Họa sĩ Vi Kiến Thành: Không thể áp đặt tùy tiện việc quản lý công trình mỹ thuật nơi công cộng

ANTD.VN - Ồn ào xung quanh sự việc vườn tượng 12 con giáp ở Khu du lịch Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) những ngày vừa qua khiến nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải cấp phép và quản lý các công trình mỹ thuật được trưng bày ở nơi công cộng.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, khái niệm “nơi công cộng” rất rộng và đối với các địa điểm thuộc sở hữu cá nhân, được cá nhân xây dựng thành địa điểm kinh doanh, hoặc một khu đất được doanh nghiệp “thầu” với mục đích kinh doanh, thì việc cấp phép các công trình mỹ thuật được trưng bày tại những chỗ này liệu có hợp lý hay không.

Chia sẻ về ý kiến này, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VHTT&DL) đồng tình và cho rằng: “Nơi công cộng quả thực bao gồm rất nhiều chỗ, nhiều địa điểm và việc ra văn bản quản lý Nhà nước để điều chỉnh cũng như kiểm soát các công trình mỹ thuật trưng bày ở những nơi như thế là cả một vấn đề”.

Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VHTT&DL)

Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, sự xuất hiện của nhiều công trình mỹ thuật gây tranh cãi được trưng bày ở nơi công cộng trong thời gian vừa qua khiến mọi người nhận thấy việc quản lý các công trình này là cần thiết.

Tuy nhiên trên thực tế, các công trình mỹ thuật, tượng đài lớn nằm ở những khu trung tâm hành chính hay di tích, là công trình cố định đã được quản lý và kiểm soát bởi Nghị định 113/2013/NĐ-CP ban hành ngày 2-10-2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Đây cũng là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất của ngành mỹ thuật Việt Nam tính đến thời điểm này. 

Vì vậy, sự cần thiết mà dư luận đặt ra ở đây có thể hiểu là việc quản lý các công trình mỹ thuật có quy mô nhỏ, vừa phải, không cố định, có thể di rời, đặt ở các không gian khu du lịch, địa điểm giải trí công cộng. Về điều này, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết cần phải cân nhắc chế tài kỹ lưỡng và cụ thể chứ không thể vội vàng.

Cụm tượng 12 con giáp tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) gây bàn tán và tranh cãi trong nhiều ngày qua

Theo người đứng đầu Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm thì nếu vội vàng đưa ra các quy định quản lý bằng văn bản, không cẩn thận sẽ sinh ra “giấy phép con” gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi theo họa sĩ Vi Kiến Thành, việc đưa ra thêm quy định các công trình, tác phẩm mỹ thuật trưng bày ở các địa điểm trên phải có cơ quan quản lý văn hóa xem xét, thậm chí có thể “đẻ” ra “giấy phép con” là phải hết sức cân nhắc,

Đó cũng là lý do lâu nay, Cục đã nghĩ đến việc này nhưng chưa tìm ra được giải pháp quy định làm sao để có thể dung hòa giữa vấn đề quản lý Nhà nước và sự phát triển thuận lợi của doanh nghiệp, nên chưa ra bất kỳ văn bản cụ thể nào.

“Đã thành văn bản quản lý thì phải giải quyết được các mối quan hệ xã hội, không thể áp đặt một cách tùy tiện mà phải nghiên cứu kỹ” – họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VHTT&DL) khẳng định.

Nói thêm về việc này, họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định, dư luận chỉ là một kênh thông tin để các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo, còn việc ra văn bản quản lý và quản lý thế nào sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền thực hiện một cách khách quan nhất chứ không chỉ đơn thuần nghe theo dư luận.