Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Sinh: Thích thì nhích, ngay cả khi "tay trắng" trở về

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giới mộ điệu và công chúng yêu nghệ thuật đã biết đến nhà điêu khắc Phạm Sinh qua các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm chuyên ngành điêu khắc với các giải thưởng cao. Đặc biệt là các công trình điêu khắc quy mô lớn trên nhiều vùng miền khác nhau. Không dừng chân ở địa hạt điêu khắc, ông đã có cuộc lấn sân, đổ bộ sang lĩnh vực hội họa với 3 triển lãm cá nhân diễn ra liên tiếp trong 3 năm. Mà gần đây nhất là triển lãm "Cận cảnh 2" đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Nhiều người bảo Phạm Sinh nặng nợ, ôm vào mình bao là việc. Ngoài công việc giảng dạy tại Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ông còn là làm đủ thứ việc khác như sáng tác điêu khắc, làm tượng đài, vẽ tranh, sưu tập.. Với từng ấy việc, không hiểu sao nhà điêu khắc này vẫn hoàn thành trơn tru. Chỉ có điều, so với điêu khắc, hội họa dường như là cuộc chơi để giải tỏa năng lượng và dốc bầu tâm sự của tác giả cùng người xem về nhân tình thế thái.

Nếu trong điêu khắc, ngôn ngữ của ông khỏe khoắn, mạch lạc, khúc chiết, thô mộc thì trong hội họa lại hoàn toàn trái ngược. Tính đa nghĩa, sự ẩn dụ, tính gợi mở bằng các tín hiệu cứ nối tiếp điệp trùng, nửa như thách đố, nửa như kích thích trí tưởng tượng, sự liên tưởng của người xem, đấy chính là sự hấp dẫn, sự cộng hưởng của cảm xúc giữa tác giả và người xem.

Đặc biệt, với hội họa, Phạm Sinh đã có cuộc bứt tốc với chính mình khi chuyển đổi ngôn ngữ thể hiện từ hiện thực lãng mạn sang trừu tượng. Nhà điêu khắc này cho hay, nếu vẽ hiện thực, tranh ông sẽ đắt khách hơn vì dễ cảm nhận và đại chúng hơn. Biết là vậy nhưng Phạm Sinh vẫn lao vào cơn bùng nổ của cảm xúc mà chỉ thể loại trừu tượng mới giúp ông bộc lộ.

Phạm Sinh chia sẻ, tình yêu là thế, dù biết "tay trắng" trở về nhưng vẫn yêu đến si mê và điên khùng. Và thành thực mà nói, ông đang lấy "tay phải" để nuôi "tay trái" chứ không thể làm được điều ngược lại.

Cũng vì tình yêu với hội họa, từ năm 2017, ông chính thức vẽ theo bút pháp trừu tượng và qua mỗi cuộc triển lãm cá nhân, người xem lại thấy cái mới ở cùng một thể loại. Nếu như triển lãm đầu tiên "Đối thoại cuộc hành trình 1" (2018) có cái nhìn xa xăm, ẩn hiện như không gian thiên hà thì bước sang triển lãm "Cận cảnh 1" (2019) lại có cái nhìn gần về hệ mặt trời với những hành tinh quen thuộc như sao hôm, sao mai, vầng trăng và cả những thiên thạch.

Đến "Cận cảnh 2" lần này, lại có cái nhìn gần hơn nữa về trái đất với khung cảnh thiên nhiên và đời sống con người. Đó là khí quyển vần vũ, là ngọn gió hoang vu, là mảnh vườn mùa xuân và cả những ký ức khó quên trong cuộc sống. Càng về sau, cái nhìn của ông trong tranh về cuộc sống lại càng triết lý hơn.

Thoạt nhìn, tranh trừu tượng của Phạm Sinh có phần mạnh về hình khối và nhịp điệu và dường như khá tĩnh lặng. Nhưng càng nhìn, lại càng nhận thấy nhiều điều, càng nhìn lại càng thấy không gian trong tranh sâu thăm thẳm, lớp này nối lớp khác, để kể về một câu chuyện cụ thể.

Tác giả bộc bạch: "Nghệ thuật của tôi gợi nhiều hơn tả, thông qua hiệu ứng màu sắc và nhịp điệu đường nét, nhằm cố gắng cao nhất bộc lộ tình cảm của mình trước thiên nhiên và con người". 

Phạm Sinh sẽ tiếp tục dấn thân với tình yêu hội họa với các bức tranh trừu tượng liên tiếp được ra đời. Ông mong rằng, người xem sẽ bước qua định kiến về tranh trừu tượng, là khó xem và khó cảm nhận trước khi đến với phòng tranh của mình để cùng cảm nhận những rung động của tác giả được diễn tả bằng màu sắc, bằng khối, bằng hình.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Sinh

Triển lãm "Cận cảnh 2" trưng bày 18 bức tranh sơn dầu và acrylic khổ lớn, sẽ kéo dài đến hết ngày 16-7 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền.

Nhà điêu khắc, họa sĩ Phạm Sinh sinh năm 1960 tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Nghệ sĩ  từng tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1991. Trước khi trở thành sinh viên, ông từng có thời gian mặc áo lính, tham gia chiến đấu trên nước bạn.

Không ngại khó, ngại khổ, ham làm, ham học hỏi, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp một thời gian ngắn, ông đã khẳng định vị trí của mình trong làng điêu khắc bằng các giải thưởng chuyên ngành uy tín. Luôn suy nghĩ tìm tòi và thường có những ý tưởng táo bạo, lạ lẫm và khác người đã làm nên một Phạm Sinh đầy cá tính trong nghệ thuật.

Ông thường xuyên tham gia các triển lãm, các trại sáng tác trong nước và quốc tế. Phạm Sinh đã thực hiện nhiều công trình điêu khắc ứng dụng lớn như tượng đài binh chủng đặc công (bảo tàng Đặc công), tượng đài Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh năm 2006, tượng đài biểu tượng du lịch Trà Cổ Bình Ngọc Móng Cái, tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt tại phố Hiến, Hưng Yên...