Họa sỹ của các loài hoa

ANTĐ - Đến với hội họa khá muộn nhưng Đinh Thanh Vân đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam chỉ sau một cuộc triển lãm cá nhân. Và sau 5 năm cầm cọ, chị đã được giới trong nghề đặt cho biệt danh Vân “hoa”, họa sỹ của các loài hoa. 

Họa sỹ của các loài hoa ảnh 1

Cú rẽ đột ngột

Đang tất bật với công việc kinh doanh, Thanh Vân rẽ ngang đi học tại chức Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Cú rẽ này đột ngột đến nỗi, nhiều bạn bè cũng ngỡ ngàng với quyết định của vợ bởi ở cái tuổi 40 không còn trẻ để bắt đầu tình yêu với nghệ thuật. Đã nhiều lần chị muốn vứt bỏ tất cả để chạy theo “tiếng gọi của nghệ thuật”, song gánh nặng cơm áo, cuộc mưu sinh cứ miết mải cuốn chị đi. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến nửa cuộc đời chị mới dứt hẳn công việc để tập trung cho những sáng tạo nghệ thuật. Và bắt đầu từ đó, Thanh Vân vẽ liên tục, vẽ bằng niềm cảm hứng và ký ức từ những ngày xa xưa. 

Họa sỹ của các loài hoa ảnh 2

Đinh Thanh Vân nhớ, ngày bé, chị vẫn thường tần ngần đứng trước hoa để ngắm vẻ đẹp của các loài hoa. Còn khi trưởng thành, chị bị ấn tượng mạnh mẽ trước một đồi hoa mua tím và đã dành một quyển sổ để vẽ về loài hoa này. Những kỷ niệm đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí Thanh Vân và giúp chị định hướng được đề tài sẽ theo đuổi trong hội họa. Hoa vốn đã đẹp nên vẽ về hoa chỉ là cái cớ để chị giãi bày cảm xúc trước cuộc sống. Là người lạc quan nên tranh hoa của chị được thể hiện bằng những gam màu trong trẻo, ít có bức tranh nào có gam màu u ám, trầm lắng. Khi hỏi chị, tranh của Thanh Vân vừa mơ màng lại vừa hiện thực, thì nên hiểu con người chị như thế nào qua tác phẩm. Chị cho biết: “Tranh là người, người sao tranh vậy. Tôi vẫn mơ mộng nhưng cũng thực tế trước cuộc sống, nên khi cầm bút, cái nhìn ấy cũng đi vào tranh”.

Phá bỏ định kiến

Nhiều người trước khi đến xem tác phẩm của Thanh Vân từng có định kiến, tranh của họa sỹ rẽ ngang chắc sẽ xấu. Nhưng sau khi xem xong, họ biết mình đã nhầm. Cái tình của người vẽ hiện diện rất rõ ràng trong tác phẩm. Và nếu thiếu yếu tố này, tranh của chị sẽ bị rơi vào dòng tranh lưu niệm, cứng nhắc và dập khuôn. Điều lạ hơn, Thanh Vân rất tự tin vào các sáng tác của mình. Ai đến thưởng tranh, nếu thấy thích có thể chụp lại mà không lo sợ cái nhìn đầy dò xét của tác giả. Bởi chị vẽ theo lối biểu hiện hiện thực xen lẫn trừu tượng, các mảng màu loang, chồng lẫn lên nhau, ngay đến bản thân chị có vẽ lại cũng không thể thực hiện được. Ngay ở triển lãm đầu tiên năm 2013, Đinh Thanh Vân đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong khi, các họa sỹ khác cần nhiều thời gian hơn để chứng tỏ tài năng và đảm bảo đủ các điều kiện. 

Cũng tại triển lãm ấy, một du khách người Mỹ đến xem phòng tranh đã đứng rất lâu trước tác phẩm “Nhớ”, được chị vẽ năm thứ hai đại học. Lúc hỏi chuyện, vị du khách tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết chị đến với hội họa khá muộn và nhận xét: “Bà đã là họa sỹ trước khi học vẽ”. Nhận xét rất nhanh ấy đã tạo thêm động lực để chị đào sâu hơn mảnh đất mà mình đã gắn bó. Với 5 năm vẽ tranh, chị đã được bạn bè nhắc đến với cái tên Vân “hoa” - sự ghi nhận cho những nỗ lực của một họa sỹ đầy đam mê với nghệ thuật. Đến nhà chị chơi, tranh hoa của Thanh Vân treo khắp phòng.

Từ cầu thang lên xuống cho đến không gian nhỏ bé trước cửa, chỉ một khoảng trống nhỏ nhoi cũng được chị tận dụng để bày tranh. Các tác phẩm này đều được Thanh Vân sáng tác từ một cảm xúc bất chợt. Dù đang nằm trong chăn ấm giữa đêm đông nhưng khi cảm xúc ùa về, chị cũng sẽ vùng dậy để vẽ. Sau khi được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, chị đã cùng các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB nữ họa sỹ tổ chức các chuyến đi đến nhiều vùng đất. Cũng nhờ những chuyến đi ấy, chị có thêm niềm cảm hứng trong các sáng tác mỹ thuật.