Họa sĩ Lê Hiền Minh: Vẫn là giấy dó, không bao giờ chán

ANTĐ - Có lý lịch nghệ thuật bề dày đủ là một trong những tên tuổi nổi bật của nghệ thuật đương đại thế hệ 7X, thì Lê Hiền Minh (SN 1979 tại Hà Nội) vẫn hay được giới thiệu kèm: là con duy nhất của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và là người cháu thành đạt nhất của nhà văn Kim Lân.

Vẫn giữ chất giọng Hà Nội dù lớn lên tại Sài Gòn, Lê Hiền Minh là nghệ sĩ thú vị, độc đáo chất chứa trong vóc dáng bé nhỏ một sức sáng tạo đủ làm “chật” danh từ “họa sĩ”. Chính xác, chị là một trong số ít các nghệ sĩ mỹ thuật đương đại đủ sức “du đấu” quốc tế... Tại Bảo tàng Mỹ thuật (BTMT) TP.HCM đang diễn ra triển lãm “Dó 10” đồ sộ và ấn tượng của Lê Hiền Minh (từ 20 đến 25-7). Sự kiện này đánh dấu 10 năm theo đuổi chất liệu dân gian truyền thống của một họa sĩ hiện đại.

- Chào họa sĩ Lê Hiền Minh, tôi khâm phục sức làm việc của chị. Để hội tụ được các tác phẩm tiêu biểu của một thập niên là một kỳ công.

- Tôi đã tham gia nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam, Mỹ, Đức, Hàn Quốc và có 4 triển lãm cá nhân, “Dó 10” là triển lãm quy mô nhất, tụ hội 13 tác phẩm trong 10 năm. Tôi đã cùng mẹ và chồng  bay qua Mỹ, sang Hàn Quốc để mượn tác phẩm Những con chim (thân nặn bằng bột mì Hàn Quốc và cánh bằng giấy dó) trưng bày tại Bảo tàng Incheon từ 2009. Lao động một mình suốt 8 tháng, tôi sáng tác trước hết cho mình và lần này có nhu cầu nhìn lại bản thân.

- Tôi không lý giải nổi sự gắn bó của chị với giấy dó: cô gái hiện đại, du học Mỹ, lấy chồng Mỹ lại say mê giấy dó đến mức gắn cả tuổi trẻ...?

- Năm 2002, chính mẹ Hiền gửi giấy dó qua Mỹ, khi tôi theo học khoa Hội họa, Học viện Mỹ thuật Cincinnati. Tôi vẽ bột màu Việt Nam trên giấy dó, thích và thử nghiệm. Ông ngoại rất bất ngờ về điều đó. Thế hệ và nhiều người đã quen giấy dó chuyên vẽ tranh Đông Hồ; còn tôi lại phá ra làm cái khác - biến giấy dó thành vật liệu điêu khắc để làm tượng, sắp đặt.  

- Từng theo học chuyên khoa Sơn mài, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, sao chị không vẽ tranh?

- 10 năm nay tôi không vẽ, muốn tập trung điêu khắc - sắp đặt bằng giấy dó. Về kỹ năng, tôi có thể vẽ sơn mài và vài chất liệu khác, nhưng chuyên chú cho đam mê khai thác năng lực biểu đạt của giấy dó.

- Vẽ tranh bán được tiền và sống tốt hơn là làm sắp đặt và triển lãm miễn phí cho công chúng.

- Đây lại là câu chuyện cái giá của sự lựa chọn. Tôi phân biệt rõ nghệ thuật không làm ra tiền và nghệ thuật thương mại. Tôi phục bạn tôi, Lý Trần Quỳnh Giang (SN 1978), vẽ tranh sơn dầu, làm tranh khắc gỗ, tượng gỗ, rất cá tính, mà vẫn bán được. Người ta cho rằng lớp trẻ ngày nay thực dụng. Tôi thực tế: tôi kiếm tiền từ khả năng chuyên môn và sáng tác cho sự yêu thích. Đó chính là biết lãng mạn đúng chỗ, nếu không thể dồn được cả hai vào một việc.

- Hay chị được nhờ mẹ, mẹ chị dồn hết, đầu tư kinh tế cho chị?

- Mẹ tôi đã 67 tuổi, tôi 34 rồi, không thể nhờ, xin mẹ khi đã lớn, xấu hổ lắm. Tôi phải đi làm kiếm tiền để phục vụ dự án của bản thân. Thiết kế phim quảng cáo Vinamilk, Coca Cola... theo yêu cầu khách hàng.

- Tháng 11-2012, tại BTMT Việt Nam ghi dấu sự kiện chưa từng có: 1.000 cuốn sách từ điển bồi bằng giấy dó được chị sắp đặt tại gian phòng lớn trong triển lãm Bố Hạo (kỷ niệm 10 năm bố qua đời). Chị tự lực để làm các triển lãm. Chị “chịu chơi” thế?

- Tôi sống giản dị, dồn toàn bộ tiền cho nghệ thuật. Hiện giờ thì hết sạch tiền để dành.

- Ở chị, hội tụ những trái ngược: hiện đại - cổ điển, hướng ngoại - trở về. Hôn nhân “lái theo thuyền” của chị cũng là  câu chuyện thú vị?

- Gregory Mark Jewett (SN 1977) không học cùng trường tôi, mà học ở Boston rồi mới đến Ohio và chúng tôi gặp nhau tại đây, nơi tôi có triển lãm nhóm Bước qua ngưỡng cửa (tháng 5-2003) tại gallery Chidlaw và nhận giải thưởng của Hội Phụ nữ Cincinnati. Greg (tên thân mật của Gregory) hay cười, dễ mến, là bạn thân của tôi cho đến lúc này, luôn hiểu và... chịu đựng tôi nữa. Chúng tôi đã sống tại New York, rồi tôi vẫn muốn về Việt Nam. Ngoài lý do là con độc nhất lo cho mẹ, tôi muốn hít thở không khí, sáng tạo trên đất nước mình, không thể ích kỷ, vì còn dung hòa hai bên bố mẹ Greg và em gái (đã lấy chồng) đang ở Boston, họ cũng lo cho con trai chứ. Tôi đành phân bố, vài năm nữa lại về Mỹ.

- Sự “về nguồn” của chị có yếu tố di truyền, gia đình nghệ thuật của chị có ảnh hưởng thế nào đến đời sống nghệ thuật của chị?

- Gia đình là nền tảng nghệ thuật của tôi. Trước kia, tôi không muốn kể đến yếu tố gia đình, e mọi người cho mình là “dựa hơi”, bởi tôi rất độc lập. Nay tôi đã đứng vững sự nghiệp, trưởng thành để nhận ra vốn quý mình được hưởng: gene di truyền và không khí nghệ thuật trong các ngôi nhà ở hai miền thường nhật. Đó là may mắn không thể chối bỏ; song được là thế hệ thứ ba của một gia đình nổi tiếng cũng chịu áp lực, gánh nặng hơn bình thường. 

- Chị đã phá cách giấy dó trong sự tìm kiếm?

- Sáng tác của tôi gồm 4 giai đoạn: 2002 - tranh bột màu trên giấy dó; 2002 - 2004: tác phẩm sắp đặt với kỹ thuật xé, đốt, ngâm, tẩm, phơi, đốt; 2005 - 2007: điêu khắc và không gian; 2007 - 2012 biến giấy dó thành vật thể điêu khắc. 

- Giấy dó sẽ bị phân rã, độ bền của tác phẩm sẽ chống lại khát vọng để đời.

- Là nghệ sĩ, ai cũng muốn tác phẩm được công nhận, bảo quản, để đời. Chọn giấy dó gắn bó, tôi biết loại giấy này không bền vì nó thấm ẩm cao, do được làm thủ công. Không có sự vật nào sống mãi. Tôi chấp nhận tuân theo vòng đời tự nhiên. Tôi sẽ già, chết; tác phẩm sẽ bục bở, bị phá hủy. Tôi trực tiếp nắn chỉnh, tạo hình vật thể tránh các dụng cụ trung gian (trừ khuôn gỗ) cũng là muốn sự tự nhiên.

- Có vẻ chị yêu thích sự tự nhiên?

- Tôi sống và suy nghĩ đồng nhất: không chống lại quy luật tự nhiên, ghét mỹ viện và sẽ không nhuộm tóc. Đi tìm sự cân bằng chính là thuận theo tự nhiên. Tôi muốn để suối tóc bạc như bà ngoại (bà Nguyễn Thị Tám, 1926 - 2001).

- Chị kiếm được tiền và cứ đổ vào các triển lãm thế này, là một hy sinh?

- Một lựa chọn. Tôi theo một câu nói nước ngoài: “Vấn đề không phải chỉ là kiếm được, mà phải để dành được”.

- Chị làm thế nào “đánh bại” các cô gái Mỹ bằng chiến thắng kép: lấy được người chồng tốt, và anh chịu theo chị?

- Chân tôi có dài đâu? Cũng không đẹp. Song cái đẹp không chỉ ở ngoại hình. Có học thức, tâm hồn, kinh nghiệm sống, sẽ tỏa ra sự tự tin và vẻ đẹp. Gregory chỉ nói được ít tiếng Việt, dù cố học, nhưng nghe hiểu gần hết.

- Mẹ chị rất mong có cháu đấy!

- Mẹ tôi quá mong, đã giục nhiều và giờ đã không giục, chán giục rồi (Cười). Lúc làm “Bố Hạo”, tôi tự nhủ sẽ “nghỉ hưu”; khi có ý tưởng về “Dó 10”, lại lao vào. Chúng tôi đã lấy nhau 8 năm và Greg chưa một lần giục gì, song tôi cần dừng lại sinh con năm 2014.

- Hãy mô tả về cuộc sống hiện nay của anh chị?

- Công ty Hiền Minh mở cửa hàng bán tranh, đồ mỹ nghệ... tại 38 Lê Công Kiều, quận 1. Chúng tôi ở tại tầng 4 tòa nhà này. Tôi không biết đi xe máy, đi đâu thì chồng chở hoặc gọi xe ôm. 1 tháng nay chúng tôi không có xe chạy. Greg dừng lại mua chai nước ngay đường Phạm Hồng Thái, quận 1 mà xe Win bị lấy cắp nhanh như “bay”. Tôi dốc gần 100 triệu vào “Dó 10”, nên chưa có tiền mua xe cho chồng. Riêng thuê địa điểm đã 40 triệu. Chồng tôi làm thiết kế đồ họa, web, mở Công ty “Gạo sáng tạo” cùng 2 người bạn Mỹ, ở Lê Thánh Tông, gần chợ Bến Thành. Chúng tôi thích xem phim, du lịch khắp Việt Nam và thế giới. Tôi dễ nuôi, sống giản dị, lãng mạn nhưng tôi thẳng thắn và có nguyên tắc.

- Chưa họa sĩ trẻ nào đổ công sức lâu dài như chị với giấy dó. Chị có tin vào lựa chọn của mình?

- Tôi tin mình đang làm đúng, có chất lượng tốt, và cố gắng làm, còn cống hiến, để các nhà phê bình nhận định. Con gà đẻ trứng không thể tự khen trứng mình, nhiệm vụ của gà là cứ đẻ đều và đẻ trứng tốt. Nếu các nhà phê bình không công nhận thì lịch sử sẽ phán xét. Lịch sử luôn công bằng với những giá trị, tài năng. Van Gogh khi sống rất khổ, không được công nhận, nhưng khi chết đi, ông được cả thế giới yêu chuộng, coi là danh họa kỳ tài.

- Sở thích của chị?

- Thích màu tự nhiên, các loài hoa dân dã: hoa chuối, cúc, ghét nhất hoa hồng. Vợ chồng tôi đã ra đảo Phú Quốc, Côn Đảo, đến nhiều nơi, rất ham xâm nhập nhiều xứ sở. Và ước mơ của tôi là sinh con năm 2014.

- Còn về tranh?

- Đã lâu không vẽ. Kế hoạch tiếp theo của tôi là làm tượng giấy dó về thời thơ ấu ở khu Giảng Võ, Hà Nội. Một quãng đời đẹp nhất vì được gần gũi bố mẹ, ông bà. Tôi đã làm loạt tác phẩm nhiều vật thể, sắp tới sẽ sáng tác điêu khắc quy mô lớn, ít vật thể; vẫn là giấy dó, không bao giờ chán. Tôi chỉ vẽ bằng họa phẩm Việt Nam. Tôi không thú khi sử dụng họa phẩm, vật liệu nước ngoài.

-Xin cảm ơn chị!