Hộ kinh doanh không muốn... lớn

ANTD.VN - Hiện nay, cả nước mới có khoảng trên 500.000 doanh nghiệp, mỗi năm có tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc giải thể. Trong khi đó, số hộ kinh doanh lên đến gần 5 triệu, rất nhiều trong số này có quy mô hoạt động, doanh thu lớn nhưng vẫn “ngại” “nâng cấp” lên thành doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh không muốn... lớn ảnh 1

Nhiều hộ kinh doanh cá thể doanh thu lớn nhưng vẫn không muốn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp

Khuyến khích thành lập doanh nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, cả nước có tổng cộng khoảng 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể với số lượng lao động gần 8 triệu người, chiếm 41,15% lực lượng lao động toàn xã hội. Khu vực kinh tế này cũng có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP (xấp xỉ 33%). 

Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cá thể cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tư cách pháp nhân, không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng... Góp ý cho dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều ý kiến không đồng tình việc đưa các hộ kinh doanh cá thể vào diện đối tượng được hỗ trợ, do số lượng quá lớn nên không khả thi.

Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đều đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Chính vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố coi các hộ kinh doanh cá thể là nguồn quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. 

Tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã có Công văn số 33020/CT-HTr đôn đốc các hộ kinh doanh lớn (sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên) và các hộ kinh doanh nhỏ hơn trên địa bàn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp, Cục Thuế Hà Nội đã và sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư  Hà Nội thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong công tác cấp mã số doanh nghiệp.

Bên cạnh mục đích hỗ trợ người dân trong sản xuất kinh doanh thì Cục Thuế Hà Nội còn triển khai vận động nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý đối với nhóm đối tượng nộp thuế này ngày càng khoa học, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Vì sao ngại lên doanh nghiệp?

Đến thời điểm này, số hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp còn quá ít. Bởi ngoài quy mô, trình độ, năng lực điều hành còn hạn chế, đa phần các hộ kinh doanh đều ngại chuyển đổi do không muốn đầu tư cho khâu sổ sách, kế toán.

Khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, các hộ này sẽ phải thực hiện việc khai thuế (chuyển từ khoán sang tự khai), cũng như phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị, hồ sơ kế toán do đó sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí.

Việc sẽ bị ràng buộc nhiều hơn từ các cơ quan quản lý cũng là lý do khiến các hộ kinh doanh này ngại chuyển đổi. Theo luật sư Tô Thị Hòa (Công ty luật Minh Khuê), khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn về các vấn đề liên quan đến người lao động, thuế, bảo hiểm xã hội.

“Thật ra, hộ kinh doanh cũng phải thực hiện những nghĩa vụ đó, nhưng việc kiểm soát không chặt chẽ như đối với doanh nghiệp. Thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh cá thể sử dụng nhiều lao động nhưng họ không đóng bảo hiểm xã hội và gần như cũng không có cơ quan nào kiểm tra”, luật sư Tô Thị Hòa nêu rõ. 

Theo các chuyên gia, chuyển sang mô hình doanh nghiệp sẽ giúp các hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy được tiềm năng, lợi thế để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, qua đó phát triển bền vững. Đặc biệt tới đây, khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước.

Vì vậy, để chủ trương này đi vào đời sống, trước tiên, phải tháo gỡ mọi rào cản về pháp lý, chính sách liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp cho người dân.