Hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bão, lũ: 17 ngân hàng cam kết giảm lãi vay, Phó Thống đốc yêu cầu “đã nói phải làm”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đến nay đã có 17 ngân hàng tuyên bố các chương trình giảm lãi vay, cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện.

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền.

Theo số liệu thống kê, đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Với ngành ngân hàng, dư nợ của tổ chức tín dụng (TCTD) bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là hơn 100.000 tỷ đồng.

NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Hàng chục ngân hàng đã cam kết giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Hàng chục ngân hàng đã cam kết giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Tại Hội nghị, đã có 17 ngân hàng tuyên bố các chương trình giảm lãi vay, cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank cho biết, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại có gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với khoảng 30.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, ước tính con số này có thể lên tới 40.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bị thiệt hại là 11.000 tỷ đồng.

Agribank đã có chương trình giảm lãi vay với khách hàng bị ảnh hưởng, mức giảm 0,5%-2%/năm. Ngân hàng cũng miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Tại SHB, bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc ngân hàng cho biết đã triển khai chương trình miễn giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 01/9 – 31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh...

Bên cạnh đó, ngân hàng có gói sản phẩm cho vay mới những khách hàng bị thiệt hại mong muốn phục hồi, phát triển sản xuất với lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,5%/năm.

Đánh giá cao việc các ngân hàng thương mại chủ động công bố chính sách hỗ trợ đến khách hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, các gói đưa ra rất tích cực, hầu hết giảm từ 1-2%, có ngân hàng giảm đến 50% lãi hiện tại tùy theo mức độ thiệt hại, chủ động giảm không chờ khách đề nghị. Ngân hàng quy mô nhỏ cũng có chính sách rất tích cực, thời gian hỗ trợ kéo dài đến hết năm, có đơn vị đến sang cả đầu năm sau.

Theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng phải chia sẻ tích cực bằng chính nguồn lực của các ngân hàng thương mại, cụ thể là chia sẻ lợi nhuận, thông qua giảm lãi suất, tiết kiệm tất cả chi phí quản lý, vận hành, tùy theo năng lực của các ngân hàng để mức hỗ trợ tương xứng với quy mô.

Đồng thời, phải hỗ trợ kịp thời, đồng bộ, đúng đối tượng, chủ động xử lý, không để khách hàng phải làm đơn đề nghị, thực hiện đúng như cam kết, triển khai công khai minh bạch chính sách, không để trục lợi chính sách...

NHNN yêu cầu, các ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, tránh câu chuyện “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi”, phải thực hiện chính sách công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách.

Đồng thời, NHNN cũng sẽ nghiên cứu và sớm trình chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Góp phần đảm bảo có hành lang pháp lý để các TCTD hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ sớm ban hành chương trình hành động của toàn Ngành để hỗ trợ người dân sau bão lũ.