Hòa bình trên Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng chung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày ASEAN tại Hà Nội, Thủ đô của quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã khép lại thành công với việc chia sẻ và khẳng định quan điểm chung rằng hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng chung của không chỉ các quốc gia khu vực mà cả thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lập trường của Việt Nam về việc cần phải thượng tôn pháp luật ở Biển Đông tại Diễn đàn ARF ngay 12-9

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lập trường của Việt Nam về việc cần phải thượng tôn pháp luật ở Biển Đông tại Diễn đàn ARF ngay 12-9

Cần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), chuỗi sự kiện quan trọng thường niên của ASEAN trong năm 2020 là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan diễn ra bằng hình thức trực tuyến với tâm điểm là Hà Nội - Thủ đô của quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những nội dung bàn thảo và quyết định tại AMM-53 cùng các hội nghị liên quan kém phần quan trong và thành công.

Trong 4 ngày (từ 9 đến 12-9), các vị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và những người đồng cấp các bên đối tác và đối thoại của hiệp hội khép lại đợt Hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 với thành công tốt đẹp. Những mục tiêu đặt ra trước Hội nghị của Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như các nước thành viên và Đối tác đều cơ bản đạt được với sự nhất trí cao. 42 văn kiện quan trọng được thông qua đã khẳng định rõ thành công của AMM-53 và các hội nghị liên quan.

Một trong những vấn đề nổi bật, được Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các bên đối tác, đối thoại dành thời lượng đáng kể để bàn thảo những ngày qua vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Rất dễ hiểu bởi Biển Đông hiện là một điểm nóng căng thẳng, tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh không chỉ trên vùng biển này mà với cả thế giới.

Điều đáng nói là những căng thẳng ở Biển Đông không chỉ vẫn tiếp tục diễn ra mà thậm chí còn leo thang lên cấp độ đáng lo ngại hơn ngay cả trong thời gian khu vực cùng toàn cầu đang phải gồng mình, dồn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19. Những căng thẳng này lại xuất phát từ những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); vi phạm chủ quyền hợp pháp các quốc gia liên quan ở Biển Đông của Trung Quốc, tâm điểm bùng phát đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu, gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy với những tổn thất to lớn về sinh mạng và vật chất.

Trung Quốc bất chấp đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp toàn cầu vẫn liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông với sự tham gia của không chỉ hải quân mà nhiều quân, binh chủng. Trong đó có những cuộc tập trận có sự tham gia của biên đội tác chiến tàu sân bay, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, tàu ngầm hiện đại nhất của Trung Quốc… hay bắn tên lửa tầm trung “sát thủ tàu sân bay” từ sâu trong lục địa ra Biển Đông.

Những hành vi quân sự hóa, phô trương sức mạnh quân sự nhằm dùng sức mạnh để hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc cho cả khu vực và các quốc gia trên thế giới có lợi ích gắn bó với vùng biển chiến lược trọng yếu này. Việc Mỹ và một số cường quốc khác gia tăng sự hiện diện về quân sự ở Biển Đông được xem là hành động đáp trả cứng rắn để răn đe, ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc các lực lượng quân sự đông đảo, liên tiếp tiến hành các hoạt động mang tính đáp trả, răn đe nhau lại tiềm ẩn những mối đe dọa nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình mới là giải pháp đúng đắn cho vấn đề Biển Đông.

Sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả

Một trong những thành công của AMM-53 và các hội nghị liên quan được ghi nhận và đánh giá cao khi xuyên suốt những “ngày ASEAN” sôi động tại Hà Nội là các vị Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội và gần 20 vị đồng cấp ở 4 châu lục trên thế giới đã tìm được tiếng nói chung cũng như khẳng định nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề Biển Đông. Trong đó, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, không chỉ tại khu vực và trên toàn cầu.

Không chỉ là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên, thủy hải sản phong phú, Biển Đông còn là tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới với khoảng 300 tàu chở dầu cỡ lớn qua lại mỗi ngày (chiếm 1/4 lưu lượng tàu chở dầu cả thế giới), cung cấp nguồn nhiên liệu sống còn cho nền kinh tế nhiều cường quốc thế giới và khu vực, cùng lượng hàng hóa tổng trị giá tới 5.300 tỷ USD mỗi năm… nên bất kỳ một sự đe dọa nào tới tự do hàng hải, hàng không hay an ninh nào cũng đe dọa ảnh hưởng hay làm đứt đoạn tuyến vận tải biển quan trọng này. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh khu vực và thế giới đang nỗ lực để vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa khôi phục kinh tế vốn bị “tàn phá” nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Vì thế, các Bộ trưởng tham dự AMM-53 và các hội nghị liên quan khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông; thượng tôn pháp luật giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các Bộ trưởng nhấn mạnh, luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cần phải được thực hiện đầy đủ và hiệu quả ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một tín hiệu lạc quan đã thấy từ Hà Nội những ngày qua là việc các nước ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau cam kết hướng tới xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả sẽ là một công cụ để các bên có thể tiến hành đối thoại và hợp tác, phù hợp với tinh thần xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa mà các nước đang phấn đấu.

Đây là tiền đề để sớm khởi động lại tiến trình đàm phán một thỏa thuận mang tính ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc để duy trì hòa bình, ổn định cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Đây cũng chính là lợi ích và nguyện vọng chung mà các quốc gia ASEAN cùng các bên đối tác, đối thoại khẳng định tại AMM-53 và các hội nghị liên quan.