Hồ "nuốt xác" ở Hà Nội - kỳ 2

ANTĐ - Hồ Thiền Quang, hay còn gọi là hồ Halais (Ha-le) theo tên của phố Nguyễn Du thời Pháp thuộc. Hồ được bao quanh bởi 3 con phố Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông - Quang Trung và Nguyễn Du. Cảnh quan xung quanh hồ là một địa điểm ngắm cảnh nổi tiếng của Thủ đô, 3 ngôi chùa linh thiêng hướng ra hồ, nằm ngay trước cổng chính Công viên Thống Nhất; nhưng không phải ai cũng biết đã có không ít những số phận thương tâm đã chìm mình dưới lòng hồ này!

Hà bá gọi tên người

Tên hồ Thiền Quang có nghĩa là “đạo sáng”, vốn được đặt theo tên làng Thiền Quang. Hồ rộng chừng 5ha, có độ sâu khoảng 4m, năm 2003 hồ đã được cải tạo nạo vét, tu sửa, kè xung quanh, điểm mốc thời gian từ đó đến nay năm nào cũng có người chết dưới hồ, có năm đến vài người. Điển hình nhất là vụ việc được phát hiện vào sáng sớm ngày 13-6-2005, nạn nhân là bà H.T.Q (65 tuổi) ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Những người đi tập thể dục buổi sáng đã phát hiện ra xác nạn nhân và báo cho CAP Nguyễn Du. Những người có mặt tại khu vực hồ Thiền Quang khi ấy cho biết, trước khi chết nạn nhân đã để lại thư tuyệt mệnh; trong thư, ngoài địa chỉ liên lạc nạn nhân còn viết cả lý do tự tử và yêu cầu không khám nghiệm tử thi.

Lần theo lá thư mà nạn nhân để lại, công an đã báo cho gia đình nạn nhân. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân cái chết thì gia đình nạn nhân từ chối cung cấp thông tin với lý do “chuyện riêng của gia đình” (?!) Trò chuyện với bác Đoàn Thị Hồng (55 tuổi), người đã bán nước dạo hơn chục năm nay gần hồ Thiền Quang cho biết: “Năm nào hồ này cũng có người chết, từ ngày tôi bán nước ở đây đếm sơ qua cũng thấy hoảng. Có nhiều lý do dẫn đến cái chết lắm, người do sốc thuốc, tự tử, chết đuối, khúc mắc chuyện tình cảm, gia đình… mọi trường hợp éo le đều có ở đây cả. Và cũng có những cái chết dưới hồ mà không tìm ra nguyên nhân”. 

 

Trước đó vào năm 2002, CAP Nguyễn Du đã vớt một xác chết từ lòng hồ Thiền Quang, phía phố Nguyễn Du. Theo xác định nạn  nhân là nam giới, khoảng 40 tuổi, nạn nhân có thể đã chết cách đó 2-3 ngày, nhưng cho đến khi xác nổi lên thì đã bốc mùi tanh. Công tác điều tra được tiến hành nhanh chóng tử thi được xác định là của ông Trần Văn Hợp (SN 1958), đăng ký hộ khẩu tại phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội. Ông Hợp bị mắc bệnh gan giai đoạn cuối, sống độc thân và cư trú tại quận Cầu Giấy cùng một số bạn bè. Tối 14-10-2002, ông Hợp lên cơn đau dữ dội và được vợ chồng người anh trai đưa vào Bệnh viện Đống Đa. Theo các y, bác sỹ, tối 15-10, ông Hợp đã trốn khỏi bệnh viện đi đâu không rõ. Rất có thể mắc bệnh hiểm nghèo và đã tự tìm đến cái chết để giải thoát.

Đáng tiếc nhất có lẽ là cái chết của Phạm Anh Tuấn (SN 1983), diễn viên  trẻ của Đoàn kịch II, Nhà hát Tuổi trẻ vào lúc 0h30’ đêm ngày mùng 2, rạng sáng ngày mùng 3-11-2007. Theo lời các nhân chứng, sau khi uống rượu cùng bạn bè tại Hale Club trên phố Nguyễn Du đến tận khuya, cả nhóm rủ nhau ra hồ Thiền Quang ngồi chơi. Sau đó không hiểu vì lý do gì mà Tuấn lại nhảy xuống hồ trong khi thời tiết rất lạnh. Mọi người cho biết Tuấn là một người bơi rất giỏi, nhưng đến khi Tuấn bơi bị đuối dần,  một vài người nhảy xuống cứu nhưng do đêm tối, trời lại mưa rét, hồ sâu và lạnh nên họ không cứu được. Một đội tìm kiếm xác đã được gia đình Tuấn thuê để vớt thi thể diễn viên. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đến 10h35 phút sáng ngày hôm sau thi thể của Tuấn mới được 3 người làng chài vớt lên tại hồ Thiền Quang. Một bát hương, một manh chiếu và những giọt nước mắt xót xa… Theo kết luận từ phía bệnh viện, phổi của Tuấn không có nước, chứng tỏ không phải chết đuối. Trên người cũng không có vết thâm tím va đập và không trương, không có dấu hiệu sặc nước, chứng tỏ có thể chết do bị cảm lạnh đột ngột. Nơi Tuấn chìm cách bờ khoảng 8m, sâu khoảng 5-6m...

Cá chết trắng và chiếc hộp sọ lạ

Đầu tháng 3-2011, trên mặt hồ Thiền Quang xuất hiện hàng loạt xác cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhiều xác cá chết bị sóng nước đánh bật lên bờ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bác Vũ Mạnh Cường (60 tuổi), sinh sống tại phố Liên Trì cho biết, đợt đầu tháng 3 lượng cá chết trên hồ Thiền Quang bỗng tăng đột biết, ngày nào Đội công nhân môi trường cũng vớt xác cá nhưng không xuể vì vừa vớt hết hôm nay, ngày mai lại thấy xác cá nổi kín đặc các góc hồ. Lượng cá chết vớt lên ước khoảng vài trăm kg. Đến đầu tháng 8-2011 vừa qua, nhiều người dân đi tập thể dục sớm ven hồ Thiền Quang lại một lần nữa ngửi thấy mùi tanh nồng khó chịu khắp nơi. Một lần nữa cá chết nổi trắng mặt hồ. Hiện hồ Thiền Quang có 7 cống thoát nước nhưng chỉ dùng để xả nước thải sinh hoạt vào hồ chứ không hể làm nhiệm vụ thoát nước, vì vậy hồ thường xuyên ứ đọng gây ô nhiễm.

Chuyện cá chết nổi trắng mặt hồ cứ thi thoảng xuất hiện đem theo bao dấu hỏi hoài nghi về hồ, nhưng có lẽ dấu hỏi lớn nhất đối với người dân sinh sống quanh đây có lẽ vẫn là vào khoảng 10h sáng ngày 14-8-2009, khi bà Dương Thị Vân (SN 1955), nhà ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, là một người bán hàng nước dạo ven hồ đang dọn vệ sinh khu vực bán hàng của mình đã phát hiện một bọc ni-lon màu đen. Bà Vân đã kêu toáng khi phát hiện trong đó có một vật như chiếc đầu lâu người đã khô. Công an đã thu hộp sọ để giám định. Theo nhận định ban đầu, hộp sọ phát hiện tại hồ Thiền Quang là hộp sọ người. Mặt ngoài của hộp sọ có nhiều đất cát bám đã ngả màu vàng; xương hàm trên chỉ còn hốc chân răng, hộp sọ không có dấu vết thương tích… chứng tỏ họp sọ này của người đã chết nhiều năm.

Bí ẩn từ quá khứ

Hồ Thiền Quang vốn là một vùng đầm lầy trồng sen, ban đầu được đặt tên là Liên Thủy. Trước đây hồ lan rộng tới các phố Trần Quốc Toản, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Yết Kiêu... và có đoạn ăn thông với hồ Bảy Mẫu. Những năm 1920-1925, hồ bị lấp dần để làm phố, nên chỉ còn hình dạng như ngày nay. Thiền Quang có nghĩa là ánh sáng, hào quang của sự tĩnh tâm, thuần khiết của đạo Phật được soi rọi vào chính nơi đây. Vì thế có thể nói đây là một vùng đất thiêng của khí trời.

Theo lời kể của các người dân thì đa số những người đến đây tự tử đều nhảy xuống chỗ đối diện phố Liên Trì nằm trên đường Nguyễn Du. Theo quan sát của chúng tôi nơi đó không có gì đặc biệt ngoài 3 cây cổ thụ mọc song song nhưng chệnh ra ngoài khuôn viên và ngả ra mặt hồ. Tuy nhiên theo những người sống lâu năm quanh đây cho biết, cũng đã có nhiều lời đồn thổi, bán tín bán nghi theo kiểu truyền miệng lại rằng trước đây có một ngôi chùa của làng Liên Thủy đã bị phá nay nằm trên phố Nguyễn Du, ngôi chùa đó nhìn ra “điểm chết” của hồ. Một điều nữa mà người dân nơi đây băn khoăn đó là không hiểu tại sao các xác chết lại cứ dạt vào phía bờ của đường Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Văn Hải, (83 tuổi), ở phố Lê Duẩn, chiều nào cụ cũng ra đánh cờ ven hồ cho biết: “Hồ được thiết kế theo kiểu lòng chảo, được xây dựng theo kiểu bậc thang tức là cứ thấp dần. Các bậc thang này được làm bằng đá nên khi lội xuống đó thì trơn, rất dễ trượt chân trôi ra giữa hồ”.

Các nạn nhân chết tại đây phần lớn đều rơi vào mùa hè hoặc mùa đông. Với khí hậu của miền Bắc nước ta mùa hè chịu tác động nhiệt đới gió mùa Tây Nam nên hướng gió sẽ thổi về phía đường Quang Trung. Còn mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên hướng gió sẽ thổi về phố Trần Bình Trọng. Thông thường các vật trên ao hồ sẽ dạt vào bờ theo hướng gió, nhưng lạ kỳ thay các xác chết đều không tuân theo quy luật tự nhiên. Điều lạ kỳ nữa đó là trong số rất nhiều người chết đuối dưới hồ thì chưa bao giờ phát hiện được xác phía bờ phố Trần Bình Trọng nơi mà có 3 ngôi chùa là Thiền Quang, Quang Hoa và Pháp Hoa trấn giữ.

Bà Nguyễn Thị Hậu, bán hàng bên phố Trần Nhân Tông khi được hỏi chuyện thì cho rằng đất chỗ này thiêng lắm vì là nơi cửa Phật. Bà cho biết thêm, dưới đáy hồ này có rất nhiều bát hương do các gia đình thả xuống. Năm ngoái cũng có gia đình đến đây lập đàn cầu siêu cho con, họ sắm lễ to lắm vàng mã đốt khói nghi ngút”… Không biết nơi đây có phải là điểm giao hòa hay huyệt phong thủy nào không nhưng số người chết tại hồ Thiền Quang vẫn cứ xảy ra. Thời gian qua đi, bí ẩn từ quá khứ quện hòa với những số phận đã lìa xa trần thế, rồi những câu chuyện kỳ ảo của những người đang sống đã tạo nên những câu chuyện lỳ kỳ mà chưa một ai có thể thể lý giải một cách thỏa đáng (?!) 

Rời hồ Thiền Quang tới khúc sông Hồng, đoạn chảy qua đình Chèm, xưa nay nổi tiếng là địa điểm tĩnh lặng để vãn cảnh đình, ngắm cảnh sông. Tuy nhiên, đây cũng là một nơi đã chứng kiến biết bao những cái chết thương tâm, dâng mình cho hà bá! Không ít những câu hỏi hoài nghi, thắc mắc rằng, tại sao nơi đây xảy ra nhiều cái chết như vậy? “Đình Chèm: Vùng đất thiêng…” sẽ được ANTĐ Cuối tuần đề cập tới ở kỳ sau.