Hồ Tây đang mất nước nghiêm trọng, bù bằng cách nào?

ANTD.VN -Là một hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội, nhưng hiện nay, Hồ Tây đang gặp tình trạng mất nước và ô nhiễm. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp bổ sung nước sông Hồng cho Hồ Tây là phù hợp nhất.

Đề xuất cải tạo 20 năm chưa thể thực hiện

Công ty TNHH MVT Thoát nước Hà Nội cho biết, Hồ Tây đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Cùng với đó là thực trạng ô nhiễm môi trường nước rất đáng lo ngại do nguồn nước thải, rác sinh hoạt đổ vào hồ, cũng như lớp trầm tích đáy hồ đã nhiều năm chưa được nạo vét.

Theo nhận định Công ty Thoát nước Hà Nội, chất lượng nước Hồ Tây đang trong tình trạng suy giảm rõ rệt. Về cảm quan, có thể thấy nước hồ màu xanh đen, ven bờ màu xanh đục, mùi tanh hôi.

Xung quanh Hồ Tây đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng

Các chỉ số theo tiêu chuẩn Quốc gia QCVN 08 - MT: 2015/BTNMT đều cho thấy nước hồ đang ô nhiễm hữu cơ, ở mức độ siêu phú dưỡng; hàm lượng tảo cao và đang tăng. Bên cạnh đó, đa dạng sinh học của hồ không cao, cơ cấu thành phần loài thủy sinh cũng không phù hợp. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm cộng với một số sự cố vừa qua đã khiến lượng cá của hồ giảm xuống còn khoảng 240 - 270 tấn, so với 300 - 500 tấn trước kia.

Phó Chủ tịch hội sinh thái học Việt Nam, GS.TS Mai Đình Yên cho biết, 20 năm trước, việc cải tạo môi trường nước Hồ Tây đã được đề xướng nhưng chưa thành hiện thực.

“Hồ Tây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là nơi bảo tồn sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp quốc gia. Thế nhưng, 20 năm qua, ô nhiễm Hồ Tây vẫn đang tiếp diễn. Cần sớm có giải pháp để bảo vệ môi trường sinh thái của hồ” – GS.TS Mai Đình Yên  kiến nghị.

Rác thải, nước sinh hoạt vẫn xả thải vào hồ

Bổ sung nước sông Hồng là tối ưu

Trước thực trạng đáng lo ngại nêu trên, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đề xuất một số giải nhằm cải thiện chất lượng nước Hồ Tây một cách bền vững, hiệu quả.

Cụ thể gồm: bổ cập nước kết hợp với công nghệ, sinh thái và quản lý chất lượng nước; nạo vét trầm tích, giảm lượng ô nhiễm tích tụ lâu ngày, tăng chiều cao cột nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. đặc biệt là môi trương Hồ Tây trong cộng đồng.

Đơn vị cũng đề xuất 3 nguồn nước có thể sử dụng để bổ cập cho Hồ Tây, đó là: nước ngầm; nước sông Tô Lịch và nước sông Hồng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Trịnh Thị Thanh nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ phương án xử lý nước Hồ Tây. Rút kinh nghiệm từ việc xử lý nước Hồ Gươm vừa qua đã cho hiệu quả rất tốt, cần phải xây dựng quy trình chặt chẽ để thực hiện với Hồ Tây”.

Thêm vào đó là tình trạng cạn kiệt nước

Theo GS Trịnh Thị Thanh, sử dụng nước sông để bổ cập là tối ưu nhưng do môi trường khác nhau, nên cần phải lắng lọc nước sông, thử nghiệm tỷ lệ pha nước và có thí nghiệm sinh thái cụ thể trước khi đưa vào hồ.

Nguyên phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, PGS. TS Ứng Quốc Dũng cũng cho rằng, không nên lấy nước ngầm mà nên lấy nước sông Hồng để bổ cập cho Hồ. Do hồ từng là một phần của sông Hồng xưa nên có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, lượng nước lấy bao nhiêu, lấy theo mùa như thế nào cần tính toán kỹ.

Phương án bổ cấp nước cho Hồ Tây theo đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội được đặt ra, sẽ xây dựng trạm bơm kiểu cố định, sử dụng máy bơm chìm được đặt ở sát mép sông tương ứng mức nước thấp nhất của sông Hồng.

Nước sông được tuyến ống dẫn từ trạm bơm qua ngõ 464  Âu cơ, qua đê, đi theo đường Lạc Long Quân đến ngõ 612 Lạc Long Quân, đi vào lòng mương tiêu cạnh công viên nước Hồ Tây.

Tuyến mương tiêu cũng được tận dụng để làm bể lắng cát thô và xây dựng bể lắng cát tinh trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Theo đại diện Công ty, phương án này vừa tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng, đạt được mục tiêu bổ cập nước Hồ tây trong mùa khô; đồng thời còn có tác dụng pha loãng, cải thiện được nước sông Tô Lịch.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Đại học  Thủy lợi- GS. TS Dương Thanh Lượng đánh giá, giải pháp dùng máy bơm chìm đặt ở dưới mực nước sông Hồng để lấy nước vào Hồ Tây là rất khả thi, có thể bơm quanh năm được. Mặt khác, lấy nước sông Hồng vào Hồ Tây về mùa khô là thuận lợi nhất, vì thời điểm này hàm lượng phù sa giảm mạnh, sẽ đỡ khâu xử lý bùn cạn.