Hoa quả nội lên ngôi

ANTĐ - Sau nhiều vụ việc “lùm xùm” liên quan đến chất lượng VSATTP đối với hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc, người tiêu dùng bắt đầu dè chừng, đối với những loại hoa quả này.

Người tiêu dùng yên tâm sử dụng hoa quả nội


Dè chừng hoa quả Trung Quốc

Vào tháng 5, người tiêu dùng được một phen rúng động khi giới truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc, nông dân vùng Sơn Đông dùng formaldehyde để phun lên rau cải thảo. Mục đích của việc làm này giúp rau tươi lâu hơn. Cơn chấn động còn chưa hết thì vào giữa tháng 6, nhà chức trách Trung Quốc đã lên tiếng thừa nhận, nông dân trồng táo vùng Yên Đài nước này đã dùng nilon tẩm thuốc bảo vệ thực vật độc hại bọc táo ngay từ khi còn ở trên cây. Đáng nói, loại táo bị tẩm thuốc sâu ngay từ khi còn xanh là táo đỏ Fuji nổi tiếng của Trung Quốc, chiếm đến 40% táo đỏ Fuji trên thị trường thế giới. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho hay, lượng táo, lê nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến hơn 48% thị trường Việt Nam.

Mặc dù, sau sự việc sử dụng chất BTVT độc hại trên đều được Cục BVTV Việt Nam lấy mẫu trên khắp cả nước, trọng tâm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phân tích, kiểm tra. Kết quả rất khả quan, các mẫu rau cải thảo, các mẫu táo đỏ Fuji tuy phát hiện có formaldehyde, chất Thiram và Asen nhưng đều dưới ngưỡng cho phép. Cục này kết luận, cải thảo, táo Trung Quốc trên thị trường Việt Nam là an toàn nhưng khó lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. 

Cơ hội cho hoa quả Việt Nam 

Người tiêu dùng đã cảnh giác, đối với các loại hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, hoa quả nội thời gian qua đã và đang lên ngôi rõ rệt. Hiện, các loại hoa quả như nhãn, vải, cam, thanh long, chôm chôm, xoài… được ưa chuộng. Trên khắp các quầy hàng hoa quả cũng như tại các chợ dân sinh, lượng hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc như táo, lê, dưa vàng… đã giảm đáng kể. Chị Hoa, một tiểu thương buôn bán hoa quả ở chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, thời điểm này, nhiều loại hoa quả trong nước đang vào vụ thu hoạch rộ như vải, nhãn, xoài, chôm chôm… nên lượng tiêu dùng hàng ngày lấn át. Còn với hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc như táo, lê, ổi, dưa vàng… không mấy người hỏi mua, thậm chí, có buôn về cũng không bán được. 

Hoa quả nội lên ngôi không những chất lượng VSATTP có thể kiểm soát, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước. Nhưng, thời gian này giá hoa quả nội đã tăng chóng mặt. Đơn cử như mặt hàng vải, cách đây khoảng 10-15 ngày, giá chỉ từ 10-15.000 đồng/kg thì hiện tại, giá đã tăng lên mức 25.000-27.000 đồng/kg; giá nhãn hiện ở mức 

60.000-70.000 đồng/kg, cam sành từ 35.000-60.000 đồng/kg…  Thêm vào đó, việc không mặn mà đối với hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở những loại mà người tiêu dùng dễ dàng phân biệt như táo bột, dưa vàng, lê. Còn với những loại hoa quả đã được gắn nhãn mác cao cấp như táo Fuji Austraylia, nho Mỹ… người tiêu dùng vẫn không thể phân biệt được. Theo tiết lộ từ một chuyên gia ngành nông nghiệp, do Trung Quốc có điều kiện về thổ nhưỡng, cộng với khí hậu lạnh sâu, nên những loại hoa quả đặc sản của vùng Châu Âu, châu Úc đều có thể trồng ở Trung Quốc, kể cả kiwi, cherry, lê thiên đường…

Khi hoa quả Trung Quốc đang dần bị “quay lưng” trên thị trường Việt Nam thì theo ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là cơ hội để hoa quả trong nước chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, các nhà vườn cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất ngoài nâng cao sản lượng, cần chú trọng về chất lượng, cũng như giảm các khâu trung gian để hạ giá thành cho người tiêu dùng. “Hoa quả Trung Quốc bấy lâu lấn lướt thị trường Việt Nam cũng bởi đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp mà quan trọng, giá rất rẻ so với hoa quả mình”, ông Hương cho biết.