Hờ hững với “doping kinh tế”

ANTĐ - Không khỏi bất ngờ khi các ngân hàng trung ương hàng đầu của thế giới, vốn được xem là “vị cứu tinh” của nền kinh tế toàn cầu thời khủng hoảng, bỗng tỏ ra muốn thu hẹp vai trò tháo gỡ khó khăn khi mà cuộc khủng hoảng nợ công và tài chính vẫn còn đè nặng khắp nơi.

Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB muốn thu hẹp vai trò tháo gỡ khủng hoảng

Tờ “Bưu điện quốc gia” tại Canada số ra ngày 6-8 dẫn lời giới chuyên gia tài chính quốc tế nhận định rằng các ngân hàng trung ương không còn là những “vị cứu tinh” cho nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, thay vào đó họ đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chính phủ khác. Và điều này khiến không ít người phải đặt câu hỏi về vai trò của các ngân hàng trung ương trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn khá mong manh sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua và “cơn bão” nợ công đang hoành hành khắp châu Âu.

Sở dĩ giới chuyên gia tài chính thế giới đi tới nhận định trên là do các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE)... mới đây tỏ ra hờ hững với các gói kích thích kinh tế mới. Trong khi đó, đây được xem là những “liều doping” cần thiết khi mà các nền kinh tế như Mỹ và châu Âu đều đang phục hồi yếu ớt hoặc đang vật lộn đối phó với khủng hoảng.

Ấy vậy mà trong cuộc họp ngày 1-8 vừa qua, FED đã không hề đả động gì tới việc đưa ra gói kích cầu mới để vực dậy nền kinh tế đang yếu kém của Mỹ cho dù vẫn nhận định rằng nền kinh tế nước này đang tiếp tục trì trệ. BoE ngày 2-8 vừa qua cũng chỉ quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% từ hơn 3 năm qua nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế vẫn đang chìm sâu vào suy thoái kép song không áp dụng thêm biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nào.

Động thái mới của những ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu khác hẳn với cách hành xử trước đây của chính họ. Cách đây không lâu, cả FED hay ECB, BoE... đều luôn cho rằng bơm tiền hay tung ra các gói kích thích kinh tế hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD, là biện pháp thích hợp nhất để chống chọi với khủng hoảng, vực dậy nền kinh tế ốm yếu.

Giải thích cho việc muốn thu hẹp vai trò trong việc giải quyết khủng hoảng, các ngân hàng trung ương cho rằng họ muốn giữ sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách và bản thân các công cụ chính sách của họ ngày càng ít hiệu quả. Chủ tịch ECB Mario Draghi nhấn mạnh, các ngân hàng trung ương “không thể thay thế các chính phủ”. 

Từ khi khủng hoảng kinh tế bùng phát cách đây 4 năm, các ngân hàng trung ương như FED đã tung ra các gói kích thích kinh tế và cứu trợ tổng trị giá 2.300 tỷ USD, ECB cũng đã bơm hơn 489 tỷ euro cho các ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)... song hiệu quả đều không được như mong muốn. Kinh tế Mỹ vẫn phục hồi mong manh trong khi khủng hoảng tiếp tục hoành hành tại Eurozone.

Theo các ngân hàng trung ương, trách nhiệm chính giờ đây thuộc về các nhà hoạch định chính sách khác và giới lãnh đạo chính trị - những người có những công cụ để giải quyết vấn đề cơ bản của tăng trưởng quá thấp, nợ quá nhiều cũng như tình trạng vốn tư nhân được đổ quá ít vào đầu tư và các hoạt động sản xuất khác. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết những vấn đề về sức cạnh tranh, cải cách tài chính, tái trang bị và tái đào tạo lực lượng lao động.