Họ đã từng là những người dưới đáy của xã hội

ANTĐ - Ngôi nhà số 16 Đê Tô Hoàng (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) là nơi mà những người nghiện ma túy, hành nghề mại dâm, thậm chí người nhiễm HIV được trở về như ngôi nhà của chính mình. Từ đây, không ít người trong số họ đã bước qua được những mặc cảm, tự ti, thoát khỏi tệ nạn và trở về cuộc sống bình thường. Những người may mắn bước ra từ bóng tối của sự sa ngã đã đưa bàn tay để níu lấy những số phận chấp chới trong tuyệt vọng  bằng chính sự cảm thông, yêu thương của những “người trong cuộc”.
Họ đã từng là những người dưới đáy của xã hội ảnh 1

Những người bước ra từ bóng tối

Chị Phạm Thị Minh (SN 1977) là một trong những người đầu tiên sáng lập và hiện là chủ nhiệm Liên minh câu lạc bộ Về nhà. Chị cũng như toàn bộ hơn hai chục thành viên nòng cốt của Liên minh đều từng là những người sử dụng ma túy hoặc hành nghề mại dâm, đã từng sống cuộc sống mà người ta gọi là cặn bã của xã hội. Câu chuyện về Liên minh Về nhà, chúng tôi sẽ nói ở phần sau, nhưng trước tiên chúng tôi muốn nói về họ, những người đã bước ra từ bóng tối và với chính những trải nghiệm của mình họ càng thấu hiểu, yêu thương những người cùng cảnh ngộ hơn.

Chị Minh hiện tại đã có một mái ấm hạnh phúc với đứa con trai gần 4 tuổi, cuộc sống có thể gọi là hạnh phúc, nhưng không lúc nào chị quên những ký ức về những ngày tối tăm chìm ngập trong ma túy. Hồi ấy, Minh là con gái út, cha mất sớm khi chị mới hơn 1 tuổi. Tuổi trẻ đua đòi, chị bỏ học từ những năm tiểu học, chơi bời, đàn đúm bạn bè và khi vừa bước vào tuổi 18 thì chị bập vào ma túy. Hồi ấy, nơi chị ở, ma túy bày bán công khai, đám thanh niên nam nữ cứ đến tuổi trưởng thành, phải chơi ma túy mới gọi là sành điệu. Chị Minh chỉ nhớ mình nghiện ma túy 11 năm thì mới cai được, còn số lần cai nghiện thì không nhớ nổi, có lẽ lên đến 50-60 lần. Khi thì mua thuốc về nhà tự cai, khi thì bị bắt đi trung tâm cai nghiện bắt buộc, khi thì đi các cơ sở cai nghiện tự nguyện, có lúc đi cai tập trung tận Quảng Trị, có lúc phải vào tù… nhưng cứ cai xong lại nghiện, nghiện rồi lại cai. Không có thuốc thì phải chịu chứ cứ ra khỏi trại là lại tìm cách kiếm tiền mua thuốc chơi.

“Lúc đó, mình sợ nhất là bị bắt đi trung tâm cai nghiện, vì vậy mặc dù gia đình không ruồng bỏ nhưng mình không dám ở nhà vì nhỡ lại bị bắt đi cai. Thế là cứ sống lang thang đầu đường xó chợ, đêm hôm mưa gió cũng không dám về nhà, mấy lần tưởng chết ở ngoài đường” - chị kể. Có những đêm đói thuốc, lang thang ngoài đường không trộm cắp được gì, trong túi không có một xu, trời thì đổ mưa phải trú vội vào những hiên nhà cao tầng, chó sủa ầm ĩ, chị phải chạy từ nhà nọ sang nhà kia, người ướt như chuột lột, có lúc lên cơn sốt tưởng chết. Rồi những lần sốc thuốc, chích vào thì tự nhiên người lả đi, lúc ấy nghĩ chắc mình chết rồi, nhưng thế nào mấy tiếng sau lại tỉnh dậy được.  Những ký ức đau đớn đến bây giờ vẫn như một vết sẹo trong cuộc đời chị khó có thể làm mờ đi được.

Để có tiền phục vụ cho những cơn nghiện của mình, mới đầu chị phải xin mẹ, xin các anh chị, rồi đem của cải trong nhà đi bán, hết rồi thì sinh ra lừa lọc, trộm cắp. “Gặp ai mình cũng phải nghĩ cách xin, vay tiền. Hồi đó nhà mình làm quán ăn, có khoảng chục người thợ thì mỗi người ít nhất cũng bị mình lừa 1 chiếc xe đạp, sau đấy mẹ lại phải mang tiền đi chuộc trả họ. Mới đầu gia đình xấu hổ, giấu việc con gái nghiện ngập, nhưng sau gặp ai mình cũng xin, cũng lừa nên mọi người đều biết và không dám cho vay. Ngày ấy, chị gái mình bán hàng trên chợ Hàng Da, mỗi lần hết tiền lại lên xin, xin mãi rồi chị không cho thì cứ lên cửa hàng ngồi, ngồi từ sáng đến chiều, khách nhìn thấy bộ dạng con nghiện gầy quắt queo, da xanh tái thì không ai dám bén mảng đến cửa hàng nên chị gái đành phải cho tiền để đi” -chị Minh nhớ lại. Trong một lần trộm cắp, Minh bị công an bắt và phải vào tù, nhưng ra tù được vài hôm, chị lại tìm đến ma túy.

Cứ thế cuộc sống triền miên hút chích, trộm cắp, đi cai rồi lại hút chích. Chị Minh bảo rằng hồi ấy gia đình bắt đi cai hoặc bị đưa đi cai nghiện bắt buộc chứ chưa bao giờ có ý định sẽ cai ma túy. 

Cùng hoàn cảnh với chị Minh, chị Nguyễn Ngọc Khánh hiện đang là trưởng nhóm Nơi bình yên, dành cho những phụ nữ bán dâm của Liên minh Về nhà cũng bập vào ma túy khi vừa bước vào tuổi 18. Chị cũng lấy chồng, sinh con, nhưng rồi sức hút của ma túy đã lôi kéo chị bỏ lại chồng con để đi tìm làn khói trắng. “Ngày nào mở mắt ra cũng phải nghĩ làm sao kiếm được dăm ba trăm để mua ma túy, có tiền thì lại tìm chỗ mua thuốc, mua xong lại tìm chỗ hút chích, hút chích xong lại phải nghĩ cách kiếm tiền. Cứ thế cuộc sống vạ vật trôi đi, cũng có những người tốt muốn giúp chị cai nghiện nhưng cuối cùng đều không thành công. Không có tiền hút chích, hết trộm cắp chị lại phải vào các nhà hàng làm nghề bán dâm hoặc cặp bồ để có tiền mua ma túy. Chị chỉ nhớ mình đã 7 lần phải đi Trung tâm cai nghiện số 2 ở Ba Vì, Hà Nội, còn số lần cai ở nhà, ở các cơ sở tư nhân thì không nhớ nổi.

Khóc cười cùng những người lạc lối

Chị Minh và chị Khánh, cũng như tất cả các thành viên nòng cốt của Liên minh Về nhà đều không nghĩ có ngày mình sẽ cai được nghiện. Chị Minh kể rằng, lần cuối lên Trung tâm cai nghiện, trước lúc trở về chị còn dặn các bạn trong trung tâm nhớ giữ nguyên đồ nội vụ và đồ dùng của mình để nếu bị bắt lên tiếp thì đỡ phải mua mới. Ấy vậy mà chị không ngờ lần ấy mình lại cai được. Các chị bảo, nếu không gặp những người cùng cảnh ngộ ở các câu lạc bộ tự lực, thì có lẽ bây giờ các chị vẫn ở trong một trại cai nghiện, một nhà tù nào đó hoặc cũng có khi đã chết rồi. Ở các nhóm tự lực, các chị gặp những người trước đây đã từng nghiện ma túy như mình nhưng giờ họ đã bỏ được và có công ăn việc làm ổn định. “Lúc đấy mình mới biết rằng ma túy có thể cai được nếu mình quyết tâm, và từ đó tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ, các nhóm tự lực đã giúp mình không quay trở lại con đường đó nữa” - chị Khánh chia sẻ. 

Từ những nhóm tự lực trên địa bàn Hà Nội, tháng 4-2009 các chị đã cho ra đời Liên minh CLB Về nhà trên cơ sở kết hợp của 3 nhóm CLB, bao gồm nhóm Gạch đầu dòng (nhóm của người sử dụng ma túy), nhóm Nơi bình yên (nhóm của các cô gái hành nghề mại dâm) và nhóm Về nhà (nhóm vợ và bạn tình của người sử dụng ma túy, nhiễm HIV). Với 23 thành viên nòng cốt là những người đã từng nghiện ma túy hoặc bán dâm, Liên minh Về nhà phát triển các nhóm thành viên để nâng cao chất lượng sống cho các nhóm đối tượng trên, cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng về phòng chống lây nhiễm HIV và cũng là nơi để cho những người dễ bị tổn thương đến để tập hợp nhau lại, giao lưu, chia sẻ, động viên nhau. Tham gia Liên minh, những người nhiễm HIV, người sử dụng ma tuý và người hành nghề mại dâm được hướng dẫn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tự nguyện và khám chữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tại đây cũng diễn ra các hoạt động tư vấn, tập huấn về các biện pháp giảm tác hại, dự phòng, cấp cứu sốc thuốc, hỗ trợ cai nghiện, cho vay vốn ban đầu để tạo thu nhập, tái hòa nhập cộng đồng…

Không lấy kiến thức từ sách vở thông thường mà bằng chính những gì đã trải nghiệm, các thành viên nòng cốt của CLB hàng ngày đến gặp gỡ từng người nghiện, những người hành nghề bán dâm, những người có vợ hoặc bạn tình sử dụng ma túy để tư vấn, chia sẻ những khó khăn, giúp họ có được kiến thức để  tự bảo vệ mình trong phòng chống HIV/AIDS và những bệnh xã hội khác. Mỗi năm, Liên minh tiếp cận khoảng hơn 1.000 khách hàng như thế.

Ngoài ra, họ còn đến các Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội để giao lưu với những người đang cai nghiện và tìm hiểu nguyện vọng của họ sau khi hoà nhập cộng đồng, từ đó giúp đỡ họ khi họ trở về cuộc sống để tránh tối đa việc tái nghiện. Đối với những người cai nghiện tại nhà, Liên minh sẽ cử thành viên có kinh nghiệm đến giúp họ cắt cơn trong vòng 7 ngày. “Khi họ đến đây cai, họ bảo em bị ròi bò, thì mình cũng biết cảm giác đấy của họ khó chịu như thế nào. Hoặc khi họ uống thuốc cai nghiện thì họ như bị lú, họ có thể chửi bới, đánh, thậm chí nôn ọe, tiểu, đại tiện, thậm chí cởi truồng tồng ngồng… Mình đã từng trải qua rồi, mình không thấy ghê nữa mà ngược lại thấy rất thông cảm với họ. Với những người nghiện, họ về nhà không ai tin họ, họ nói không ai nghe nhưng đến đây ít nhất họ nói có người nghe, họ cười có người cười với họ, họ khóc có người khóc với họ” - chị Khánh chia sẻ.

Đặc biệt với vấn đề cai nghiện ma túy, hiện nay dù Nhà nước đã đầu tư rất nhiều kinh phí cho hoạt động cai nghiện nhưng tỷ lệ tái nghiện cũng rất nhiều. Là những người đã ra vào các trung tâm cai nghiện như cơm bữa, các chị là người hiểu rất rõ những người nghiện cần gì, và để cai được ma túy không phải là ngày một ngày hai, không phải cứ cách ly họ khỏi ma túy một thời gian là họ sẽ hết nghiện. Chính vì thế các chị đã phải cắt cử người theo dõi họ suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, quan tâm hỏi han, giúp đỡ, tạo sinh kế để giúp họ không quay lại con đường cũ nữa.

Theo chị Minh, hiện nay sự kỳ thị đã giảm nhiều, nhưng vẫn có những rào cản vô hình rất lớn đối với người nghiện. Từ kinh nghiệm của mình, chị Minh chia sẻ: Thật ra việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện lâu đến mấy nó không quyết định được việc họ có bỏ nghiện hay không, có người đi trại cả 10 năm nhưng khi ra trại cái việc đầu tiên của họ vẫn là tìm thuốc. Việc cai nghiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như sự quyết tâm của người nghiện, sự hỗ trợ từ phía gia đình, sự hỗ trợ từ phía cộng đồng, xã hội, tạo những cơ hội để họ thay đổi cuộc sống. Vì vậy, xã hội rất cần có cái nhìn nhân văn hơn đối với những người nghiện ma túy.