Hít phải khí amoniac bị rò rỉ: Rơi vào hôn mê cực nhanh, khẩu trang cũng vô tác dụng

ANTD.VN - PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, nếu hít phải khí amoniac (NH3) bị rò rỉ, nạn nhân sẽ rơi vào hôn mê cực nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh.

Khoảng 9 giờ sáng qua, 10-10, một vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) đã xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP HCM đã khiến 4 người nhập viện cấp cứu, cả khu dân cư phải di tản khẩn cấp. Gà, chó của dân cũng bị chết ngạt hàng loạt.

Hiện trường vụ rò rỉ khí amoniac nghiêm trọng xảy ra tại TP HCM sáng 10-10

Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ sáng nay, 11-10, PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, amoniac (NH3) là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm.

Amoniac thường được vận chuyển dưới dạng khí hóa lỏng, khi bị rò rỉ ra ngoài thì nó sẽ chuyển thành dạng hơi, phát tán rất nhanh ra không gian. Khí này lại nặng hơn không khí nên không bốc lên cao được mà bay thấp gần dưới mắt đất. Về tính hóa học của amoniac, chất này gây ngộ độc thần kinh.

Hơn nữa, khi vào trong máu thì amoniac tan trong nước và làm tăng pH của máu, gây ra rất nhiều tác hại. Tất cả cộng hưởng lại, khi con người hít phải một hàm lượng amoniac nhất định thì sẽ nhanh chóng bị hôn mê.

"Đặc biệt, ngưỡng gây độc của amoniac rất hẹp, khi chúng ta phát hiện ra có mùi amoniac, thấy cay mắt, lúc này con người vẫn rất tỉnh táo nhưng chỉ cần nồng độ tăng cao một chút thì đã chuyển sang hôn mê rất nhanh. Ngưỡng này rất hẹp, khiến cho người ở trong vùng rò rỉ khí amoniac rất khó phát hiện để tự chạy thoát khỏi vùng rò rỉ khí đó vì khi ngửi thấy mùi, thấy cay mắt thì đã nhanh chóng hôn mê rồi" - PGS Trần Hồng Côn nói.

Cũng theo ông Côn, do tính chất gây độc nguy hiểm như vậy, những người chạy vào để cứu các nạn nhân hôn mê do hít phải khí amoniac cũng rất dễ bị hôn mê, ngộ độc theo. Đáng chú ý, đeo khẩu trang cũng không có tác dụng, ngay cả các loại khẩu trang có than hoạt tính cũng chỉ mang lại tác dụng phòng ngộ độc khí amoniac trong thời gian rất ngắn.

"Do vậy, để vào cấp cứu những nạn nhân này thì bắt buộc phải đeo mặt nạ bảo hộ chuyên dụng thì mới đảm bảo an toàn. Những bệnh nhân được chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng rò rỉ khí amoniac cần nhanh chóng được sơ cấp cứu bằng hô hấp nhân tạo, cho thở ô xy và chuyển đi viện càng sớm càng tốt" - PGS Trần Hồng Côn khuyến cáo.

Đã có 4 người phải nhập viện, gà, chó chết hàng loạt do hít phải khí amoniac trong vụ rò rỉ amoniac tại TP.HCM

Amoniac (NH3) là chất hóa học tự nhiên trong bầu không khí. Con người hàng ngày vẫn hấp thu một lượng nhỏ chất này vào cơ thể nhưng có thể tự đào thải được qua nước tiểu và một ít trong hơi thở. Tuy nhiên, nếu hít phải hay tiếp xúc với khí này với nồng độ cao sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Ở nước ta, thời gian qua những vụ tai nạn do rò rỉ khí amoniac trong quá trình vận chuyển khí hay hoạt động sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp thi thoảng vẫn xảy ra, khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu.

Theo các bác sĩ, nếu tiếp xúc với nồng độ cao amoniac trong không khí sẽ gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp. Điều này có thể phá hủy đường thở dẫn đến suy hô hấp. Hít nồng độ thấp hơn có thể gây ho và kích ứng mũi họng, kích ứng mắt gây chảy nước mắt. Còn những người tiếp xúc trực tiếp với amoniac đậm đặc thì da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng, vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi, hoặc tử vong.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy amoniac gây ung thư, cũng không có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với nồng độ amoniac tìm thấy trong môi trường gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các hiệu ứng phát triển khác.