi sự thanh thản và nhẹ nhõm. Nếu như làm lại bức tranh này, tôi sẽ vẽ trong im lặng, không ra mắt, không triển lãm, ai quan tâm xin mời tới xem, tôi sẽ không làm gì ồn ào cả. 

- Phải chăng, khát vọng được tỏa sáng chính là lý do để ra đời bức tranh nhưng cũng là lý do khiến anh thấy cay đắng nhất?

- Khát vọng được tỏa sáng trong tôi giống như củi đã khô chỉ cần có lửa để cháy. Nội lực đấy thôi thúc tôi vẽ bức tranh mà không có gì lay chuyển được. Nhưng một bức tranh khổng lồ ra đời lại làm tôi và gia đình cảm thấy quá mệt mỏi. Mỗi lần di chuyển, tôi cần tới hơn chục người tham gia tháo lắp. Tốn kém là vậy nhưng sự đón nhận của xã hội mới thật sự đáng buồn. Tôi như bị dội gáo nước lạnh với sự dửng dưng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. 

- Tìm một nguồn tài trợ vững chắc, anh đã bỏ qua bước này ngay từ  giai đoạn khởi thủy?

- Lúc đó, tôi là họa sỹ trẻ, không có tên tuổi và không có gì đảm bảo sẽ đưa dự án đi đến thành công. Họ không tin rằng tôi sẽ làm được. Nhưng tôi đã làm được và điều tôi tiếc nhất là có lẽ tác phẩm đó phải 200, 300 năm nữa, mọi người mới nhận ra giá trị của nó. Lúc đó, tôi đã sang kiếp khác. 


- Dù không được như kỳ vọng nhưng bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa” cũng đã mang lại cho anh điều gì chứ?

- Khi bức tranh bị cháy, tôi nhận ra đấy không còn là một bức tranh nữa mà đã như một con người. Bạn bè chia sẻ và nhiều người khác gọi điện chia buồn. Họ nói rằng, bức tranh sẽ được treo trong cõi vĩnh hằng. Mọi người đã nhớ bức tranh bằng sự nuối tiếc, đó cũng là động lực để tôi tiếp bước. Lâu lâu xã hội lại nảy sinh một thằng điên như tôi, nhưng không phải loại phổ biến, không dùng để cổ vũ số đông. Sự khắc nghiệt của đời sống nghệ thuật là đòn roi cần thiết để những gã điên bớt điên hơn. 

- Xin cảm ơn họa sỹ Doãn Sơn!

Bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam “Hà Nội chiến lũy và hoa” có kích thước 9,6m x 2,25m được họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn hoàn thành trong 3 năm. Bức tranh thể hiện sống động lịch sử Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1946 với tinh thần quả cảm, quật cường, mà ở đó người xem có thể cảm nhận được những khoảnh khắc lịch sử không thể nào quên.