Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Làm chính sách theo cảm tính

ANTĐ - Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng “không hiệu quả”. Những hạn chế của chính sách hỗ trợ khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tận dụng được các ưu đãi phát triển.

Ưu đãi vốn là một trong những chính sách tối ưu giúp phát triển doanh nghiệp

Bà Trịnh Thị Hương - Phó phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ KH-ĐT) cho biết, thời gian qua, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế. “Hơn 80% chính sách hỗ trợ chưa có bộ tiêu chí để đánh giá kết quả tác động trợ giúp doanh nghiệp. Quy mô hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn hẹp. Hiện chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới có vườn ươm doanh nghiệp. Các chương trình chính sách chưa phù hợp với quy mô loại hình doanh nghiệp” - bà Trịnh Thị Hương nói.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, có 4 tiêu chí để đánh giá chính sách có hiệu quả hay không, gồm: tính bình đẳng, tính hiệu quả, tính tối ưu hóa của chính sách và lợi ích công cộng, lợi ích đặc thù. Mặc dù, các cơ quan Nhà nước mất nhiều năm loay hoay với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng nhiều chính sách không hiệu quả. Điều này thể hiện ở hoạt động thực tế của doanh nghiệp. 

Thống kê của VCCI cho thấy, trung bình một năm có khoảng 80.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó, chủ yếu là diện nhỏ và vừa song con số này không phản ánh sự phát triển của khối doanh nghiệp này. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp lại giảm, số giải thể và ngừng hoạt động tăng lên. Xét ở quy mô lao động, doanh nghiệp cũng không tăng thêm lực lượng lao động mà phần lớn cơ hội việc làm là nhờ doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ được thành lập mới tăng. “Phải có nhiều doanh nghiệp tăng sử dụng lao động thì mới là biểu hiện của phát triển” - Tổng thư ký VCCI nói. 

Theo dõi thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Bắc - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Bắc Ninh chia sẻ, doanh nghiệp thường kêu thiếu vốn. Để giải quyết vấn đề này, phía cơ quan Nhà nước có nhiều quan điểm: hỗ trợ tiền hoặc tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Một số địa phương cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nhưng doanh nghiệp không màng tới. “Các chính sách hỗ trợ thường theo cảm tính, chưa có điều tra kỹ càng nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp để hỗ trợ” - ông Nguyễn Phương Bắc nhận định.

Cùng chung đánh giá, ông Phạm Ngọc Long - Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, không nên cầu toàn trong đánh giá chính sách nhưng các ưu đãi này phải khẩn trương và cần được “duy tu, bảo dưỡng, tăng độ bền”. Không nên có quá nhiều chính sách, đặc biệt với những quy định như “để được vay vốn với lãi suất thấp thì cần chi phí lớn hơn”. Ông Phạm Ngọc Long kiến nghị: “Cơ quan quản lý phải tâm huyết đưa ra chính sách, không được đẩy cái khó cho doanh nghiệp. Qua theo dõi Bộ KH-CN, Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT, tôi thấy nhiều dự thảo Luật, văn bản chính sách không thể vào được cuộc sống. Chính sách nên tránh tình trạng một người nhấn ga, vài người cắt côn đạp phanh. Bộ KH-ĐT muốn nhưng các bộ, ngành khác không làm”.

Để tăng cường hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Phương Bắc cho rằng, cần nghiên cứu kỹ, chặn ngay các hỗ trợ không hợp lý. Ví dụ, thay vì hỗ trợ một doanh nghiệp lớn vài trăm tỷ đồng thì nên hỗ trợ vài doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần ổn định lâu dài để doanh nghiệp thụ hưởng được.