Hộ chiếu sức khỏe - “chìa khóa” mở lại đường bay, du lịch quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Hộ chiếu sức khỏe điện tử” hay còn gọi là “Hộ chiếu vaccine” đang được xem như là chiếc “chìa khóa” quan trọng giúp mở lại cánh cửa du lịch cũng như các hoạt động thông thương, qua đó vực dậy nền kinh tế thế giới cũng như các quốc gia vốn đã bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong suốt một năm rưỡi qua.
Hộ chiếu vaccine đang được hy vọng sẽ giúp ngành hàng không thế giới phục hồi

Hộ chiếu vaccine đang được hy vọng sẽ giúp ngành hàng không thế giới phục hồi

Hy vọng bắt đầu hồi sinh du lịch quốc tế từ mùa hè năm 2021

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra mới đây ở Thủ đô Brussels của Bỉ, nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên của liên minh đã hoan nghênh sự ra đời và ứng dụng chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 trong toàn khối mang tên “Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU”, đồng thời cho rằng kế hoạch này sẽ giúp phục hồi ngành du lịch ngay trong mùa hè năm nay. Đại diện 27 quốc gia thành viên EU tham dự hội nghị đều cho rằng chứng nhận này sẽ giúp trả lại quyền tự do đi lại cho người dân châu Âu, song song với một kế hoạch riêng biệt nhằm tiếp nhận những khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ từ các nước bên ngoài.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) Ursula von der Leyen cho biết, EU đã đạt được những bước tiến ổn định về công tác tiêm chủng mà theo đó cho phép mở cửa trở lại hoạt động du lịch. Theo bà Leyen, hiện đã có 46% dân số trưởng thành của các nước thành viên EU được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi 300 triệu liều nữa được bàn giao và tổ chức tiêm chủng ngay từ cuối tháng 5-2021. Chủ tịch EC tin tưởng, mục tiêu của EU là tiêm chủng đầy đủ cho 75% số người trưởng thành vào cuối tháng 7 tới, một tỷ lệ có thể giúp đạt được miễn dịch cộng đồng.

“Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU” là một mã QR hiển thị trên màn hình điện thoại thông minh (smartphone), hoặc máy tính bảng và cũng có thể in ra giấy để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia. Mã QR này sẽ cho phép cơ quan chức năng theo dõi dữ liệu dịch tễ liên quan Covid-19 của khách du lịch như họ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không, hoặc đã có kháng thể do từng mắc căn bệnh này.

“Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU” giúp xóa sổ nạn kinh doanh giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19 giả mạo, vốn dựa trên những hình ảnh PDF từ hồ sơ tiêm chủng nhiều quốc gia khác nhau. Vì mã QR sẽ an toàn hơn, trong khi các file PDF được sao chép rất nhiều, thậm chí có cả những trang web có thể dễ dàng tìm thấy các file PDF giả mạo.

Chính vì thế, rất dễ hiểu khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định, chứng nhận kỹ thuật số này là rất quan trọng đối với ngành du lịch của những nước như Áo do nhiều việc làm của nước này phụ thuộc vào du lịch. Lãnh đạo các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Croatia vốn có nền kinh tế phụ thuộc lớn doanh thu du lịch cũng chia sẻ quan điểm trên, đồng thời đều đã bắt đầu triển khai những kế hoạch để chào đón sự trở lại của du khách quốc tế ngay từ mùa hè này.

Trong khi đó, ngày 27-5 vừa qua đánh một dấu mốc đáng nhớ với Israel khi quốc gia Trung Đông này đón đoàn du khách quốc tế đầu tiên tới nước này kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hơn một năm qua. Do đạt được tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao nhất thế giới, Israel hiện hầu như đã hết dịch, có thể tự tin mở cửa đón du khách quốc tế với điều kiện đã tiêm chủng, có xét nghiệm PCR âm tính trước khi lên máy bay và thêm một lần xét nghiệm tại sân bay ở Tel Aviv.

Đặt an toàn lên hàng đầu cho người dân

Dù còn những lo ngại, nhất là những biến chủng virus SARS-CoV-2 mới có thể khiến dịch bệnh Covid-19 dễ lây lan và khó kiểm soát hơn, song không ai phủ nhận vai trò, tác dụng của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 đối với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, giao thương buôn bán, phục hồi nền kinh tế các quốc gia cũng như kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, hộ chiếu sức khoẻ điện tử là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để mở cửa biên giới một cách nhanh chóng, an toàn, hỗ trợ ngành du lịch và hàng không sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

Từ ngày 1-6, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) phối hợp với Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) bắt đầu triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass. Quá trình này gồm việc hành khách tải miễn phí ứng dụng IATA Travel Pass vào điện thoại di động, tạo hồ sơ cá nhân số có ảnh và thông tin hộ chiếu, điền thông tin chuyến bay để được cập nhật về yêu cầu dịch tễ tại điểm đến. Trước khi khởi hành, hành khách phải đặt lịch và đến xét nghiệm hoặc tiêm chủng vaccine Covid-19 tại cơ sở được chỉ định bởi Chính phủ nước sở tại mà đã được đăng ký với IATA. Sau đó chia sẻ kết quả điện tử và xác nhận tình trạng bay với hãng hàng không trước khi bắt đầu hành trình.

Đại diện IATA về Điều hành sân bay, hành khách, hàng hóa và an ninh, Phó Chủ tịch cấp cao Nick Careen nhấn mạnh, hộ chiếu sức khoẻ điện tử là giải pháp tạo điều kiện cho du lịch quốc tế trong thời kỳ đại dịch, mang lại sự yên tâm và bảo đảm hành khách đáp ứng tất cả các yêu cầu về Covid-19 khi nhập cảnh. IATA Travel Pass nắm giữ chìa khóa cho sự tái khởi động của ngành du lịch và lữ hành, một ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của các quốc gia.

Tại họp báo chính phủ đầu tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Thủ tướng Chỉnh phủ đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vaccine. Thực hiện chỉ đạo, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu bởi không có loại vacccine nào đạt hiệu quả 100%.

Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, Việt Nam phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thần tốc tiêm vaccine ngừa Covid-19, chúng hiện đang khẩn trương vừa đàm phán nhập vaccine và thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Việt Nam hiện đã có khoảng 1,2% số dân được tiêm chủng vaccine Covid-19. Bộ Y tế nỗ lực để năm 2021 này có thể cung ứng đủ 150 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và tổng lực tiến hành tiêm vaccine cho khoảng 70% số dân ngay trong năm.