Hồ Núi Cốc: Bến tầu triệu đô đang “mắc cạn”

ANTĐ - Được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Dự án “Bến tàu du lịch Hồ Núi Cốc” có tổng vốn 82 tỉ đồng (gần 4 triệu USD). Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, cần đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đánh thức tiềm năng du lịch và tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, Dự án vẫn ì ạch “bơi” bởi mắc ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Tiền tỷ phơi nắng, phơi sương

Hồ Núi Cốc: Bến tầu triệu đô đang “mắc cạn” ảnh 1
Những "nàng thiên nga" xếp hàng phơi nắng

Trước cảnh hàng chục chiếc xuồng cao tốc và đàn thiên nga có giá trị hàng tỉ đồng, đang “nằm” phơi nắng trên một bãi đất rộng và chưa biết bao giờ mới được hạ thủy xuống mặt hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Tại hiện trường, xung quanh khu vực bãi đất trống vẫn ngổn ngang cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng nằm chất chồng, chất đống. Qua tìm hiểu, người dân địa phương cho biết, đây là dự án khu vực “Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc”, phục vụ Festival trà Thái Nguyên nằm trên địa giới hành chính huyện Đại Từ, được UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng làm chủ đầu tư.

Thế nhưng, đến thời điểm này, dự án vẫn bị “tắc” ở khâu GPMB chưa được dứt điểm. Theo báo cáo của UBND huyện Đại Từ thì đã có một số phát sinh do người dân chưa nắm được hết về các thủ tục GPMB nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình hỗ trợ, bồi thường GPMB để phục vụ cho các hoạt động diễn ra tại Festival trà vừa qua.

Xót xa nhìn những chiếc xuồng cao tốc "vật vã" chờ ngày hạ thủy

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại biên bản họp giữa các ban ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên khẳng định, đối với các hộ gia đình có công trình xây dựng trên đất nằm trong khu vực giải tỏa có trong cơ chế hỗ trợ thì được hỗ trợ công tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trên đất theo quy định của tỉnh là 25% giá trị bồi thường về tài sản và sẽ được hỗ trợ 1 suất đất tái định cư.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng kiên quyết, không chấp nhận các hợp đồng giao khoán đất trồng cây bất hợp pháp giữa các tổ chức cá nhân. Các công trình xây dựng trên đất không được cấp có thẩm quyền cho phép thì cũng không được hỗ trợ, bồi thường.

“Vu vạ” DN phá nhà dân?

Xem đây là dự án trọng điểm của tỉnh, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án “Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc”, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã đứng ra thực hiện công tác GPMB đối với khu vực đồi Fao. Điều đó đã được thể hiện qua rất nhiều các công văn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa thuận tình, hợp tác, tạo điều kiện cho chủ trương này. Đơn cử, như trường hợp ông Triệu Văn Hồng trú tại xóm Tân Lập, (xã Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên).

Khi cơ quan chức năng thực hiện việc GPMB, bất ngờ “vu” cho doanh nghiệp là đơn vị đã tổ chức phá dỡ nhà của ông tại khu vực đồi FAO thuộc xã Tân Thái (huyện Đại Từ).

Trả lời vấn đề này, đại diện doanh nghiệp Anh Thắng cho biết: “Dự án “Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc” là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy, việc GPMB là do các cơ quan chức năng của tỉnh trực tiếp đứng ra thu hồi đất và thực hiện công tác GPMB. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi chỉ thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ người dân kinh phí theo quy định của Nhà nước. Do đó, việc ông Hồng “đổ vấy” cho doanh nghiệp chúng tôi cưỡng chế nhà ông là không đúng sự thật! Ông Hồng cũng là một cán bộ, là một đảng viên nhưng không hiểu vì lí do gì mà ông lại có những hành động không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, gây hoang mang trong nhân dân và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng tiến hành GPMB. Vì những lí do trên chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên làm rõ”.

Còn theo tìm hiểu của phóng viên, đối với diện tích đồi Fao, trước đó ngày 16/9/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết thu hồi hơn 15.367m2 đất do Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên đang quản lí để giao cho UBND huyện Đại Từ quản lí. Số tài sản và công trình xây dựng trên diện tích đất đồi Fao của gia đình ông Triệu Văn Hồng đã được UBND huyện Đại Từ gửi công văn yêu cầu tự tháo dỡ. Nhưng gia đình ông Hồng đã không chấp hành theo quyết định. Do vậy, để đảm bảo tiến độ của dự án phục vụ Festival trà Quốc tế, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành cưỡng chế đối với diện tích đất đồi Fao và toàn bộ tài sản trên đất của ông Hồng vẫn được các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ theo đúng quy định.