Hồ Kiểng và những con số… kỷ lục

ANTĐ - Vài năm trước trước tôi hẹn gặp ông. “Alô, tao nghe đây, mày cứ vô nhà chờ, tao về liền” - Hồ Kiểng nói oang oang trong điện thoại, giọng như tuổi tráng niên. “Nhà” của Hồ Kiểng lúc ấy là căn phòng xập xệ vốn là chỗ để máy phát điện dùng khi bị cúp điện cho chung cư của Đài Truyền hình TP.HCM trên đường Cao Thắng, quận 3. Không cửa nẻo, gia sản của người nghệ sĩ, kỷ lục gia này là một cái quạt cũ kỹ ở đầu giường ngủ, một bộ quân phục treo trên mắc áo, những bằng khen, bằng chứng nhận kỷ lục gia và ảnh cá nhân treo và đặt trên vách, một cái sàn gỗ chắn phía trên giường nằm như một tấm la phông, bề bộn đủ thứ đồ tạp nham. Ông thì vẫn thế, hóm hỉnh, hài hước với đôi kính không tròng, dù cái lưng còng gập…

Kỷ lục của Hồ Kiểng 

Hồ Kiểng dí dỏm khái quát những con số ấn tượng của đời mình: 83 tuổi đời, 60 tuổi Đảng, tham gia đóng 185 bộ phim, 304 vở kịch, 22 tuồng cải lương, 16 vở múa rối, vẽ 6 phim hoạt hình, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài; làm 664 bài thơ, 2 bản thảo thơ gồm 185 bài diễn tả tâm trạng của 185 nhân vật trong phim do chính ông thủ vai, viết bài vè về 100 loại bánh, 100 loài hoa, 100 con đường…

Nhưng hình như vẫn chưa hết “số”, người nghệ sĩ già này đang mang trong người 2 quả tim, 3 lần chết hụt, 3 lần cưới vợ, và… không nhà. Hồ Kiểng phải sử dụng tim nhân tạo. Tháng 12-2004, ông cảm thấy mệt mỏi, hai chân sưng lên đi khám thì bác sĩ cho biết máu không chảy lên não mà dồn xuống chân gây phù và cho thuốc về uống. Những ngày sau đó mệt mỏi càng tăng, ông không ăn uống được, chỉ năm ngày mà sút 5kg, liền nhập viện Nguyễn Trãi. Bác sĩ khám thấy nhịp tim chỉ còn 41, chậm hai ngày nữa thôi là nhịp tim chỉ còn 35, khó cứu kịp. Bác sĩ chỉ định, phải lắp máy trợ tim, chi phí khoảng 25 triệu đồng. Cám cảnh nghệ sĩ - kỷ lục gia không tiền, bác sĩ đã hướng dẫn cho người nhà Hồ Kiểng làm đơn xin và được Hội Chữ thập đỏ quốc tế tặng máy trợ tim. 6 năm sau, năm 2010, đã đến lúc phải thay máy trợ tim mới trị giá trọn gói 50 triệu đồng, nhưng ông cũng… không có tiền. May mà chương trình Một điều ước (phát sóng vào chiều thứ bảy hàng tuần trên VTV3) kịp thời giúp đỡ cho 25 triệu đồng, gia đình NSƯT Lý Huỳnh huy động thêm 25 triệu đồng nữa.

Chuyện tai nạn nghề nghiệp của Hồ Kiểng thì khó mà kể hết. Hồi năm 1966 đóng phim “Rừng xà nu” ở Cao Bằng, Hồ Kiểng bị ngựa đá, hất ngã làm gãy xương sống tưởng chết. Tỉnh dậy trong Bệnh viện Cao Bằng, ông làm thơ rằng,“Đóng phim miền Bắc ở Cao Bằng/ Ngựa đá 3 lần, xương sống băng/Nghệ sĩ liệt giường nhưng chẳng chết/Rừng xà nu vẫn đẹp đêm trăng”.  Trong phim “Đêm săn tiền”, Hồ Kiểng vào vai lão bắt rắn, bị con rắn hổ bỏ đói mấy ngày cắn cho một phát, ngỡ đã chầu Diêm vương. 3 ngày sau, khi hồi tỉnh, ông có thơ kỷ niệm rằng. “Miền Nam trên xa lộ Biên Hoà/Bắt rắn đóng phim tưởng hoá ma/Nọc độc thấm vào tim nghệ sĩ/Đêm săn tiền hoá bản tình ca”.

Năm ấy Hồ Kiểng 63 tuổi. Rồi trong phim “Cảnh sát hình sự”, ông đóng vai già dê say rượu ôm hôn cô chủ quán, bị bồ của cô ấy (do Đơn Dương thủ vai) bóp cổ tống vào tường làm chấn thương sọ não, mê man bất tỉnh 3 ngày. Gia đình đã chuẩn bị hậu sự, nhưng rồi ông… tỉnh dậy, lại có thơ, “Tuổi già nhậu xỉn còn dê/Ôm hôn chủ quán cho mê mẩn đời/Thằng bồ nó đánh kêu trời/Ghế bàn ngã đổ, tơi bời xác thân”…Trước đây Hồ Kiểng từng bị thương nhiều lần, bác sĩ không cho làm việc nặng. Nhưng trong vở kịch “Xâm lược”, ông đóng vai bác sĩ Talanov phải ẵm trên tay hai cô gái bị phát xít Đức hãm hiếp đến chết (lúc ấy ông chỉ nặng hơn 40kg). Mỗi đêm diễn xong là nằm liệt giường, vậy mà ông diễn liên tục 11 đêm ở rạp Đống Đa (Hà Nội), quả là chuyện không tưởng…

Dừng cuộc chơi tưởng chừng bất tận

Chuyện hôn nhân thì Hồ Kiểng đúng là lận đận. Ba lần cưới vợ, mỗi bà ở mỗi miền, để rồi cuối cùng chỉ còn… ta với ta. Mối tình đầu của ông cũng giống như… phim. Năm 1966, lúc bị ngã ngựa gãy xương sống, phải đưa vào Bệnh viện Cao Bằng, đoàn làm phim phải thay diễn viên rồi gửi Hồ Kiểng lại cho địa phương điều trị và khẩn trương lên đường. Tám tháng liền, bệnh nhân được một chị hộ lý người Tày tận tình chăm sóc. Vết thương không lành, xưởng phim lại phải đưa Hồ Kiểng về điều trị 13 tháng nữa ở bệnh viện Bạch Mai rồi cuối cùng phải đưa sang Liên Xô thay cột sống giả. Trở về nước, ân tình sâu đậm của mẹ con người hộ lý làm Hồ Kiểng quá xúc động. Anh viết một lá thư dài đến 7 trang để cảm tạ. Mấy ngày sau, chị hộ lý dẫn theo cô con gái lúc này đã 19 tuổi về Hà Nội gặp anh.

Thì ra bà mẹ đọc thư lại hiểu là Hồ Kiểng muốn xin cô con gái làm vợ nên chị dắt theo... giao luôn. Hồ Kiểng không thể chối từ, phải thuê nhà ngoài phố cho Mai Khanh ở. Bốn tháng sau, người mẹ trở lại thì phát hiện con đã có… bầu. Theo phong tục người Tày là trai gái yêu nhau đến lúc có thai mới được làm đám cưới tại quê cô dâu và chú rể ở rể luôn tại đó. Mẹ cô dâu yêu cầu về Cao Bằng làm lễ cưới, Hồ Kiểng phải nhỏ to thuyết phục. Đến lúc người mẹ thuận cho tổ chức cưới tại Hà Nội thì ông bố ra quyết định, “nếu cưới ở dưới đó sẽ vác dao xuống chém…”. Đam mê nghệ thuật, Hồ Kiểng cố thuyết phục cho Mai Khanh ở lại Hà Nội. Cuối cùng bà mẹ đồng ý, nhưng… đem con trở lại Cao Bằng rồi sau đó gả cho một người Tày làm nghề lái xe. Hồ Kiểng vô cùng đau xót.

Khi được hỏi những vai diễn nào ông tâm đắc nhất? Hồ Kiểng đáp: “Tôi rất hạnh phúc khi ba bộ phim tôi tham gia là “Lửa trung tuyến”, “Người mẹ cầm súng” và “Đâu có giặc là ta cứ đi” khi công chiếu đều vinh dự được Bác Hồ đến xem và Người đánh giá cao vai diễn của tôi. Mọi người hay gọi Hồ Kiểng là “ông già ăn cá” vì trong phim “Những nẻo đường phù sa” ông ăn nguyên cá sống còn dính bùn. Trong “Cát bụi hè đường”, Hồ Kiểng và Kim Hiền vào vai ông cháu người ăn xin diễn thật đến nỗi được bà con qua đường cho được 262.000 đồng và một anh xích lô cho 2 cái bánh mì… Có thể nói đó là những vai diễn nhớ đời của ông. Tôi hỏi rằng, có những diễn viên xuất sắc nhưng không thành “sao”? như trường hợp của Hồ Kiểng vẫn chưa được chọn đóng vai chính trong bộ phim nào, ông có buồn vì điều này? Ông cười rằng trước thì có, bây giờ thì không. “Tôi vốn lùn lại xấu trai nên thường chỉ được chọn vào những vai “xù xì” như bợm nhậu, già dê, gián điệp, ăn mày… Đóng vai phản diện dễ hơn, từ ánh mắt tới thái độ phải thể hiện sự giả dối, mưu mô… Còn với những vai chính diện, nhân vật được khắc họa đa dạng nên phải tìm tòi nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn thích những vai chính diện vì nó gần gũi với tôi, hợp với tôi” – Hồ Kiểng tâm sự.  Đúng ra thì vai diễn thứ 185 có thể coi là vai chính đầu tiên vào tuổi 82 của ông. Tháng 7-2007, ông được Đài truyền hình Bình Dương mời tham gia bộ phim “Nấm mộ mồ côi” của đạo diễn Hùng Linh, vào vai một ông lão cô đơn cưu mang một đứa trẻ vô thừa nhận, cả hai nương tựa nhau sống trong nghĩa địa… 

Hỏi rằng ngoài 80 tuổi mà vẫn khoẻ mạnh, sung sức, Hồ Kiểng có bí quyết gì chăng? Ông cười, “Lạc quan, lạc quan và lạc quan. Yêu đời, yêu người, yêu nghệ thuật hết mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. 

Hồ Kiểng và những con số… kỷ lục ảnh 2

Năm 1992, Hồ Kiểng được bình chọn là “Diễn viên đa tài đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện”. Năm 2006, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận Hồ Kiểng là “Nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ trong nhiều bộ phim nhất Việt Nam”. Được phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997. Năm 2006, Hội đồng xét duyệt Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM bình chọn là một trong 5 nghệ sĩ đạt chuẩn Nghệ sĩ Nhân dân. Hồ Kiểng đã ghi dấu ấn của mình với những vai phản diện đầy ấn tượng trong rất nhiều bộ phim như  tên đồn trưởng ác ôn trong “Rừng xà nu”, tên chỉ điểm Ba Phi trong “Hòn Đất”, tên gián điệp G5 trong “Ván bài lật ngửa”… hay những vai phụ như lão Ba Ngù say xỉn nhưng nhân hậu trong “Đất phương Nam”, vai ông nông dân nghèo bị địa chủ lừa cưỡng hiếp con gái trong “Người đẹp Tây Đô”, vai ông lão bắt trộm cá bị địa chủ bắt ăn cá sống trong “Những nẻo đường phù sa”.