Hiu hắt triển lãm ô tô Việt Nam 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Triển lãm ô tô Việt Nam 2024 (VMS) được giới chuyên môn nhận định là "sân chơi" chủ yếu của các hãng xe Nhật Bản, bởi tính đến nay, lần lượt từng tên tuổi lớn đã rút khỏi VMS trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa sự kiện diễn ra.

Chỉ còn 9 nhà sản xuất ô tô tham gia VMS 2024

Trở lại Việt Nam sau 1 năm tạm hoãn nhưng triển lãm ô tô Việt Nam (VMS) 2024 không hề tăng thêm sức hút từ các nhà sản xuất xe, nhất là những thương hiệu lớn, có tiếng mà trái lại, đến nay chỉ còn 9 thương hiệu ô tô tham dự. Điều gì đã xảy ra với VMS 2024?

Triển lãm Ô tô Việt Nam - Vietnam Motor Show (VMS) - sự kiện xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, sẽ được tổ chức trở lại từ ngày 23 đến 27/10/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM.

Nhưng đến giữa tháng 9, đã có thêm 2 hãng xe rút khỏi sự kiện này, đó là BYD và Volvo. Như vậy, đây là 2 cái tên tiếp theo rút khỏi VMS 2024, sau Volkswagen.

Sự rời đi của BYD và Volvo được xem như tổn thất cho VMS 2024, vì BYD là thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế, được kỳ vọng sẽ phô diễn nhiều công nghệ mới tại sự kiện này, còn Volvo đang được khách Việt quan tâm khi mới đây, mẫu xe điện EC40 đã bị bắt gặp trên đường phố.

Ngoài những hãng xe kể trên, VMS 2024 cũng "vắng bóng" một số thương hiệu lớn như Hyundai, Kia, Mazda, VinFast, Mercedes-Benz,… Chỉ còn 9 hãng xe ô tô tham gia, gồm: Honda, Isuzu, Mitsubishi, Suzuki, Toyota, Subaru, GAC, Skoda và MG; cùng 3 thương hiệu xe máy: Honda, SYM và Yamaha.

Vietnam Motor show 2024 vắng bóng nhiều tên tuổi lớn tham dự

Vietnam Motor show 2024 vắng bóng nhiều tên tuổi lớn tham dự

Trước đó, vào tháng 5, Ford Việt Nam cũng đã rời sân chơi VMS 2024. Lý do được phía đại diện truyền thông của Ford Việt Nam đưa ra là bởi, triển lãm VMS không còn phù hợp với chiến lược và kế hoạch ra mắt sản phẩm của hãng.

Như vậy, có thể thấy "sân chơi" của VMS 2024 chủ yếu vẫn thuộc về các hãng xe Nhật Bản. Đại diện đến từ Trung Quốc chỉ có MG và GAC, trong khi các đơn vị như Wuling, Chery, Haval "im hơi lặng tiếng".

Vietnam Motor Show do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002. Giai đoạn 10 năm đầu, triển lãm luôn thu hút hầu hết các hãng xe tham gia với hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Hoạt động chính là giới thiệu các mẫu xe mới nhất và đi kèm các hội thảo góp ý chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, các thương hiệu lớn bắt đầu rút dần, không tham gia triển lãm.

Theo thông tin trên website của Vietnam Motor Show 2024 thì đơn vị tổ chức năm nay gồm VAMA; Nhóm các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA); Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đồng hành là C.I.S VietNam và Le Bros.

Hiệu quả mờ nhạt, chi phí lớn

Nguyên nhân được nhiều hãng xe lý giải rằng, có nhiều kênh marketing khác hiệu quả hơn và nhiều sân chơi mới được tiếp cận hấp dẫn hơn, trong khi vai trò thúc đẩy chính sách có lợi cho các hãng xe thông qua hoạt động hội thảo của triển lãm đã mờ nhạt.

Ngoài ra, còn do tầm vóc của Vietnam Motor Show đang ngày càng thua kém các triển lãm ô tô tại các nước khác. Trong khi đó, để tham gia VMS, các hãng xe cũng phải chi kinh phí lớn để thúc đẩy sự kiện nhưng hiệu quả mang lại thì ngày càng mờ nhạt.

Một nguyên nhân nữa được một số hãng xe đưa ra là bởi thị trường xe hơi ở Việt Nam từ sau đại dịch Covid-19 đến nay ngày càng khó khăn hơn.

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô đạt 25.196 chiếc trong tháng 8, giảm 13% so với tháng 7.

Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 16%, xe thương mại tăng 1%, xe chuyên dụng giảm 23% so với tháng trước.

Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.064 chiếc, giảm 13% và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.132 chiếc, giảm 13% so với tháng trước.

Nhiều hãng ô tô và xe máy ghi nhận lượng bán thấp hơn tháng liền trước. Đơn cử, doanh số xe máy Honda đạt 178.514 chiếc, giảm 6,7% so với tháng 7. Mảng kinh doanh ô tô đạt doanh số 1.169 chiếc, giảm tới 51,8%.

TC Motor, đơn vị sản xuất, phân phối xe Hyundai, cho biết doanh số tháng 8 là 4.679 chiếc, giảm nhẹ 12,2% so với tháng trước.

Hay như Toyota bán được 4.700 xe trong tháng 8, gồm 1.911 xe lắp ráp trong nước và 2.789 xe nhập khẩu, giảm khoảng 27% so với 6.588 chiếc bán ra tháng 7. Mặc dù hãng vẫn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi với khách hàng như giảm thuế trước bạ, tặng tiền mặt, tặng bảo hiểm vật chất... nhưng vẫn chưa thể kéo doanh số đi lên.

Dẫn đầu Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 8 là Mitsubishi Xforce ghi nhận doanh số 2.504 chiếc - cao hơn rõ rệt các mẫu xe đứng đầu hai tháng trước đó, vốn có lượng bán chỉ từ 1.400 - 1.700 chiếc.