Họa sĩ Nguyễn Thụ kêu cứu vì bị mạo danh trắng trợn trên sàn đấu giá quốc tế

ANTD.VN - Dù cả đời không vẽ một bức sơn mài nào nhưng mới đây, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã công khai rao bán một bức tranh sơn mài mang tên Nguyễn Thụ. Năm nay đã 90 tuổi, lão họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng Việt Nam "cực chẳng đã" phải cầu cứu tới các đồng nghiệp cùng chung tay giúp ông tháo gỡ vướng mắc liên quan tới việc mạo danh trên các sàn đấu giá quốc tế.

Họa sĩ Nguyễn Thụ là 1 trong 15 học viên khóa I (1957-1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay), sớm bén duyên với tranh lụa và dành tâm huyết cả đời mình cho những bức tranh lụa ngay từ khi bước chân vào con đường hội họa. Có thế kể đến một số bức như Cô gái Tày, Làng ven núi, Mẹ con... Nhiều tác phẩm của ông đã nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng trên thế giới và tư nhân.

Họa sĩ Nguyễn Thụ kêu cứu vì bị mạo danh trắng trợn trên sàn đấu giá quốc tế ảnh 1

Bức tranh "Gánh hàng hoa" được rao bán trên sàn nhà đấu giá Lynda Trouve. Nguồn ảnh: Lynda trouvé.

Tranh lụa Nguyễn Thụ mềm mại, đầy trữ tình, giàu nhạc điệu miền núi và Á Đông. Tất cả đường nét, màu sắc, mảng miếng trong tranh của ông đều giàu chất trang trí mà vẫn xao xuyến hơi thở của cuộc sống. Cũng là một người vững vàng về hình họa nhưng ông ưa chuộng diễn hình bằng đường nét trữ tình, uyển chuyển giống như cách trang trí của cha ông.

Việc tranh Nguyễn Thụ xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế không có gì ngạc nhiên. Nhưng thật bất ngờ, sau phiên đấu giá "Họa sĩ châu Á-Những tác phẩm quan trọng" của nhà đấu gia Aguttes (Pháp), lão họa sĩ đã lên tiếng và cầu cứu các đồng nghiệp, đặc biệt là nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi hiện đang sinh sống tại Pháp.

Bức sơn mài "Thuyền buồm dưới ánh trăng" mạo danh họa sĩ Nguyễn Thụ (chữ ký góc phải tranh). Nguồn ảnh: Aguttes.

"Tôi là họa sĩ Nguyễn Thụ. Tôi nghe nói người ta mạo danh tôi, làm tranh sơn mài mang đi đấu giá ở Pháp, mà tôi chuyên vẽ tranh lụa. Mong anh lên tiếng giúp tôi, cảm ơn anh”, đoạn clip của họa sĩ ngoài 90 tuổi Nguyễn Thụ gửi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi.

Theo đó, vào ngày 21/6/2018, một bức sơn mài được đưa lên sàn nhà đấu giá lynda Trouve tại trung tâm đấu giá danh tiếng Drouot ở Paris. Chi tiết về bức sơn mài này được giới thiệu là lô 216, Nguyễn Thụ: "Gánh hàng hoa". Sơn mài cẩn trứng, kích thước 61 x 122,5 cm. 

Giá khởi điểm của bức này được đề nghị là 300 - 500 Euro. Tuy nhiên bức tranh đã không bán được. Nhận định về bức sơn mài mạo danh họa sĩ Nguyễn Thụ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chỉ biết lắc đầu cảm thán là “xấu đau xấu đớn”.

Họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng Nguyễn Thụ (người đội mũ)

Gần đây nhất vào ngày 12/3/2020, trên sàn online của nhà đấu giá Aguttes đưa lên một bức tranh sơn mài ghi là: Lô 36, Nguyễn Thụ (sinh năm 1930), "Thuyền buồm dưới ánh trăng", sơn mài thếp vàng, ký tên phía dưới bên phải, kích thước 39,7 x 59,7 cm. Bức tranh này đã được bán với giá 400 Euro.

Cả 2 bức tranh này đều có chữ ký và con triện khá giống nhau nhưng giá bán khá thấp so với giá tranh thực tế lên tới vài nghìn đô một bức của  họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Thụ.

Thông tin từ Pháp, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết, hiện nay, dịch Covid đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nghệ thuật. Tất cả mọi giao dịch đều bị đình trệ. Vì thế, ông chưa thể tới 2 nhà đấu giá này để phản ánh bức xúc của lão họa sĩ Nguyễn Thụ.

Cũng theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, có thể nhà đấu giá không muốn bán tranh giả. Nhưng chuyên gia thẩm định của họ quá tự tin. Nhìn vào chữ ký "NgThu" thì tìm tên tuổi của một họa nào đó gán vào, vì họ không đọc được tiếng Việt. 

Hình cắt từ clip họa sĩ Nguyễn Thụ gửi nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi

Nguyễn Thụ không phải là họa sĩ đầu tiên bị mạo danh trên sàn đấu giá quốc tế. Trước đó, nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong cũng đã đưa lên trang web chào bán trước khi buổi đấu giá bắt đầu nhiều tác phẩm của các danh họa mỹ thuật Đông Dương như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân...

Sau khi giới phê bình và họa sĩ trong nước lên tiếng mạnh mẽ thông qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, nhà đấu giá này đã lặng lẽ rút các lot đấu mà không một lời giải thích.

Việc bị mạo danh trên sàn đấu giá quốc tế đã không còn là chuyện lạ. Đa số trường hợp tranh giả là do người Việt hại chính người Việt. Họa sĩ Việt Nam chép tranh, giả tranh của danh họa thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương rồi đưa vào các gallery bên Pháp. Các nhà sưu tập Việt Nam tưởng rằng tranh ở Pháp đã được kiểm chứng nên mua về. Trong khi đó, mối quan hệ của gallery với những người chép tranh, môi giới rất phức tạp