Hòa bình - ước mơ vẫn xa vời tại Afghanistan

ANTĐ - Cuộc chiến giành tự do cho Afghanistan là một cuộc đấu tranh đầy gian khổ và thách thức. Ách cai trị của lực lượng Taliban và sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan al-Qaeda đã biến lãnh thổ Afghanistan trở thành mảnh đất của mạng lưới khủng bố. Những diễn biến gần đây cho thấy, hòa bình vẫn đang là ước mơ xa với với quốc gia Tây Nam Á này.

Hòa bình - ước mơ vẫn xa vời tại Afghanistan ảnh 1Một vụ bạo lực liên quan Taliban tại thành phố Kunduz

Mỹ đã có những quyết sách và hành động nhằm truy quét các phần tử cực đoan và cải thiện cuộc sống cho người dân tại quốc gia này. Hơn một triệu binh sỹ Mỹ cùng khoảng 30.000 nhân viên dân sự đã tới Afghanistan, chiến đấu, huấn luyện và hỗ trợ người dân nước này, kề vai sát cánh cùng họ trên con đường đạt được không ít thành tựu. Trong 14 năm, Afghanistan và Mỹ đã cùng nhau hướng tới mục tiêu nhổ sạch gốc rễ khủng bố và cực đoan trên mảnh đất này. Washington hậu thuẫn Afghanistan từng bước xây dựng một Chính phủ vững mạnh, có trách nhiệm với người dân và từng bước trở thành một thành viên nghiêm túc, đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. 

Tuy nhiên, sẽ thật ngây thơ khi cho rằng quá khứ bất ổn của Afghanistan đã lùi xa. Ngay khi quân đội Mỹ rút dần về nước, “bóng ma” khủng bố Taliban đã manh nha trỗi dậy. Vừa mới đây, sáng 28-9, các tay súng Taliban đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn tại thành phố Kunduz, miền Bắc Afghanistan, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Làn sóng bạo lực mới phản ánh thực tế những thách thức an ninh nghiêm trọng vẫn còn tồn tại trên mảnh đất này. 

Kể từ khi quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức chấm dứt sứ mệnh tại Afghanistan cuối năm 2014, và nhất là sau khi Taliban tuyên bố thủ lĩnh sáng lập Mullah Omar đã qua đời cách đây 2 năm, để lại ghế lãnh đạo cho Mohammad Mansour - một kẻ khủng bố khát máu và liều lĩnh hơn nhiều so với người tiền nhiệm, con số thương vong tại đây đã lên tới mức kỷ lục. Bất ổn bắt đầu lan tới cả những khu vực trước đây từng rất yên ắng như phía Bắc và Đông Bắc Afghanistan. Sau khi lên nắm quyền, Mansour tuyên bố chấm dứt mọi tiến trình hòa bình với Chính quyền Afghanistan và thề sẽ trả thù lực lượng của Mỹ cùng các đồng minh. 

Afghanistan rõ ràng đang lún sâu vào một chu kỳ bạo lực mới, có nguy cơ hủy hoại mọi thành tựu của các cuộc thương lượng hòa bình mới bắt đầu giữa Taliban và chính quyền Kabul. Sự trỗi dậy của Taliban, sự hiện diện của các nhóm chân rết al-Qaeda và cả mối đe dọa từ sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đe dọa xé toạc Afghanistan một lần nữa. Trong khi đó, nước này cũng đối mặt với các vấn đề “muôn thuở” như tham nhũng, nghèo đói, hay nguy cơ gia tăng các phần tử cực đoan, các hoạt động buôn bán ma túy xuyên biên giới. Những hy vọng mong manh vừa lóe lên lại đã bị dập tắt. 

Trên thực tế, nhiều phần tử Taliban đào ngũ đã tuyên bố gia nhập IS. Theo Tướng John Campell, Chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Afghanistan, động thái đó chủ yếu là để “thu hút sự chú ý của truyền thông và các mạnh thường quân, tạo bàn đạp để chúng tăng cường chiêu mộ tân binh”. Ông John Campell cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh mức độ can thiệp của quân đội Mỹ ở quốc gia Nam Á này trước nguy cơ từ các tổ chức khủng bố. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Vũ khí Thượng viện mới đây, Tướng Campell cho biết đã đệ trình dự thảo sửa đổi kế hoạch của Tổng thống Barack Obama vốn định giảm dần sự hiện diện của quân đội Mỹ sau năm 2016 từ 9.800 binh sỹ xuống con số 1.000 người và chủ yếu là lực lượng đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.  

Rõ ràng, trong số những lý do khiến nhà cầm quân Mỹ muốn thay đổi kế hoạch do Tổng thống Obama khởi xướng phải kể đến sự bành trướng của IS, “sự trỗi dậy của mạng lưới khủng bố al-Qaeda” và “làn sóng” bạo lực gia tăng tại nhiều khu vực ở Afghanistan. Cũng trong phiên điều trần, Tướng Campell nhấn mạnh: “Tôi đề xuất điều chỉnh kế hoạch quân sự để phù hợp với bối cảnh mới, song đồng thời vẫn duy trì các nhiệm vụ trọng tâm như huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan, cũng như tiến hành các chiến dịch chống khủng bố hiệu quả”. 

Nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng và thực tế là chính quyền sở tại hầu như vẫn phải dựa vào các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ bên ngoài. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết phải có một kế hoạch mới, một lộ trình khác để đảm bảo an ninh và hòa bình cho quốc gia Nam Á này.