Hóa giải sức ỳ của dạy nghề

ANTD.VN - Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề tạo việc làm. Do đó, đổi mới toàn diện giáo dục nghề nghiệp được xem như phương án tối ưu để giải bài toán việc làm bền vững.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2016 và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ năm 2017 của Bộ LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý chung là một dấu mốc mới nhưng cũng đặt ra thách thức to lớn. Đổi mới giáo dục phải được tiến hành triệt để, nếu không sẽ khó có chuyển biến tích cực.

Hóa giải sức ỳ của dạy nghề ảnh 1Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề luôn ở mức thấp (ảnh minh họa)

202.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đã hoàn thành. Cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 1,64 triệu người. Trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1,51 triệu người, xuất khẩu lao động 126.000 người.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu lao động năm 2016 đã đạt kỷ lục về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài với hơn 126.000 người, nhiều thị trường mới được mở cửa. Bộ LĐ-TB&XH đã đàm phán, ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài sau 4 năm tạm ngừng. Cùng với nhiệm vụ tạo việc làm ổn định, Bộ LĐ-TB&XH cũng thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo an sinh xã hội.

Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với “sức ỳ” sau nhiều năm đào tạo lệch hướng cung - cầu

Dù Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực trong công tác tạo việc làm nhưng việc giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện cả nước có trên 202.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp.

Theo các chuyên gia tại hội nghị, điểm quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm chính là đào tạo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với “sức ỳ” sau nhiều năm đào tạo lệch hướng cung - cầu. Thực trạng của thị trường lao động hiện nay là nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp cao nhưng nhu cầu về lao động có trình độ đại học thấp. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh học nghề, phân luồng học sinh không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề ở mức thấp. Cụ thể năm 2016, tuyển sinh dạy nghề trên cả nước là 1,974 triệu người, mới đạt 91,8% kế hoạch năm.

Phải mạnh dạn đổi mới

Khác với giáo dục đại học, hiện nay giáo dục nghề nghiệp vẫn thiếu đầu vào, người dân vẫn thích cho con đi học đại học, dù chất lượng kém còn hơn lựa chọn học cao đẳng, trung cấp. Việc Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý chung về giáo dục nghề nghiệp được cho là thách thức rất lớn, nhất là khi xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chỉnh sửa hệ thống văn bản dưới luật, hợp nhất 2 cơ quan dạy nghề từ 2 Bộ thành một thể thống nhất. 

Hiện nay, lực lượng lao động được đào tạo khoảng 53 triệu người, trong đó chỉ 21%  đào tạo có bằng cấp trở lên, còn lại chủ yếu là đào tạo nghề giản đơn. Trong con số này, người lao động có bằng đại học trở lên là 9%, cao đẳng 3%, trung cấp 5% và sơ cấp 3%. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là khối cao đẳng (6,8%), sau đó đại học (6,3%), trung cấp (3,3%). Đây là bài toán phải sớm có lời giải.

“Tỷ lệ đào tạo cao đẳng, trung cấp đã ít so với đại học mà ra trường thất nghiệp cao hơn đại học, trách nhiệm này thuộc về bộ. Trước đây còn nói trách nhiệm một nửa thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, một nửa thuộc Bộ LĐ-TB&XH, nhưng bây giờ hoàn toàn thuộc về Bộ LĐ-TB&XH… Thế nên, bộ phải đổi mới có tính cách mạng, đổi mới triệt để.  Việc quy về một mối cũng là một dấu mốc mới, do đó tôi đề nghị chúng ta phải quyết tâm làm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngành lao động cần tập trung chăm lo tốt hơn cho người có công, người cần trợ giúp xã hội, cần tập trung làm tốt, chăm lo cái Tết để mọi người đều có Tết, nhất là người có công, người nghèo. Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung xử lý dứt điểm những hồ sơ đối tượng người có công còn tồn đọng. “Không thể để 70 năm rồi còn nhiều vấn đề nhức nhối, bởi có những liệt sỹ sinh từ thế kỷ 19, hy sinh lâu rồi mà vẫn chưa được giải quyết chế độ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.