Chuyện tình... người điên (2):

Hoá điên vì những cuộc tình "mất kiểm soát"

ANTĐ - Theo chân bác sĩ Dũng đi thăm các phòng bệnh, chúng tôi được nghe những câu chuyện buồn về tình yêu. Mỗi người một hoàn cảnh, một bệnh lý nhưng điểm chung mà họ phải chịu đựng là nỗi đau giày vò tinh thần của chính họ và những người thân.

Họ là nạn nhân của những phút yếu lòng, sự hẹp hòi thậm chí cả sự ngu dốt của chính mình, đồng thời là nạn nhân của sự thiếu quan tâm, cay nghiệt của những người xung quanh.

Ghen quá hoá cay nghiệt

Nếu một ngày nào đó, vô tình phát hiện ra chồng (vợ) của mình ngoại tình, bạn khó có thể giữ được bình tĩnh. Nhưng sau phút bất ngờ cay đắng ấy, bạn hãy cố gắng tĩnh tâm lại để suy nghĩ cho thấu đáo câu chuyện, hãy nghe người bạn đời của mình giãi bày rồi hẵng quyết định nên xử sự ra sao. Và như các cụ đã nói: “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. Sự thiếu khoan dung cho “người chạy lại” có thể đẩy bi kịch cuộc sống đi xa thêm một bước nữa. Câu chuyện của cô giáo Hà là một thí dụ.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, chị được phân về dạy tại một trường cấp II ở quận Cầu Giấy. Chồng chị là một kỹ sư có năng lực. Họ sống với nhau khá hạnh phúc và có với nhau hai mặt con, một trai, một gái. Các con chị xinh xắn, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Cuộc sống của chị chỉ đơn giản với việc đi dạy và về nhà chăm sóc gia đình. Chị ít quan tâm đến thế giới bên ngoài, ít quan tâm cả đến công nghệ thông tin vì không có nhu cầu dùng nhiều. Hàng tuần chồng chị vẫn thường đưa cả nhà đi chơi, ăn uống vui vẻ. Bạn bè ai cũng khen chị tốt số lấy được anh chồng vừa hiền lành lại thương vợ, thương con, tuyệt đối không rượu chè, đi đâu cũng cho vợ con đi cùng. Nếu như mọi thứ cứ theo một vòng quay nhất định như vậy thì cuộc đời chị không rẽ sang một lối khác.

Vốn là người hiền lành, chị không bao giờ tự ý kiểm tra điện thoại hay ví tiền của chồng. Tình cờ một lần chồng chị đi làm để quên máy ở nhà, anh bèn gọi điện về nói chị mang điện thoại đến cơ quan cho anh. Đúng lúc chị cầm máy thì có tin nhắn đến. Tò mò chị mở ra xem và không tin nổi vào mắt mình, tin nhắn kia toàn những lời lẽ yêu đương. Chị sững người lại và cứ thế khóc. Chờ mãi không thấy vợ mang điện thoại đến, chồng chị đành quay về nhà lấy. Vừa về thấy chị rũ rượi ngồi khóc với chiếc di động để bên, anh hiểu ngay chuyện gì vừa xảy ra. Anh vội vàng dỗ dành nhưng anh càng dỗ chị càng khóc, không sao nín lại được. Những ngày sau đó chị biến thành một người hoàn toàn khác, lầm lì không nói năng gì mặc cho anh giải thích hay xin lỗi. Chị xin nghỉ việc ở nhà một tuần, thuê người theo dõi anh và lần tìm ra số điện thoại của người phụ nữ kia. Chị tìm gặp bằng được tình địch của mình rồi trở về đay nghiến anh sao lại yêu một cô gái vừa già, vừa xấu lại bỏ chồng như vậy. Chị kiểm soát anh bằng mọi cách anh đi đâu làm gì phải báo cáo cho chị biết. Không khí trong nhà cứ nặng nề dần.

Một lần anh gọi về báo đi liên hoan phòng. Sau khi tra hỏi bằng được địa chỉ quán, chị gửi con cho hàng xóm rồi bắt xe ôm đến chỗ chồng nhậu. Thấy chị đến mọi người vồn vã mời chị vào nhưng chị cứ chằm chằm nhìn anh và buông một câu: “Đúng 9 giờ là phải về đấy nhé”. Cả bàn tiệc mất đi không khí vui vẻ từ lúc chị đến. Bị vợ làm cho mất mặt, anh lao vào uống đến lúc say mềm. Bạn bè gọi taxi nhưng anh không chịu lên đòi đi xe máy về. Nghĩ quãng đường từ quán về nhà anh cũng không quá xa nên mọi người đồng ý để anh tự đi về. Do không làm chủ được tốc độ xe anh lao vào cột điện bên đường. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng anh đã không qua khỏi. Nghe tin chồng bị tai nạn giao thông, chị hốt hoảng chạy vào bệnh viện nhưng đã quá muộn.

Ngày đưa tang anh cũng là ngày chị phát bệnh, lúc khóc lúc cười. Mọi sinh hoạt cá nhân từ đó đều không chủ động được. Chị nhập viện đã được ba tháng. Lúc đầu mới vào, nhìn thấy bất cứ bác sĩ nam nào chị cũng ôm lấy khóc lóc và xin lỗi. Nhà neo người hai con nhỏ phải gửi về quê cho ông bà nội chăm sóc, còn mẹ chị thì vào viện trông chị. Việc ăn uống hàng ngày của chị do cô em gái, cũng là giáo viên đảm nhiệm. Lúc chúng tôi vào thăm, chị đang ngồi cho mẹ chải tóc. Thấy có người lạ, chị giấu mặt vào vai mẹ chỉ đến khi bác sĩ trấn an chị mới từ từ quay lại nhưng vẫn dựa vào vai mẹ. Thỉnh thoảng chị vẫn hỏi mẹ sao không thấy anh Tr vào thăm. Những lúc như vậy người mẹ già lại chảy nước mắt. Là một nhà giáo, cả cuộc đời bà chèo đò cho bao thế hệ học sinh vậy mà giờ đây đến cuối đời con đò này với bà sao nặng quá. Rồi mai đây chị được ra viện trở về với đời, liệu bà còn đủ sức để cùng con chèo chống cái gia đình đã khuyết hụt ấy không?

Quá tin vào bói toán

Chia tay mẹ con chị Hà, chúng tôi được bác sĩ Dũng đưa đi thăm một bệnh nhân khác mà câu chuyện của chị cũng không kém thương tâm. Chị tên Dung, quê ở Vân Nội, Đông Anh, năm nay 42 tuổi. Ngồi bên cạnh chị là cô con dâu đang có thai 5 tháng cùng bà chị gái. Bác sĩ Dũng cho biết là hôm nay trông chị còn tỉnh táo rất nhiều so với hôm mới vào viện. Bà Hoa, chị gái chị Dung kể cho chúng tôi nghe về nguyên nhân căn bệnh của chị.

Hai vợ chồng chị lấy nhau đến nay cũng đã hơn 20 năm, con dâu, con rể đã có đủ. Mùa hè năm 2011, không hiểu nghe ai mà chị đòi bằng được đi lên Lạng Sơn xem bói. Biết vợ say xe, chồng chị đã tỏ ý không muốn cho đi nhưng chị vẫn nhất quyết đi khiến anh đành phải chịu. Rồi hôm đó không biết ông thầy bói ở chốn thâm sơn cùng cốc phán thế nào mà chị khóc suốt từ lúc rời chỗ xem bói đến lúc về tới nhà. Chồng con lo lắng xúm vào hỏi chị cũng chỉ khóc, nhất quyết không nói điều gì.

Nửa đêm hôm đó, anh Dũng bỗng giật mình tỉnh giấc vì có cảm giác ai đó đang đứng trước mặt mình. Mở mặt ra, anh thấy chị đang cầm 3 que hương khua khắp người anh và miệng lẩm bẩm khấn vái. Anh vùng dậy hỏi sao chị làm vậy chị vẫn không nói gì, ấn đầu anh nằm xuống rồi lật người anh, bắt anh nằm sấp. Vén áo chồng lên chị dùng que hương gí vào lưng anh. Bị bất ngờ anh hét lên xô chị ngã. Đến lúc này chị mới bừng tỉnh nhưng thay vì lo lây đá chườm vết bỏng cho chồng thì chị lại ngồi thụp xuống ôm mặt khóc hu hu. Chị nức nở là anh bị cái hồn ma cô gái nào đó theo bám mà đêm nào cô ta cũng về và hai người vui thú với nhau. Giờ chị giải cho thì anh lại chống cự, chứng tỏ anh cũng yêu cái hồn ma đó. Đang nửa đêm, bị đánh thức bởi tiếng ồn ào, các con chị cũng dậy theo. Thấy mẹ có hiện tượng bất thường như thế chúng lo lắng lắm nhưng không biết phải làm sao, vì khuyên nhủ thế nào chị cũng không nghe.
Câu chuyện tưởng chỉ dừng lại ở đó nhưng ai ngờ chị Dung ngày càng quấn sâu hơn vào câu chuyện ma quái. Chị bỏ bê công việc, suốt ngày theo hết thầy nọ đến phủ kia để hy vọng có thể trục xuất con ma nữ ra khỏi người chồng. Thấy vợ bỗng dưng bị cuốn vào chuyện không đâu, anh Dũng ra sức khuyên nhủ vợ nhưng chị Dung lại cho rằng anh đang bênh con ma nữ, không muốn rời xa nó. Thấy việc mời thầy cúng bái không kết quả chị bèn tự nhận là thánh nhập vào mình để trừ hồn ma. Đêm đêm chị không ngủ mà thức cầm chiếc gậy đã được pháp sư yểm bùa, ngồi canh. Cứ có tiếng chó sủa là chị chạy ra sân khua gậy, đi vòng quanh, miệng lầm rầm khấn vái. Lúc đầu anh Dũng nghĩ vợ yêu mình quá nên cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Tuy nhiên về sau anh càng nói thì chị càng không nghe, thậm chí còn quay ra mắng mỏ mạt sát chồng khiến anh chán nản mặc kệ vợ muốn làm gì thì làm.

Hơn hai tháng kể từ ngày đi xem bói về, chị Dung từ một người phụ nữ nhanh nhẹn, xốc vác bỗng biến thành một người đàn bà tiều tụy xơ xác, suốt ngày chỉ ôm gậy ngồi lảm nhảm. Đỉnh điểm của sự việc là hôm con trai thứ hai của chị dẫn bạn gái về nhà chơi. Hai người vừa vào đến cửa thì chị đang ngồi trên ghế bỗng xông ra với lấy chiếc gậy chạy đến đánh tới tấp vào người cô gái. May lúc đó chồng chị ở gần đấy kịp chạy lại đẩy cô gái sang một bên và hứng trọn trận đòn thù của chị. Vừa đánh, chị vừa gào khóc đòi đuổi con ma nữ đi, ầm ĩ cả làng xóm lên. Anh Dũng chồng chị bị thương nặng, phải đi cấp cứu lập tức. Sau một tuần làm việc, các bác sĩ kết luận anh bị chấn thương sọ não, gãy tay, tỷ lệ thương tật là 42 %. Ngay sau đó, chị Dung được gia đình đưa sang viện sức khỏe tâm thần chữa trị. Tại đây các bác sĩ kết luận chị bị loạn thần cấp thể hoang tưởng. Ngày mới nhập viện, chị buộc phải tách riêng điều trị. Sau một thời gian tình trạng chị khá hơn mới được về buồng cộng đồng.

Nghe chị gái kể lại chuyện đã qua, chị Dung chỉ biết quay đi giấu những giọt nước mắt đang lăn trên má. Anh Dũng chồng chị tuy đã bình phục nhưng di chứng thì sẽ theo anh suốt đời. Mỗi khi trái gió trở trời anh lại ôm đầu chịu những cơn đau hành hạ. Còn cô gái bạn con trai chị, sau khi tận mắt nhìn thấy mẹ người yêu có những hành động kỳ quặc cũng lặng lẽ rút lui. Được bác sĩ tư vấn các thành viên trong gia đình chị hiểu ra tất cả mọi chuyện bắt đầu từ sự u mê, mù quáng tin vào việc bói toán của chị; và cả sự thiếu quan tâm của những người xung quanh đã làm chị không có điểm dừng, lún sâu hơn vào mê tín...

Bị dồn nén nên nghĩ quẩn

Không may mắn như chị Dung, trường hợp của chị Thoa quê ở Sơn La cũng làm người nghe không khỏi xúc động. Vốn là cô giáo mầm non nổi tiếng xinh đẹp, chị lấy chồng năm 26 tuổi nhưng mãi đến năm 29 tuổi mới có con. Ở miền sơn cước mà lấy chồng ở tuổi như chị vậy là muộn. Trong suốt 3 năm đó, chị Thoa bị gia đình nhà chồng chê bai, ca thán rất nhiều, nhất là bà mẹ chồng. Nhiều đêm hai vợ chồng chị đang ngủ, bà dựng dậy khóc lóc rồi chì chiết chị là “cây khô không lộc, gái độc không con”... Những lúc như vậy, chị chỉ biết cúi mặt xuống khóc. Ban đầu chồng chị cũng an ủi, động viên vợ nhưng lâu không thấy chị có thai nên anh cũng đâm ra chán nản. Ngày chị có thai, khỏi phải nói gia đình chồng chị vui như thế nào. Bà mẹ chồng ngày ngày thắp hương khấn vái cầu cho chị đẻ con trai để có cháu nối dõi tông đường nhưng mọi sự không như bà mong muốn. Cả ba lần chị đều sinh con gái. Chị phải nghỉ việc vì sinh con thứ ba. Từ đó chị trở thành người không có công ăn việc làm. Ngày ngày, 4 mẹ con chị lầm lũi trong căn gác nhỏ, đứa lớn mới lên 6 còn đứa bé vừa tròn 5 tháng tuổi.

Thấy con dâu không đẻ được cháu trai, mẹ chồng chị xúi con trai kiếm con bên ngoài. Chuyện vỡ lở ra, chị biết được việc đó mà chết đứng người. Nhưng thay vì tỉnh táo suy nghĩ thì trong một phút nghĩ quẩn chị lại dại dột kết thúc cuộc đời mình bằng chai thuốc sâu. Rất may, chị được đưa đi Cấp cứu kịp thời ở Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nhưng chưa kịp hồi phục thì chị đã phải chuyển sang Viện Tâm thần và Sức Khỏe thuộc Bệnh viện Bạch Mai để điều trị vì có những biểu hiện bất ổn về tinh thần. Lúc ngủ thì thôi, lúc tỉnh chị lại gào khóc giật hết dây truyền dịch ra khỏi người mình. Sau khi thăm khám các bác sĩ kết luận do chị bị sống trong môi trường bị ức chế nhiều năm, lại thêm cú sốc bất ngờ khiến bệnh tình của chị càng nặng hơn.
Không biết rồi mai đây, khi cuộc đời của chị còn phải ra vào bệnh viện này nhiều lần nữa thì sẽ ra sao? Chị L - em dâu chị Thoa cho biết mẹ chị Thoa mất sớm, bố thì già yếu bây giờ lại phải trông ba đứa cháu ngoại, nhà chỉ có hai chị em. Thương hoàn cảnh của chị chồng, chị L để con cái nhà cửa cho mẹ đẻ trông nom còn một mình xuống đây chăm sóc chị Hoa. Điều đau xót nhất là từ ngày chị bị bệnh, cả chồng và người nhà chồng chị không ai hỏi han chị hay tỏ ý muốn đón 3 đứa trẻ về nuôi. Đã vậy chồng chị còn ngang nhiên đi lại với người tình. Những lúc tỉnh táo, chị lấy tay sờ lên ngực nơi có hai bầu sữa vẫn căng sữa miệng mấp máy gọi tên con. Chia tay chị Thoa chúng tôi chỉ biết chúc cho chị sớm bình phục để về với con.

Yêu ngay cha dượng mình

Không chỉ có những người phụ nữ đã trải qua hôn nhân mới bị bệnh mà chúng tôi còn gặp rất nhiều bạn trẻ phải điều trị tại đây. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nhiều nhất vẫn là sự thiếu quan tâm chăm sóc của gia đình dẫn đến tình trạng các em có tâm lý bị bỏ rơi rồi dần dần trầm cảm. Có em tìm đến cái chết như một sự trả thù bố mẹ và bạn bè. Cá biệt lại có em đem lòng yêu thương người lớn hơn mình nhiều tuổi mà đáng ra tình cảm đó chỉ nên dừng ở mức tôn trọng và kính yêu. Đó là trường hợp của em Th.

Bố mẹ Th chia tay nhau khi em mới 3 tuổi, Th ở với mẹ. Mẹ Th làm kế toán ở một công ty xuất nhập khẩu, luôn bận rộn. Tuổi thơ của Th là chuỗi ngày phải ở nhà một mình. Nhất là dịp cuối năm, mẹ phải quyết toán sổ sách của công ty thì việc nói chuyện với mẹ gần như là không có. Ở lớp, Th không phải là học sinh giỏi nhưng em rất ngoan. Mẹ Th gần như không phải lo lắng về những thói hư ảnh hưởng cô con gái đang tuổi lớn. Hết giờ học là Th về nhà, đi đâu đã có mẹ đưa đi hoặc phải có lý do chính đáng.

Cuối năm 2009 chị H, mẹ Th quyết định đi bước nữa. Người chị kết hôn là một người bạn cũ thời trung học của chị. Họ gặp lại nhau sau một buổi họp lớp. Thương hoàn cảnh của hai mẹ con nên anh chủ động đến với chị. Khi có ý định tái hôn, chị H cũng về bàn với con gái vì muốn nghe ý kiến của Th. Khác với lo lắng của chị, Th rất ủng hộ mẹ, nhiệt tình vun vén cho mẹ và bố dượng. Đám cưới của họ diễn ra nhanh chóng. Ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con rộn ràng hơn lúc nào hết. K, bố dượng của Th vốn là bộ đội phục viên, hiện là bảo vệ cho một cơ quan. Anh rất thương Th và luôn quan tâm chăm sóc như con gái ruột. Còn Th thì lâu lắm rồi mới có người hiểu Th đến thế nên cô bé tha hồ kể chuyện từ chuyện lớp chuyện trường đến chuyện đời.

Rồi không biết từ lúc nào trong mắt Th, chú K không còn là cha dượng nữa mà là người cô bé thầm mơ đến hằng đêm. Ở cái tuổi mới lớn, bồng bột cộng với sự thiếu thốn tình cảm từ bé khiến Th như đang sống trên mây. Cô bé bắt đầu tỏ thái độ không vui khi mẹ và dượng chăm sóc nhau. Ban đầu chị H nghĩ chắc con mới lớn nên ko quen với chuyện đó chị đã ý tứ hơn nhưng mọi sự vẫn vậy. Thậm chí có lần đang ăn cơm, nhận miếng thịt từ tay chồng gắp mà chị điếng người khi nhận thêm một cái lườm cháy mắt từ con gái. Về phía anh K cũng lờ mờ đoán ra điều gì đó bất thường ở Th nhưng anh cũng không nghĩ là Th lại yêu mình.
Không chỉ có thái độ với mẹ mà Th còn nghĩ ra cách cứ mẹ đi vắng thì Th ở nhà và lúc nào mẹ ở nhà thì Th lấy cớ học thêm hay sang nhà bạn mượn sách mượn vở. Những lúc mẹ đi vắng Th tỏ ra chăm sóc dượng K như vợ chăm sóc chồng, khi anh K tỏ thái độ thì Th khóc, nhiều lần như thế anh nói với vợ và cả hai cùng quan sát Th. Khi mọi sự đã ba năm rõ mười thì cả hai vợ chồng chỉ còn biết khóc ròng mà không biết phải xử lý thế nào. Họ tìm đến bác sĩ tâm lý và được giới thiệu vào đây. Nghe xong câu chuyện về Th, bác sĩ Dũng đã phân tích cho họ đó là một loại bệnh chứ không đơn thuần chỉ là thứ tình cảm bồng bột tuổi trẻ như họ vẫn nghĩ. Ông khuyên hai vợ chồng nên tạm xa nhau một thời gian và chị H phải đưa con vào viện để điều trị ngay lập tức.

Sau một thời gian chữa trị, Th đã ổn định hơn không còn nhắc đến dượng K và hắt hủi mẹ như trước. Khi chia tay chúng tôi, chị H nói trong nước mắt rằng cuộc đời chị rất may mắn khi có người chồng tử tế chứ nếu như trong một phút anh không kiềm chế thì con chị sẽ ra sao?

Yêu quá hóa bất bình thường

Còn với H cô hướng dẫn viên của một công ty du lịch thì lại cười ra nước mắt bởi thoạt nghe thì ai cũng cho rằng đó là chuyện bịa nhưng phải tiếp xúc và gặp gỡ cô thì mới tin rằng xinh đẹp, trẻ trung, giỏi giang như vậy mà đã có lúc phải nhập viện tâm thần vì yêu.

Bố mất sớm nhà chỉ có hai mẹ con, học xong đại học, H vào làm hướng dẫn viên du lịch. Cô chuyên đưa các đoàn khách nước ngoài đi thăm quan các danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Trong một lần dẫn đoàn khách thương gia Ấn Độ, cô được một doanh nhân trẻ để ý. Sau khi về nước anh quyết định quay lại Việt Nam đầu tư. Tình yêu của họ cũng nảy nở từ đó. Nếu chỉ có thế thì không có chuyện gì nhưng điều khác lạ là mỗi lần chàng doanh nhân về nước thăm bố mẹ là trạng thái tinh thần của H thay đổi rõ rét. Cô không thể làm gì được ngoài việc cả ngày ngồi ôm điện thoại gọi cho người yêu. Chỉ cần đến giờ mà anh không gọi là cô khóc lóc, gào thét tự đánh mình thậm chí có lần còn ném cả ghế vào mẹ. Chuyện cứ xảy ra như vậy mỗi khi chàng người yêu về nước. Cho đến lần ấy chàng doanh nhân về nước và hẹn 10 ngày sau mới quay lại. Trong suốt thời gian đó, H chỉ ở nhà rồi đi mua sắm và chờ đợi người yêu sang nhưng không may lần ấy có việc đột xuất nên anh chàng người Ấn phải ở lại thêm một tuần nữa. Nghe tin xong cô khóc như mưa và có biểu hiện quẫn loạn, mẹ hỏi gì cô cũng không nói. Thấy tình trạng của con gái quá bất thường như vậy mẹ H vội vàng gọi xe đưa cô vào viện.

Vào đến nơi dù được các bác sĩ chăm sóc khuyên nhủ nhưng nhất định H không uống thuốc, hở ra là cô đập đầu vào tường đòi tự tử và luôn miệng chửi anh chàng Ấn Độ phụ tình. Bác sĩ rất vất vả với bệnh trạng của H. Vào viện được 2 ngày, H mới chịu uống thuốc nhưng không lúc nào ngơi khóc lóc, gào thét. Chỉ đến khi người yêu sang mọi tình trạng bệnh của cô mới giảm đi. Nhiều lần như vậy anh chàng doanh nhân và gia đình có ý giãn ra vì sợ cô bị bệnh tâm thần. Nhưng sau khi nghe các bác sĩ phân tích rằng đó chỉ là một sự rối loạn cảm xúc gây lên loạn thần cấp chứ không phải là bệnh mãn tính họ đã vui vẻ quay trở lại. Và đám cưới của H với người cô yêu diễn ra sau đó một thời gian. Ngày cưới H cùng chồng mua hoa đến tặng và cám ơn những bác sĩ đã giúp họ.

(Còn tiếp)

Nếu ngoài đời họ phát điên vì tình thì khi vào trong bệnh viện họ cũng bị lốc tình yêu cuốn theo lần này không ai khác lại chính là những người đã và đang ngày ngày chăm sóc sức khỏe cho họ. Ở kỳ sau là những câu chuyện dở khóc dở cười khi bệnh nhân tâm thần trót “phải lòng bác sĩ”...