Hoa Kỳ - đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược

ANTĐ - Ngay sau khi tới thành phố Honolulu, bang Hawaii, Mỹ, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp ông Neil Abercrombie, Thống đốc bang Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, lãnh đạo một số tập đoàn Mỹ và gặp mặt thân mật với đại diện Việt kiều và lưu học sinh tại Hawaii.

Nhà đầu tư thủy sản Mỹ tìm mua nguồn hàng thủy hải sản Việt Nam

Trao đổi với Ngoại trưởng Clinton, Chủ tịch nước hoan nghênh việc Mỹ tăng cường hợp tác với khu vực vì hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương; có sự chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị cấp cao APEC 2011. Chủ tịch nước đồng thời bày tỏ tin tưởng Hội nghị sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác, liên kết và phục hồi kinh tế trong khu vực, nâng cao vị thế của APEC. Chủ tịch nước khẳng định, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tích cực tham gia và đóng góp vào thành công chung của Hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược; đánh giá cao sự đóng góp của Ngoại trưởng Clinton đối với sự phát triển quan hệ Việt-Mỹ thời gian qua. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước sự phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước, trên cả bình diện song phương và đa phương, tạo cơ sở quan trọng để đưa quan hệ Việt-Mỹ lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Chủ tịch nước thông qua Ngoại trưởng Clinton chuyển lời mời Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam, đồng thời mời Ngoại trưởng và gia đình sớm thăm lại Việt Nam.

Ngoại trưởng Clinton nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC 19; chuyển lời cảm ơn của Tổng thống Obama tới Chủ tịch nước về sự ủng hộ, hợp tác và những đóng góp tích cực của Việt Nam trong suốt năm APEC 2011.

Ngoại trưởng Clinton khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước liên quan đóng góp vào tự do và an toàn hàng hải; ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); phản đối việc sử dụng vũ lực; ủng hộ các nước có quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình; hoan nghênh các nỗ lực tiến tới hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Trong các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ, Chủ tịch nước hoan nghênh những nỗ lực và đóng góp của các doanh nghiệp Mỹ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, lĩnh vực trọng tâm và cũng là động lực của quan hệ Việt-Mỹ nói chung; khẳng định nỗ lực của Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Việt Nam; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp vận động chính quyền Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam cũng như cơ hội hợp tác Việt-Mỹ về kinh tế-thương mại-đầu tư; khẳng định cam kết hợp tác lâu dài cũng như mong muốn mở rộng kinh doanh trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam; hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam phát triển mạnh hơn hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển.