Họa sĩ Bùi Thanh Tâm làm mới tranh dân gian theo cách rất riêng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Gặp Bùi Thanh Tâm, ít ai nghĩ đây là một họa sĩ, bởi lúc nào anh cũng "đóng khung" trong bộ vest công sở chỉn chu, ngay ngắn, mắt đeo kính cận và đầu tóc gọn gàng. Thế nhưng đây từng là một vệ sĩ cho các người đẹp và là một trong các họa sĩ có giá tranh cao ngất ngưởng trên thị trường mỹ thuật Việt Nam.


Các tác phẩm do anh sáng tác đã chu du ra thế giới và nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm nước ngoài với mức giá ngất ngưởng. Vốn là một người con của quê lúa Thái Bình, Bùi Thanh Tâm yêu nghệ thuật dân gian, đấy là lẽ tất yếu.

Yếu tố này đã xuất hiện trên các bức tranh từ những ngày đầu tiên anh đặt chân vào lĩnh vực của cái đẹp. Những bức tranh búp bê nổi tiếng dù có giễu nhại, u buồn, cô độc đến đâu nhưng vẫn có những chi tiết của văn hóa Việt như tà áo dài, chiếc nón lá....

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm

Đang "đắt khách" với loạt tranh này, Bùi Thanh Tâm đã đột ngột thay đổi. Các búp bê u buồn đã hoàn toàn biến mất trên tranh, thay vào đó là các hình ảnh lấy từ kho dữ liệu dân gian như em bé ôm gà, em bé ôm vịt của tranh Đông Hồ, chim công, cá chép trông trăng của tranh Hàng Trống...

Những tâm trạng u buồn, cô độc và giễu nhại được thay thế bằng các hình ảnh ngồn ngộn ngợp mắt, đầy khoa trương. Không gian kiểu sân khấu tự sự và độc thoại được thay thế bằng không gian của các màn trình diễn tập thể. Và thao tác vẽ, tô màu được thay thế bằng thao tác cắt dán collage.

Bộ tác phẩm "Chiến tranh I, II, III" Chất liệu: vàng lá, bác lá tranh dân gian đông hồ , hàng trống , kim hoàng trên toan

Bộ tác phẩm "Chiến tranh I, II, III"

Chất liệu: vàng lá, bác lá tranh dân gian đông hồ , hàng trống , kim hoàng trên toan

Lý do của việc này là bởi, "chưa thỏa mãn", Bùi Thanh Tâm cho biết. Hơn thế, anh luôn bị ám ảnh bởi những câu chuyện cũ, ám ảnh với văn hóa truyền thống và những lo lắng mơ hồ về việc đánh mất bản sắc trong quá trình hội nhập sâu và rộng. Chính vì thế, lần này, anh đã dùng các hình ảnh quen thuộc của tranh dân gian Việt Nam để làm mới các sáng tác của mình.

Vẫn là xích hổ của dòng tranh Hàng Trống, là lợn đàn của tranh Đông Hồ... nhưng khi xem tranh của Bùi Thanh Tâm, người ta thấy được khả năng sáng tạo vô biên kết hợp với những thủ pháp nghệ thuật mới.

Bùi Thanh Tâm đã phát triển việc thực hành cảm hứng từ các dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam bằng cách cũng làm tranh theo các phương pháp thủ công của nghệ nhân vàng bạc, nghệ nhân dân gian in khắc vẽ tay... đồng thời biến những kỹ thuật vốn chỉ là dân gian cổ xưa trở thành nghệ thuật đương đại.

Theo tiết lộ của Bùi Thanh Tâm, vàng dát trên tranh được đặt hàng riêng. Sơn để gắn kết lớp vàng này trên tranh được đặt hàng từ Đức. Chất kết dính này sẽ giúp tạo hiệu quả vàng lấp lánh, ánh kim như tranh của danh họa Gustav Klim với bức tranh "Nụ hôn". Chính vì thế, các bức tác phẩm lần này ánh lên sự sang trọng, hiện đại nhưng vẫn gần gũi với người Việt.

Tác phẩm "Cõi nhân gian I" Chất liệu: vàng lá, bác lá tranh dân gian đông hồ , hàng trống , kim hoàng trên toan

Tác phẩm "Cõi nhân gian I"

Chất liệu: vàng lá, bác lá tranh dân gian đông hồ , hàng trống , kim hoàng trên toan

Lần sáng tác này, kỹ thuật cắt dán được chú trọng nên anh đã bỏ ra đến 150 triệu để mua tranh dân gian, trong đó tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng lên tới 50-70 triệu. Những cái người xem nhìn thấy ở tác phẩm chỉ chiếm 4-5%, còn những tranh dân gian bỏ đi chiếm đến đại đa số. Và nếu ví von, số tranh cắt dán không dùng tới có thể trải khắp cả sân vận động Mỹ Đình. Thậm chí có người còn nói vui rằng, Bùi Thanh Tâm đang "ăn tranh". Điều đó đủ thấy, những thử nghiệm, tìm tòi luôn gắn liền với sự thất bại nhưng một khi đã thành công sẽ rất rực rỡ.

Hơn 20 tác phẩm khổ lớn với chất liệu tổng hợp của họa sĩ Bùi Thanh Tâm sẽ giới thiệu tới người xem tại triển lãm "Không có gì ở đằng sau", khai mạc vào chiều ngày 21-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội và kéo dài tới ngày 26-10.

Nhà nghiên cứu Bùi Như Huy nhận xét: 3 mảng chủ đề chính của triển lãm là Chiến tranh - Tình yêu - Đức tin đưa vào các dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống và tranh thờ đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong sáng tác của họa sĩ đương đại Bùi Thanh Tâm. Đây cũng là một cách tiếp cận, tôn vinh mới nhằm đưa dòng tranh dân gian Việt Nam ra với thế giới theo một cách mới.

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm sinh năm 1979 tại Thái Bình. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của anh được trưng bày rộng rãi tại Việt Nam, Hongkong, Đài Loan và các nước châu Âu, đồng thời có mặt trong nhiều bộ sưu tập ở khắp châu Á và Thụy Sĩ. Hiện, anh đang sống và làm việc tại Hà Nội.