Hỗ trợ tiêu thụ nông sản: Đừng hạ thấp giá trị hàng hóa khi “giải cứu” tức thời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mỗi khi nông sản của nước ta vào mùa thu hoạch như vải thiều Bắc Giang, Cam Hòa Bình, dưa hấu Quảng Ngãi, khoai lang Vĩnh Long... thì đâu đó lại xuất hiện cụm từ “giải cứu” mang ý nghĩa… từ thiện!
Nông sản Việt sau bao năm “bầm dập” đã có đủ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp để cứu lấy chính mình bằng sự “hữu xạ tự nhiên hương”

Nông sản Việt sau bao năm “bầm dập” đã có đủ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp để cứu lấy chính mình bằng sự “hữu xạ tự nhiên hương”

Oái oăm. Năm nay, mùa vải thiều lại chín đúng thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Suy nghĩ cũ. Nhiều người vẫn giữ nếp xưa là nghĩ đến từ… “giải cứu”. Nhưng giờ đây nông sản của nước ta sau bao năm “bầm dập” đã có đủ chất lượng tốt để cứu lấy chính mình, bằng sự hữu xạ tự nhiên hương, chứ không ế ẩm, ôi thiu mà cần… “giải cứu”.

Ai ở đô thị cũng biết, cuộc sống ở thành phố đều phụ thuộc vào nông thôn. Cọng rau. Cái tăm. Con cá. Miếng thịt. Tất tần tật từ nông thôn mà ra. Thì cũng đúng. Bởi vì hàng ngày mọi thứ ở nông thôn cung cấp đều đặn, chưa muốn nói là dư thừa nên người ta thấy thân thuộc mà không nghĩ tới chuyện nếu không may vì một lý do bất thường nào đó? Thế rồi nông sản “có vấn đề” thật! Ách tắc. Mất mùa. Dịch bệnh...

Nói ra để thấy là cũng may cho người dân ở nước ta có một đất nước tươi đẹp, đất đai màu mỡ. Ươm mầm gì là cho hoa thơm. Trồng cây gì là ra trái ngọt. Và luôn có những người nông dân chịu thương chịu khó một nắng hai sương nên nông sản của nước ta mới sẵn, mới dồi dào và ít khi khan hiếm là vậy!

Trở lại câu chuyện nông sản đang vào vụ với quả vải thiều hiện nay. Với vùng trọng điểm vải như Bắc Giang thì ông Dương Anh Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã phải đính chính rằng: “Trước hết chúng tôi kêu gọi đồng bảo cả nước cùng chung tay tiêu thụ quả vải thiều tỉnh Bắc Giang, chứ chúng tôi không dùng từ “giải cứu”.

“Mỗi khi nông sản của nước ta vào mùa thu hoạch như vải thiều Bắc Giang, Cam Hòa Bình, dưa hấu Quảng Ngãi, khoai lang Vĩnh Long... thì đâu đó lại xuất hiện cụm từ “giải cứu” mang ý nghĩa… từ thiện! Giờ đây nông sản của nước ta sau bao năm “bầm dập” đã có đủ chất lượng tốt để cứu lấy chính mình, bằng sự hữu xạ tự nhiên hương, chứ không ế ẩm, ôi thiu mà cần… “giải cứu”.

Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng

Vì trồng được một quả vải ngon, cùi dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng, mẫu mã đẹp, không bị sâu cuống là thành tựu bao năm của nông dân. Với phương thức canh tác Viet Gap. GlobalGap đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi 32 quốc gia, hàng trăm thương lái nước ngoài cứ mỗi khi đến mùa vải chín là tìm về Bắc Giang mua. Thì cớ sao chúng ta phải… “giải cứu” (?!).

Hiện Bắc Giang có 28.000ha vải và đạt năng suất khoảng 180.000 tấn, dự kiến tổng thu đến 7.000 tỷ đồng. Một vụ vải người nông dân Bắc Giang thu còn hơn ngân sách của một số tỉnh khác... thì thực sự không có sự “giải cứu” nào đáp ứng được.

“Giải cứu” nông sản là một giá trị tức thời chứ không phải là một giá trị suốt đời nuôi sống người nông dân

“Giải cứu” nông sản là một giá trị tức thời chứ không phải là một giá trị suốt đời nuôi sống người nông dân

Vải là hoa quả đặc sản, được người dân trong nước và bạn bè thế giới ưa chuộng. Chính vì thế chúng ta hoàn toàn không cần phải… “giải cứu”. Và trong tương lai nhiều nông sản của chúng ta cũng sẽ tự đi trên giá trị của chính mình, hoàn toàn không cần… “giải cứu”.

Ai cũng biết hệ lụy của việc “giải cứu” nông sản là giá trị của nông sản bị hạ thấp, đằng sau những nông sản giải cứu đó: Là thân phận của người nông dân, thất thu, bần hàn, nợ tiền phân, tiền giống…, và những mảnh vườn, thửa ruộng khu vườn, cái ao bị treo bỏ hoang. Vì không ai mạo hiểm nuôi, trồng sản xuất ra những sản phẩm nông sản mà sẽ bị… “giải cứu” cả? Một điều quan trọng hơn, là người tiêu dùng thế giới người ta cũng không thể sẵn lòng mua các loại nông sản của chúng ta, khi chính người dân trong nước vẫn mang một tâm thế tiêu thụ kiểu ra ơn dưới mỹ từ… “giải cứu”.

Vẫn biết tiêu thụ nông sản, hay bất cứ mặt hàng tiêu dùng nào khác đều phải tuân thủ theo quy luật thị trường, phải căn cứ vào cung - cầu có nghĩa đòi hỏi người nông dân phải căn cơ tính toán sao cho sản xuất lượng hàng hóa hợp lý, không bị khủng hoảng thừa. Rồi chất lượng sản phẩm phải là hữu cơ, phương thức canh tác sạch hiện đại, thực phẩm không chỉ là thức ăn, mà nó còn là những vị thuốc tốt cho sức khỏe người sử dụng. Tất nhiên không có dư lượng thuốc bảo quản, thuốc bảo vệ thực, tôn dư lượng thuốc kháng sinh. Có mẫu mã đẹp bắt mắt, giá cả hợp lý thì câu chuyện tiêu thụ không bao giờ là vấn đề đau đầu nữa mỗi khi đến mùa thu hoạch hay được mùa nữa.

Nói về câu chuyện nông sản thì cũng phải thưa với độc giả cho đủ lời hết ý. Nông dân nhà ta thì vô vàn đức tính tốt, nhưng cũng có sự hạn chế khi mạnh ai người đó làm. Cứ tranh thủ bán được hàng nhà mình sớm và nhiều hơn nhà hàng xóm là tốt, và ngay cả đến gạo ST25 ngon nhất thế giới nếu không tính toán cẩn thận cũng có ngày phải… “giải cứu”, chứ chưa nói đến bất cứ nông sản thời vụ phổ thông như hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng

Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng

Để nông sản là hàng hóa, không dư thừa, không bóc lột tận dụng vắt kiệt đất đai thì cần có “bàn tay điều hòa” của Nhà nước, giới khoa học và sự nhận thức mới của người nông dân. Từ đó mới làm cho người tiêu dùng ở đô thị hiểu được về giá trị của nông sản, mới có cách cư xử đúng, trả tiền phù hợp với những gì mà nông dân làm ra.

Và tất nhiên chúng ta cũng chả lấy làm vinh dự, vui vẻ gì khi tiêu dùng những nông sản hàng ngày, mà mang giá trị… “giải cứu”.

“Giải cứu” là một giá trị tức thời chứ không phải là một giá trị suốt đời nuôi sống chúng ta.