“Hình hài” hai quận mới của Thủ đô

ANTĐ - Ngày 29-11, thông tin mới nhất từ huyện Từ Liêm cho biết, tên gọi ban đầu của 2 quận mới là Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, tên này chỉ là tạm thời trong giai đoạn xin ý kiến người dân. Phương án cuối cùng sẽ chốt khi UBND TP trình HĐND TP Hà Nội.

Từ Liêm có hàng chục khu đô thị lớn, hiện đại nhất nhì Thủ đô Hà Nội

Thời điểm chín muồi

Theo đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, với dân số đông hơn 550.000 người và hiện trạng đô thị hóa, tốc độ xây dựng đô thị cao như hiện nay, nếu cứ để một đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện việc quản lý Nhà nước trên địa bàn theo các quy định về quản lý địa bàn nông thôn, sẽ không còn phù hợp. Đặc biệt, dự báo, trong khoảng 1-2 năm tới, do tăng cơ học, dân số của huyện Từ Liêm sẽ đạt trên 600.000 người.

Hiện nay, trên địa bàn Từ Liêm đã có các công trình quan trọng của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia; trụ sở các cơ quan Trung ương như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Dạo qua chuỗi khu đô thị dọc đường Phạm Văn Đồng, đường Phạm Hùng (Mỹ Đình I, Mỹ Đình II, Mễ Trì Hạ, Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì...) và nhiều công trình hiện đại như toà nhà Keangnam, hàng loạt khu đô thị lớn khác như Khu đô thị Nam Thăng Long, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, Khu đô thị Tây Hồ Tây... sẽ thấy quá trình đô thị hóa ở Từ Liêm là rất nóng.

Nếu giữ mô hình cũ, UBND huyện Từ Liêm cho rằng, việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, quản lý quá trình phát triển kinh tế-xã hội sẽ không đảm bảo hiệu quả và yếu tố bền vững. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng cần phải đổi mới về tổ chức và cơ chế hoạt động. Bởi vậy, việc tách huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận để có mô hình quản lý đô thị phù hợp, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, huyện Từ Liêm nằm trọn trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội. Do đó, việc tách huyện thành 2 quận là hoàn toàn phù hợp quy hoạch. Thêm vào đó, với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số chóng mặt trong hơn 10 năm vừa qua, Từ Liêm đã hội tụ đủ các điều kiện để trở thành quận.

Chia tách thế nào?

Cũng tại đề án này, UBND huyện Từ Liêm đã đề xuất thành lập 2 quận mới với tên gọi quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm. 23 phường thuộc 2 quận mới sẽ được hình thành trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ 1 thị trấn và 15 xã hiện nay. Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm thuộc phần đất ở phía Bắc huyện Từ Liêm hiện tại bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ. Đơn vị hành chính dự kiến trực thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường: Thượng Cát; Tây Tựu; Liên Mạc; Thụy Phương; Đông Ngạc 1; P.Đông Ngạc 2; Xuân Đỉnh 1; Xuân Đỉnh 2; Phú Diễn 1; Phú Diễn 2; Minh Khai; Cổ Nhuế 1; Cổ Nhuế 2. Trụ sở làm việc của quận Bắc Từ Liêm dự kiến tại khu đất nông nghiệp xã Minh Khai với diện tích khoảng 20ha.

Trong khi đó, quận Nam Từ Liêm thuộc phần đất phía Nam huyện Từ Liêm hiện tại bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính 7 xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ và phần lớn diện tích tự nhiên xã Xuân Phương (phía Nam QL 32) và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía Nam QL 32). Đơn vị hành chính dự kiến trực thuộc gồm 10 phường: Mễ Trì; Trung Văn; Tây Mỗ; Đại Mỗ; Phú Đô; Mỹ Đình 1; Mỹ Đình 2; Cầu Diễn; Xuân Phương 1; Xuân Phương 2. Trụ sở làm việc sẽ sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan của huyện Từ Liêm đang sử dụng (4ha) đã được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ.

Chiều 29-11, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Khánh Thăng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Từ Liêm cho biết, không khí chuẩn bị cho đề án điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm theo chỉ đạo của Chính phủ đang rất khẩn trương. Trong ngày 29 và 30-11, huyện sẽ tập trung in ấn, phát giấy mời, tuyên truyền trên hệ thống truyền thông cơ sở để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin. Từ chiều 30-11, các xã sẽ đồng loạt tổ chức họp lấy ý kiến người dân theo đúng quy định”.

Về tên 2 quận mới nêu trong đề án (Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm), ông Nguyễn Khánh Thăng cho biết, đây chỉ là tên gọi tạm thời chứ chưa phải phương án chính thức. Người dân sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để tìm ra phương án tên quận hay, ý nghĩa và phù hợp nhất. Chỉ sau khi tập hợp đầy đủ ý kiến nhân dân, phương án tên quận mới được chốt để trình TP. “Chúng tôi đã lên tiến độ tới từng ngày và huyện Từ Liêm chắc chắn sẽ hoàn thành các công đoạn theo đúng quy định trước ngày 5-12 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội” – ông Nguyễn Khánh Thăng chia sẻ.