Hố sâu kỳ thị chủng tộc

ANTĐ - Tròn 1 năm trôi qua kể từ vụ viên cảnh sát da trắng bắn chết chàng thanh niên da màu 18 tuổi tay không tấc sắt tại thị trấn Ferguson, hố sâu kỳ thị chủng tộc tại Mỹ chẳng những không được lấp đầy mà còn bị đào sâu thêm.
Hố sâu kỳ thị chủng tộc ảnh 1

Người dân thị trấn Ferguson xuống đường biểu tình đêm 9-8 để phản đối tình trạng phân biệt đối xử

Chính quyền thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri (Mỹ) đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi một thanh niên da màu bị trọng thương trong vụ nổ súng đêm 9-8. Cảnh sát cáo buộc người thanh niên da màu Tyrone Harris (18 tuổi và là bạn thân của chàng thanh niên da màu Michael Brown bị cảnh sát bắn chết đúng 1 năm trước) nổ súng vào xe cảnh sát nên họ buộc phải bắn trả. Trong khi đó, cha của Harris tố cáo, con trai ông bị cảnh sát bắn nhiều phát đạn khi đang tìm cách chạy trốn.

Vụ việc mới nhất cùng những cuộc biểu tình sôi sục nhân kỷ niệm 1 năm sự kiện thanh niên da màu Michael Brown bị viên cảnh sát da trắng bắn chết ngày 9-8-2014 đã thêm một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng kỳ thị chủng tộc tại Mỹ.  Trước đó, mâu thuẫn sắc tộc từng bùng phát dữ dội vào cuối tháng 11 năm ngoái sau khi người dân hay tin tòa án ra phán quyết không buộc tội viên cảnh sát Wilson về tội bắn chết Michael Brown. Hàng triệu người ở hơn 170 thành phố trên khắp nước Mỹ đã xuống đường biểu tình, nhiều nơi biến thành bạo loạn khi người biểu tình tấn công cảnh sát, đập phá… để phản đối điều mà họ cho là phán quyết bất công của tòa án.

Vụ thanh niên da màu Brown bị bắn chết, rồi đến thanh niên Harris bị bắn trọng thương… chỉ là những giọt nước làm tràn ly nỗi bức xúc, phẫn nộ lâu nay trong cộng đồng da màu tại Mỹ về tình trạng kỳ thị chủng tộc ở quốc gia này. Điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ sau vụ Michael Brown bị bắn chết cho thấy, Sở Cảnh sát thị trấn Ferguson thường xuyên có các hành vi phân biệt đối xử với người da màu với các số liệu “biết nói”. Đơn cử, người da màu chiếm 67% cư dân Ferguson nhưng lại có tới 93% các vụ bắt bớ liên quan đến những người này, hay tỷ lệ này trong các vụ kiểm tra giao thông là 85% và vé phạt vi phạm luật lệ giao thông là 90%...

Kết quả điều tra khác công bố hồi tháng 4 vừa qua cho thấy, trong xã hội Mỹ hiện nay, cộng đồng thiểu số người da màu và gốc Mỹ Latin ngày càng thua thiệt về kinh tế và việc làm nhiều hơn so với người da trắng. Tỷ lệ công nhân da màu và gốc Latin không có việc làm ở thời điểm tháng 4-2015 lần lượt là 20,5% và 18,4% so với 11,8% của công nhân da trắng; tỷ lệ thất nghiệp trong người Mỹ gốc Phi ở Mỹ cao hơn hai lần so với người da trắng, với tỷ lệ cụ thể là 12% so với 5,8%...

Đa số người da màu cho rằng, sắc tộc là nguyên nhân chính khiến họ ngày càng bị thua thiệt trong xã hội Mỹ. Ngay Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ - Barack Obama cũng từng thừa nhận có sự bất bình đẳng và xu hướng này đang tăng lên trong xã hội Mỹ.