Hoa đào Nhật Tân một thuở

ANTD.VN - Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ Cầu Đông, chợ bán nhiều loại hoa trong đó có hoa đào”. Như vậy từ thời Hậu Lê, Thăng Long đã có thú trưng hoa đào vào dịp Tết. Thế nhưng hoa đào được trồng ở vùng nào?  

Người dân làng Nhật Tân đã trồng đào từ thời Hậu Lê hoặc sớm hơn nữa

Theo  truyền thuyết, sau khi tiêu diệt mấy chục vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Vua  Quang Trung đã sai lính phi ngựa thần tốc ngày đêm mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng Công chúa Ngọc Hân thay thiệp báo tin mừng chiến thắng và cành hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm tới người vợ yêu.

Dù là truyền thuyết nhưng trong truyền thuyết bao giờ cũng có một phần sự thật và sự thật ở đây chính là hoa đào được trồng ở làng Nhật Chiêu (đến thời nhà Nguyễn bị đổi thành Nhật Tân). Kết nối với sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thì có thể khẳng định dân làng Nhật Tân đã trồng đào từ thời Hậu Lê hoặc sớm hơn nữa.

Xưa Nhật Tân có dinh đào cổ. Dinh hướng ra mặt hồ Tây, quanh năm lồng lộng gió. Vì đất Nhật Tân là pha cát lẫn sỏi, không ngấm nước và bở nên rất thích hợp với  đào. Nắng, gió và hơi nước đã tạo nên sắc đào hồng tươi, dăm đào đỏ tía, nụ đào to, phấn trắng, bông đào nở căng, màu hồng đậm, số lượng cánh nhiều gấp rưỡi đến gấp đôi đào trồng ở nơi khác. Đặc biệt, khi hoa nở hết sẽ rụng từng cánh mà không bao giờ quắt lại.

Dân Nhật Tân một nắng hai sương, quanh năm luấn quấn với từng gốc đào, từ khi ghép mầm, uốn gốc, cắt tỉa thành tán, rồi đến lúc tuốt lá, chỉnh dáng thế thật lắm công phu. Gốc càng già thì đào càng đẹp, bởi “đào già, hoa kép”.  Không phải cây to, sai hoa, nhiều nụ là đẹp, kén đào phải cần đủ các yếu tố: nhất dáng, nhì hoa, thứ ba mới là nụ, phải điểm thêm chút lộc mới nhú và nếu may mắn sẽ có thêm mấy quả non.

Không chỉ có đào phai, Nhật Tân còn có đào bích, giống này hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có mười hai hay mười bốn cánh nhưng cũng có loại bông kép tới ba hai cánh, loại này ít trồng vì không được người chơi ưa chuộng. Cánh bích đào dầy có màu  hồng thắm, xếp thành nhiều lớp bao bọc nhị vàng bên trong tỏa ra tua tủa, lá bích đào hình mũi mác màu xanh biếc, cành thì vươn thẳng đứng.

Vì tất cả những ưu điểm mà đào các nơi khác không có được nên hoa đào Nhật Tân bao giờ cũng được chọn để trưng trong ngày Tết tại các cơ quan Đảng, Nhà  nước và Chính phủ. Các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng cố gắng tìm cách mang được đào Nhật Tân sang trưng ở phòng khách ngày Tết, bởi vừa độc đáo lại vừa  sang. Cách đây 45 năm, ngày        27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Cũng theo hiệp định, một phái đoàn quân sự của 4 bên được thành lập đóng ở  trại Davis trong  sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết các vấn đề. Vì ngày ký hiệp định cũng là ngày Tết Ông Công, Ông Táo nên  trong chuyến công tác vào trại Davis, một cán bộ của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mang một cây đào Nhật Tân từ Hà Nội vào cắm ở trại Davis. Sắc đào thắm đỏ làm cho những người ở phía bên kia ngỡ ngàng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Bán và mua đào ở Nhật Tân là nghệ thuật, có bán, có mua nhưng hơn cả là kẻ mua nhìn ra cái đẹp, kẻ bán thấy được lòng yêu. Với khách say đào, kể cả bán rẻ, kể cả trả thêm thì kẻ  bán lẫn người mua đều hoan hỉ. Người  sành chơi  đâu chờ áp Tết, cứ khoảng 21, 22 tháng Chạp, đã lên tận vườn  để kén.

Còn gì thú vị hơn khi được thả hồn  trong không gian chỉ có hoa và đất trời trong khí xuân lành lạnh để chọn một cành ưng ý rồi hớn hở mang về nhà. Người Hà Nội sành chơi một khi đã chọn đào Nhật Tân họ sẽ chẳng bao giờ muốn chơi đào trồng ở nơi khác. Không chỉ  ba ngày Tết, nhiều người còn chơi trước Tết cả nửa tháng để tận hưởng trước thiên hạ và ra Giêng họ lại chơi đào cuối vụ. Những nhánh đào khẳng khiu điểm nụ, thêm vài bông đã nở đặt trên bàn khách thì thật thanh và nhã. 

Không chỉ bán ở vườn, từ ngày 23 tháng Chạp người trồng đào Nhật Tân còn cắt cành mang ra chợ bán. Do biến cố lịch sử, bến Đông Bộ Đầu bị lấp và một phần chợ Cầu Đông xưa nay là chợ Đồng Xuân. Và thế chợ hoa Tết phải dời về phố Hàng Khoai. Song đến thập niên đầu tiên  thế kỷ XX, chợ Hàng Khoai chật hẹp vì người bán hoa tăng lên người đi ngắm hoa cũng nhiều hơn nên chợ di sang phố Hàng Lược.

Ngoài bán hoa, người ta còn bán chậu, đôn, lọ làm ở làng gốm Bát Tràng. Chợ bán nhiều loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Chợ nhộn nhịp nhất từ ngày 27 đến 30 Tết. Cúng tất niên trưa 30 xong, nhiều gia đình ăn mặc đẹp dẫn nhau đi chơi chợ hoa và  chợ hoa chiều và đêm 30 bao giờ cũng đông vui nhất. 

Ở Nhật Tân bây giờ vẫn lưu truyền chuyện đi bán đào Tết xưa. Khoảng cách từ Nhật Tân đến chợ hoa Hàng Lược không xa, tuy nhiên đường lại rất vắng và phải đi qua các miếu mà kẻ cướp hay rình. Đêm 30 Tết bán hoa về muộn sợ bị cướp, người ta  đánh lừa bọn chúng bằng cách kẹp tiền vào bắp chân rồi quấn vải trắng xung quanh, đổ phẩm đỏ giả làm máu, lại có người  quấn vải trắng lên đầu như nhà có tang và giấu tiền trong đó.

Nhật Tân bây giờ đã lên phố không còn đất trồng đào nhưng nhiều người sống chết với đào của Nhật Tân đã mang đào ra bờ sông Hồng. Và họ đã làm mọi cách để hoa đào nay vẫn thắm đẹp như xưa.