Họ cũng là những con người

ANTĐ - Bà giáo Hồ Hương Nam đã nói đi nói lại với tôi nhiều lần như thế trong cuộc trò chuyện vào buổi sáng hôm ấy. Dù một thời lầm lỡ, sa chân vào ma túy nhưng giờ đây, với niềm tin và với tình thương của bà giáo già, họ đã sống những cuộc đời bình lặng như bao nhiêu người dân khác của khu An Dương này.
Họ cũng là những con người  ảnh 1


CLB Đoàn kết

Năm 1993, trên địa bàn quận Tây Hồ triển khai 8 mô hình CLB sau cai dành cho những đối tượng nghiện trên địa bàn. Đây được coi là địa chỉ dành cho những người đã tham gia cai nghiện ma túy để họ chia sẻ, giúp đỡ nhau tránh tái nghiện. Nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ B93 có rất nhiều, nhưng điều làm người ta nghĩ về mô hình câu lạc bộ này là việc xây dựng lòng nhân ái, bao dung trong cộng đồng cũng như với người sau cai nghiện; giúp người sau cai nghiện có việc làm ổn định, hiểu biết giá trị lao động và biết quý trọng đồng tiền do mồ hôi công sức của mình tạo ra. Mà cái tên “đoàn kết” của CLB đã nói lên tất cả.

Ngang qua ngõ 76 phố An Dương, nhìn những người đang cặm cụi lao động kia, không ai biết họ đã từng một thời lầm lỡ, tan nát gia đình vì heroin. Khi những hạnh phúc tưởng chừng như không có gì có thể đánh đổi đi mất, họ mới chợt giật mình, và nơi ấy, CLB Đoàn kết như một ngôi nhà hồi sinh không chỉ tâm hồn mà còn là cuộc sống của họ. Trong số những người phục sinh tâm hồn cho những người nghiện không thể không nhắc tới bà giáo Hồ Hương Nam.

Tấm lòng bà giáo già

Người phụ nữ Huế nhỏ nhắn ấy năm nay vừa tròn 80 tuổi, có một cuộc sống êm đềm bên những người con đã trưởng thành. Là người đã nhiều tuổi, đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau lòng từ những gia đình có con nghiện ngập, chứng kiến nhiều gia đình tan nát, khánh kiệt vì ma túy, đó cũng là lý do  khiến bà có mặt ở CLB Đoàn kết ngay từ những ngày đầu. Và cho đến bây giờ, khi tuổi đã cao, sức khỏe cũng đã yếu hơn trước bà vẫn có cảm giác không thể rời nổi cái tập thể nhỏ bé và đặc biệt này. Bà đùa với tôi, thay mấy cấp lãnh đạo rồi nhưng bà thì vẫn ở đó, giúp đỡ các em, các cháu hòa nhập với cộng đồng. 

Khi UBND phường trưng dụng một căn nhà làm địa điểm sinh hoạt cho CLB đồng thời treo biển rửa xe để anh em trong CLB có thể kiếm thêm chút tiền phục vụ cuộc sống cũng khiến cho bà thêm bận bịu. Sáng sáng cứ 6h bà ra mở cửa cho các cháu làm việc, chiều 6h ra đóng cửa, kiểm đếm số tiền kiếm được hàng ngày để cuối tháng còn gửi lương về cho gia đình các cháu. Không chỉ có vậy, bà giáo già còn rất cương quyết không cho các đối tượng xấu rủ rê lôi kéo các thành viên trong CLB. Khi CLB có thành viên mới, lập tức các vệ tinh xuất hiện nhiều hơn trước “trụ sở CLB”, điều đó cũng khiến tần suất có mặt của bà Nam ở đây nhiều hơn. Bà ngăn không cho các đối tượng cò mồi tiếp xúc với anh em trong câu lạc bộ không phải bằng chiến thuật gì cao siêu mà chỉ ngồi cho đối tượng... chờn. 

Trò chuyện với những thành viên trong câu lạc bộ, tôi hiểu được một điều rằng công việc của người phụ nữ ấy không đơn thuần chỉ là đóng mở cửa hàng ngày, ngăn không cho đối tượng xấu tiếp xúc với thành viên CLB mà điều quan trọng là với trách nhiệm là một nhà giáo bà đã biết đánh thức tâm hồn của những người đã từng sa chân vào con đường lầm lỗi. Hơn ai hết, bà chính là người hiểu một cách cặn kẽ tâm tư, tình cảm, cũng như tính khí của từng thành viên trong CLB.

Thậm chí, ngay cả những chuyện vui buồn của họ bà đều hiểu và tìm cách chia sẻ với họ. Hàng ngày, bà dành ra vài tiếng để thủ thỉ tâm tình mỗi khi phát hiện ra điều khác lạ trong mỗi thành viên CLB. Như những cơn mưa mùa xuân, nhỏ nhẹ nhưng thấm sâu từ ngày này qua ngày khác, mỗi thành viên trong CLB đều cảm nhận được tình cảm chân thành mà bà giáo già dành cho họ. 

Tôi đã chứng kiến anh Lê Văn Cương khóc khi nói về bà giáo Hồ Hương Nam, người đã cứu anh ra khỏi heroin. Bà bảo, mỗi khi có cháu nào trong CLB không kiềm chế được bản thân, bị người khác rủ rê đi mua heroin bị các anh công an bắt, trong lòng bà đau như bị ai cứa. Bà buồn vì tâm sức của mình đã bị đổ ra sông ra biển. Có những người thanh niên mạnh mẽ là thế nhưng khi bị bắt vì mua heroin đã quỳ xuống dưới chân bà, xin bà tha tội vì đã làm bà buồn.

Chuyện mới xảy ra cách đây hơn tháng thôi, khi bà phát hiện ra có một cháu tái nghiện. Bà buồn không phải vì thành tích nọ kia mà vì tình thương của mình cứ như đặt không đúng chỗ. Nhưng rồi gạt nỗi buồn sang một bên, người phụ nữ nhỏ bé ấy bằng cái giọng Huế đặc trưng của mình đã gọi người thanh niên bị tái nghiện ấy ra để tâm sự, để níu lại những điều có thể bị vuột mất khỏi tầm tay. Bà bảo, đây cũng là một thủ thuật, anh không nên và không bao giờ nói chuyện với người tái nghiện trước mặt người khác. Anh phải tôn trọng người nghiện vì họ cũng là người, càng không được mạt sát vì như thế không ăn thua. Bà nói với người tái nghiện ấy hãy xin nghỉ 1 tuần để về quê có việc, nhưng thực chất là hành trình cắt cơn cho đối tượng tại nhà. Bà đến tận gia đình thăm hỏi động viên, cùng với gia đình hỗ trợ cắt cơn cho người nghiện. Sau một tuần, cơn đã cắt nhưng những biểu hiện lờ đờ thì vẫn chưa hết, bà đề nghị người vợ tiếp tục ra CLB xin nghỉ thêm vì “việc ở quê vẫn chưa xong”. Sau một tháng, người thanh niên tái nghiện ấy đã hoàn hồn trở lại, anh mua quà bánh đến chung vui với mọi người như vừa đi một chuyến xa nhà trở về. 

Bà kể cho tôi nghe câu chuyện này chợt nhớ lại lần bà cai nghiện tại nhà cho cháu Hoàng Anh và cháu Việt cách đây hơn 10 năm. Đó là lần đầu tiên bà cai nghiện tại nhà cho đối tượng nghiện. 10 ngày vất vả, gia đình cũng không có ai bén mảng đến, giao chìa khóa nhà cho bà luôn. Hàng ngày đến giờ đến bữa, bà mang cơm đến cho các anh, chăm sóc lau rửa cho các anh. Bà ứa nước mắt khi phải xích chân họ lại nhưng không còn cách nào khác vì nếu không làm vậy, khi cơn nghiện lên họ sẵn sàng đập phá mọi thứ và thậm chí hủy hoại cả bản thân. Và sau 10 ngày bà đã cai nghiện thành công cho cả hai người.

Để cai nghiện thành công cho một người hay ngăn người tái nghiện nguyên tắc đầu tiên và duy nhất là phải biết giữ bí mật cho họ. Gần 20 năm gắn bó với CLB từ ngày còn là tình nguyện viên được một chút bồi dưỡng, đến bây giờ bà đã quá tuổi tình nguyện viên không còn được phụ cấp nữa nhưng bà vẫn cần mẫn đi về, không phải vì thành tích mà vì những người nghiện cần bà.  Bà dành tình cảm thì người nghiện cũng dành tình cảm để ứng xử với bà. Bà nói với tôi, đừng cho rằng người nghiện thì không có tình cảm, khi tôi ốm, không ra với anh em được, các em các cháu còn mua quà vào thăm tôi. Đấy họ cũng xứng là con người đấy chứ!

Bến đỗ bình yên

Mỗi người trong CLB Đoàn kết là một thân phận khác nhau nhưng đều có một điểm chung là đã từng dính vào ma túy. 9 người nghiện sinh hoạt trong CLB có người già, người trẻ, có người cả đời dính ma túy như ông Vương Hoa Đông, có người công thành danh toại như Lê Văn Cương... Mỗi người một thân phận nhưng nơi đây đã trở thành bến đỗ bình yên, bao dung cho tất cả mọi người. Tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Hà Nội, làm giảng viên trường ĐH Thủy lợi, rồi Phó Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Giày Da Hà Nội, nhưng sau đó  Lê Văn Cương đã bị bạn bè lôi kéo hút thuốc phiện và cả heroin. Vào trại cai nghiện, anh kể: “Có những lúc nghĩ thà chết quách đi cho xong, nhưng lại nghĩ đến con cái, thấy mình có thêm sức lực để chiến đấu tiếp...”. Hay Nguyễn Văn Đông, khi dính vào ma túy, người vợ không chịu nổi, đã bỏ nhà đi, để lại mẹ già con thơ cho anh. Mức lương 2 triệu đồng ở cơ sở rửa xe của CLB chưa đủ để anh có thể sống nhưng đó là sự nỗ lực hết mình của người thanh niên này sau những vấp váp của cuộc đời. 

Có thể nhiều người cho rằng bà giáo Hồ Hương Nam chỉ là một phần của CLB Đoàn kết, nhưng với những thành viên CLB, bà là một phần quan trọng nhất. Bà đang mang bệnh trong người nhưng bà cho rằng, nếu mình cứ ủ ê với bệnh tật thì cuộc sống này sẽ sớm chấm dứt. Câu chuyện của bà chỉ là một câu chuyện bình dị giữa đời thường nhưng có là người trong cuộc mới thấy hết giá trị của nó.