Hồ Gươm - “Những điều trông thấy...”

ANTĐ - Bờ Hồ xanh, sạch, đẹp - với Tháp Rùa “rêu phong cổ kính”, niềm tự hào, biểu tượng văn hóa lâu đời của người Hà Nội. Nhưng dạo một vòng quanh hồ Gươm, nói như thi hào Nguyễn Du, còn nguyên đó “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Hồ Gươm đẹp thêm lên từ những việc nhỏ hàng ngày

(Trong ảnh: Các em học sinh thu nhặt rác bên hồ)

1-A di đà... bịp

Chiều thu đẹp, các cụ cao niên đang ngồi bên Bờ Hồ… Một nhà sư chừng 40 tuổi, cao to, nước da nâu bóng, mặc bộ áo cà sa màu ghi xuất hiện trước mặt các cụ:

- A-di-đà-phật. Nhà sư chắp tay chào, rồi lấy trong chiếc tay nải đeo trên vai  5 gói BIM BIM tán lộc cho 5 cụ, mỗi cụ 1 gói. Các cụ lịch lãm đáp:

- A-di-đà-phật, cám ơn nhà chùa. 

Nhưng nhà sư vẫn chắp tay đứng án ngữ trước mặt các cụ, miệng tụng kinh, nét mặt vô hồn.

Các cụ lúng túng, chẳng hiểu sao. Một cụ bà đi ngang qua, có vẻ thông thạo, ghé tai một cụ nói nhỏ.

- Nhà sư “rởm” vòi tiền. Các ông cho ông ta cho xong đi.

Các cụ đành móc túi, mỗi người 5 nghìn đồng đưa cho “nhà sư”. Ông ta nhận tiền bỏ vào túi, chủ động kỳ kèo:

- Xin các đệ tử mỗi người 5 nghìn nữa mới hòa vốn.

- A-di-đà… bịp. Các cụ đồng thanh nói thẳng vào mặt kẻ đội lốt cà sa.

2. Những gánh hàng rong

Cứ vào khoảng 5-6h chiều, quanh vòi phun nước ngã năm hàng Đào, năm bảy cô “thôn nữ” đứng túm tụm, trên vai là gánh hàng toòng teng vài nải chuối chín, dăm quả đu đủ hoặc những bó hoa không còn tươi nữa. Họ không bán hàng mà tranh nhau chèo kéo khách “Tây” mượn quang gánh của họ làm đạo cụ tạo dáng, chụp hình kỷ niệm. Cứ mỗi vị khách mượn quang gánh của họ, chụp một kiểu ảnh, họ đòi 50 nghìn đồng/lượt. Các vị khách phương xa, bất đồng ngôn ngữ cũng biết bị lừa, nhưng đã chót thì phải… chi. 

3. Nụ hôn không đúng chỗ

Sau giờ học, từng tốp học sinh ra các thảm cỏ quanh hồ Gươm tâm tình. Họ khoác vai nhau âu yếm và... hôn hít bất chấp xung quanh còn biết bao nhiêu người. Một bà già nhẹ nhàng nhắc họ: 

- Các cháu ơi đây là công viên hồ Gươm, nhiều người qua lại. Các cháu phải có ý tứ chứ.

- Bà khốt! Đồ âm lịch “xưa kia ai cấm duyên bà”. 

4. Trước và sau tượng Lý Công Uẩn

Khoảng sân phía trước tượng biến thành “bãi” tập pa-tin lý tưởng cho nhóm bạn trẻ thỏa sức tung hoành. Nhìn chúng trượt , lượn, nhảy, quay vòng mà sợ va vào người xem.

Sau lưng tượng, quanh nhà kèn là sân đá bóng. Người lớn trẻ con cứ  trần như nhộng lao theo trái bóng tròn hò hét, văng tục, đá , sút. Nhiều khách du lịch “lĩnh đủ” hình quả túc cầu in dấu vào quần áo và nếu không nhanh mắt còn “xơi” gọn trái bóng vào mặt.