Cương vẽ, Cương làm gốm, bìa và minh họa sách, viết báo, phê bình nghệ thuật... chưa hết trữ lượng sáng tạo, anh còn làm đạo diễn. Lê Thiết Cương đạo diễn đêm “Bến lạ” (thơ Đặng Đình Hưng) tối 13-4 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), Hà Nội. Anh trò chuyện với ANTĐ Cuối tuần, trước lúc tổng duyệt chương trình ngày 7-4.
- Hôm nay, chúng tôi gặp Lê Thiết Cương nào?
- Chỉ có một Cương: chính xác, chu đáo và lãng mạn.
- Mâu thuẫn và cực đoan nữa. Như trong phòng khách này, sofa, tivi, bộ âm thanh hiện đại bày cùng cổ vật. Anh là một tay chơi sành đồ cổ. Vì đâu?
- Chắc chắn không phải vì... buôn. Những câu đối, hoành phi, cửa võng treo trên tường, bình, lọ, thạp, ghế cổ là thú chơi cho một tư duy chuyên sâu: làm nghệ thuật một cách hiểu biết.
- Nguyễn Công Trứ đúc kết: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Không chỉ công phu mà còn tốn kém tiền bạc, thời gian nữa!
- Để có thứ giá trị, phải trả giá. Tôi muốn vẽ hiện đại, thì phải hiểu truyền thống. Người Việt không có tranh giá vẽ. Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam nằm ở đồ thủ công, mỹ nghệ.
- Trở lại hiện tại, trông anh đang lo lắng?
- Đây quả là câu chuyện phức tạp của những thói quen. Tôi đã tổ chức triển lãm, đêm thơ cho các anh em nghệ sĩ tại Gallery 39A, tham gia ủng hộ nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, chưa từng xin tài trợ. Tôi tự bỏ tiền, ai biết giúp đỡ được gì thì tốt, không thì mình tự lo. Thói quen ấy làm tôi vất vả bội lần. Lúc kinh tế khó khăn, khán giả vẫn thích thưởng thức miễn phí.
- Tôi chia sẻ với anh điều này, những chương trình đặc biệt cần công chúng tinh tuyển giới văn nghệ sĩ, trí thức tên tuổi. Giới này không nghèo, song những người tên tuổi lại tự cho mình quyền “được mời”.
- Trừ tôi nhé. Tôi thường xuyên mua vé đến Nhà hát Lớn Hà Nội nghe giao hưởng và tới các đêm nhạc. Còn mua cho bạn bè đi cùng.
- Đấy, anh lại “bao vé”, dung túng thói quen hưởng sẵn. Bỏ tiền mua vé là dấu hiệu của sự tự nguyện và biết sòng phẳng mà?
- Tôi đang chờ những người tự nguyện, sòng phẳng, biết giá trị, đến đêm “Bến lạ”.
- Trước kia, L'Espace 24 Tràng Tiền thường làm các sự kiện văn học miễn phí. Giờ chương trình này đang được bán vé?
- Trừ tọa đàm hội thảo, các chương trình biểu diễn ở đây đều bán vé. Vé xem phim thấp nhất, vé ca nhạc rẻ hơn thị trường. Lại có không gian biểu diễn tiêu chuẩn. Tôi định làm một đêm mời, nhưng phải theo thể lệ quy định. L'Espace đang bán 2 mức giá vé: 80.000 và 60.000 đồng. Tổng cộng chỉ có 264 ghế.
- Đặng Đình Hưng (1924-1990), chỉ có 2 tập thơ in sau khi mất, trong đó “Bến lạ” chỉ 20 trang. Anh làm đạo diễn cho đêm thơ “Bến lạ”, có duyên cớ nào không?
- Mỗi nghệ sĩ tài danh đều có uẩn khúc số phận. Đặng Đình Hưng, với tôi, là người thầy quan trọng, và tôi là “học trò”. Chú ý, học trò trong ngoặc kép vì tôi không học ông trong nhà trường hay giảng đường.
- Đó là giai đoạn anh được gần gũi ông khi sống tại khu tập thể Giảng Võ?
- Chúng tôi sống tại căn hộ tầng 2 của hai lô nhà khác nhau. Những năm 1984-1990 thế kỷ trước, tôi được gần ông, đó cũng là 6 năm cuối của đời thi sĩ.
- Đặng Đình Hưng là cha NSND Đặng Thái Sơn. Nói về danh cầm này, người ta thường tôn vinh người mẹ - Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên (SN 1918, hiện sống cùng Đặng Thái Sơn tại Montréal, Canada - PV). Anh biết sinh thời, Đặng Đình Hưng biểu tỏ gì khi người ta “quên” ông?
- Đặng Đình Hưng vốn là nhạc sĩ. Cha mẹ tinh tú sinh ra con xuất sắc. Đặng Đình Hưng có vai trò quan trọng với Đặng Thái Sơn, trân trọng ông là lẽ công bằng. Ông từng nói: “Không có Đặng Đình Hưng, làm sao có Đặng Thái Sơn”. Cha nào con nấy, gen, ADN có là yếu tố căn bản.
- Ý tưởng làm đêm “Bến lạ” có từ khi nào? Hãy cho độc giả hình dung về không gian hôm 13-4?
- Cách đây 1 năm, tôi có xem cuộc biểu diễn của nhóm Gõ, gồm 5 tay trống, do nghệ sĩ Phan Nam (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) dẫn đầu. Những câu chuyện của tôi thường xoay quanh nghệ thuật, văn chương. Tôi yêu thơ, đã chọn thơ hay làm lịch để bàn mấy năm qua. Và muốn làm một đêm đọc thơ trên nền nhạc cụ. Thơ tự do không hợp mô hình ngâm. Đây là đọc, tôi nhấn mạnh, đọc bằng 2 giọng nữ không phải diễn viên chuyên nghiệp. Từng người đọc và có lúc cùng đọc, nhạc do Phạm Nam soạn, gồm: bộ gõ, 2 guitar, 1 đàn nhị, pianist Nguyễn Tuấn Nam. Nghệ sĩ Nguyễn Tất Long nhảy tab xen giữa. Hai bạn tôi: Đặng Xuân Trường lo ánh sáng, NSƯT Vũ Đức Tùng (quay phim truyện nhựa Mùa ổi, Đừng đốt) quay tư liệu. Tất cả đều không lấy cát-sê. Sân khấu do tôi thiết kế, chỉ có 1 vòng tròn không khép kín, theo câu thơ Đặng Đình Hưng mở đầu “Bến lạ”: “Giữa cái nong hình dáng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân”.
- Anh vẫn phủ sóng “tối giản” cho mọi tác phẩm ở các loại hình?
- Đây là phong cách. Chính Đặng Đình Hưng hướng tôi đến quan niệm nghệ thuật tối giản. Tối giản không phải, không bao giờ là đơn giản. Tối giản là đại lộ có nhiều nhánh, rẽ. Tranh Thiền của Nhật, Trung Hoa, vài nét bút lông chấm mực lên giấy xuyến chỉ, chứa đựng cả triết lý.
- Mẹ anh, bà Đỗ Phương Thảo, nữ quay phim truyện nhựa duy nhất của Điện ảnh Việt Nam cho đến nay, có bàn tay đẹp, khéo gia chánh. Bà nấu nhiều món ngon, làm được gần trăm loại bánh, lại viết tiểu thuyết. Bố anh, một nhà biên kịch, lại có những tập thơ. Chắc nhờ thế, anh hưởng gen “sành ăn” và gắn bó với thơ ca tới mức là “nạn nhân của văn học”?
- (Cười) Chắc anh trêu tôi hay nể mà vẽ bìa, minh họa giúp bạn bè. Thích tôi mới làm, còn lại do tình nghĩa. Hàng tuần, làm minh họa cho Tuổi trẻ Cuối tuần.
- Kinh tế toàn cầu khủng hoảng, tranh khó bán, mà anh vẫn uống rượu Tây mỗi ngày, lại hào phóng biến nhà mình thành câu lạc bộ?
- Tôi sống cùng mẹ, mẹ tôi lại văn minh, tôn trọng thú vui, khoảng riêng của tôi. Nhà ở trung tâm, chủ nhà không hẹp hòi, hội nhiều yếu tố thuận lợi khiến mọi người hay lui tới.
- Bạn hay chỉ quen nhau, từ nước ngoài về, trong Nam ra đều ghé qua, đến mức anh phải lát gạch cả mảnh vườn để thêm chỗ tiếp bạn, may còn cây chuối?
- Lúc đầu, vườn trồng cỏ, dù làm giếng trời, vẫn thiếu nắng - nhà cao 5 tầng nên cỏ không mọc được. Nhìn xem, sau cơn mưa lá chuối xanh không? Đẹp quá! Vạn niên thanh leo tường, vườn lát gạch vẫn giữ khoảng trồng chuối, trồng 2 cây luôn, vì mê Basho (1644-1697) nhà thơ Haiku Nhật, có hiệu là ông Ba tiêu (Chuối).
- Anh bị không ít kẻ ghen ghét, đố kỵ đấy. Họ đồn rằng anh đang sống bằng tiền viết báo, rằng anh cố gồng mình chơi sang để giữ vai trò thủ lĩnh, “trung tâm showbiz’’ của giới hội họa?
- Tiền cạn dần là đúng, tôi đang rút tài khoản để tiêu. Tôi không khoác lác sĩ diện nói mình có tài sản triệu đô, tranh đắt vài chục nghìn USD. Tranh bán chậm là tình hình chung. Tôi không kêu ca, vẫn sống phong lưu hội tụ bạn bè, chỉ giảm nhu cầu chứ không bao giờ dùng đồ rẻ tiền. Phải biết cân bằng năng lực kinh tế và nhu cầu. Giờ tôi viết báo ít, không làm đại diện cho báo nào nữa. Về chuyện đố kỵ, lẽ thường tôi không bao giờ bận tâm đôi co với kẻ dèm pha. Người tài luôn ít hơn lũ bất tài. Nói theo cách dân gian, dao thớt tanh, ruồi mới đến. Chứ rửa sạch, lại lau cồn dao thớt thì sao có kiến, ruồi. Chân tài mới biết công nhận tài người khác.
- Vâng, chân tài mà liên tài được, hiếm đấy. Anh có phẩm chất ấy, nên anh sẽ còn tiếp tục làm sự kiện cho bạn bè?
- Sau 1 năm tạm ngừng, gallery của tôi mở cửa trở lại tháng 3-2013, vẫn tiếp tục không cho thuê, hoạt động phi lợi nhuận. Mùa thu này, tôi sẽ làm triển lãm gốm cho biên đạo múa Nguyễn Việt. Anh sinh trưởng ở Quảng Ninh trong gia đình làm nghề gốm. Trước kia bố tôi (Lê Nguyên - PV) nhận nhiệm vụ của Tổng cục Chính trị đi tuyển nhân tài về, đã tìm ra Nguyễn Việt, anh được đưa sang Triều Tiên đào tạo...
- Là một trong số các họa sĩ có khả năng viết hay, sâu, anh có dự tính ra sách cá nhân?
- Cuối năm nay sẽ là cuốn sách gồm 20 bài nghiên cứu, phê bình tôi viết về văn hóa nghệ thuật. Con người tôi là con người nghệ thuật. Mỗi ngày, nếu không làm gì dính líu nghệ thuật, tôi thấy “lạc mình”, thấy ngày ấy bị trống, con người không hoàn chỉnh: vẽ hoặc đọc sách, nghe nhạc, thiết kế, tổ chức chương trình.
- Những bữa cơm anh mời bạn thức ăn bày rất đẹp trên mâm đồng đặt giữa bàn kính, ăn như sự thưởng thức. Anh ưa ăn đồ gì? Hiện giờ, nhiều món ăn tinh túy của Hà Nội đã biến thái, phai nhạt, anh nghĩ sao?
- Tôi thích ăn cơm Việt Nam, mùa nào thứ ấy. Món Hà thành kiểu cách hay quê mùa “chém to kho mặn”, chỉ khác nhau ở sự tinh tế trong cách nấu và bày biện. Người biết ăn ngon, giỏi nấu ăn ngày càng vơi đi, trong khi người thích ăn uống ồn ào thì vô kể. Chỉ còn cái làm bản lề, giữ thang bậc giá trị, là văn hóa và chiều sâu của nó trong mỗi người, mỗi nếp nhà, mới mong giữ được Hà Nội kinh kỳ thanh lịch mọi mặt.
- Thích nghe nhạc, anh có thể tiết lộ số đĩa anh đang sở hữu?
- 560 đĩa CD và 100 đĩa than. Tôi biết rõ vì toàn mua ở nước ngoài, phải quản lý, giữ gìn và sẽ không cho ai mượn. Tôi đã mất sách, đĩa nhiều, không thể mất thêm.