Hình hài cũ chùa nghìn tuổi nay còn đâu?

ANTD.VN - Chùa Thắng Nghiêm thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Vì chùa thuộc địa phận thôn Khúc Thủy nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là chùa Khúc Thủy. Theo thư tịch cổ còn lưu giữ được thì chùa được khởi dựng vào thời Vua Lý Công Uẩn. Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép rằng: “Năm 1.010 mùa thu tháng 7, Vua Lý Thái Tổ từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La... Trong thành làm chùa ngự Hưng Thiên và tinh lâu Ngũ Phượng, ngoài thành về phía Nam dựng chùa Thắng Nghiêm”….

Lịch sử nghìn năm dâu bể, ngôi chùa cổ gần đây bỗng có một diện mạo mới hoàn toàn, một số công trình xây dựng mới cực kỳ hoành tráng và đương nhiên không liên quan đến truyền thống. Hình hài cũ của chùa cổ vì thế cũng không còn ai có thể nhận ra.

Lệch chuẩn kiến trúc

Tồn tại suốt cả chiều dài lịch sử, chùa Khúc Thủy đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn, song Tam bảo và hai dãy nhà phía bên trái vẫn giữ được vẻ cổ kính với kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn tôn giáo vùng Đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, từ khoảng những năm 2010 trở lại đây, chùa được tu bổ hoành tráng với quy mô gấp nhiều lần chùa cổ trước đây. Và kể cũng lạ, trong suốt quá trình xây dựng công khai, với nhiều hạng mục mới, kéo dài vài năm trời, chính quyền địa phương không biết.

Với nhiều công trình kiến trúc mới xây, đứng giữa sân chùa, có cảm giác như đang lạc vào một công trình kiến trúc nào đó Trung Quốc hay Thái Lan hoặc Ấn Độ… chứ tuyệt đối không phải công trình tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.

Gian Tam bảo - di tích gốc, dù được giữ nguyên, nhưng xung quanh là hơn 100 tượng Phật với kích thước lớn, được tạo tác ngồi trên tòa sen, phía dưới bệ gắn tên người công đức. Bên cạnh là 3 khối nhà nhiều tầng được xây dở ở khu đất phía bên cạnh. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, kiến trúc mới xây dựng của chùa Khúc Thủy rõ ràng không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc bộ và đương nhiên, làm ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc cũ của ngôi chùa từng được xếp hạng Di tích Quốc gia về nghệ thuật kiến trúc vào năm 1991.

Chủ trì cuộc làm việc tại di tích vào sáng 2-11, ông Trương Minh Tiến cho biết, theo Luật Di sản Văn hóa, các hạng mục tu bổ phải được sự thỏa thuận của Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL.

Hình hài cũ chùa nghìn tuổi nay còn đâu? ảnh 2Những hình ảnh ở chùa Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội

Chậm chạp khắc phục sai phạm

Trước đó, tháng 8-2017, đã từng có một đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hiện trạng chùa. Sau đó, đoàn Thanh tra đã có Công văn số 3015 chỉ ra cụ thể những phần vi phạm.

Dù xây dựng ngoài vùng bảo vệ cũng ảnh hưởng đến cảnh quan chung của ngôi chùa. Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia cho những công trình văn hóa lịch sử có từ xa xưa, mang bản sắc riêng của người Việt, không phải cho những công trình xây mới. Tôi đánh giá sự việc vi phạm ở chùa Khúc Thủy còn lớn hơn hiện tượng tu bổ không phép ở chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ cách đây 5 năm”.

Giáo sư Trần Lâm Biền

Động thái tiếp theo, UBND huyện Thanh Oai có Công văn số 1261/UBND-VHTT gửi UBND xã Cự Khê và Ban Quản lý di tích chùa Khúc Thủy yêu cầu khắc phục hậu quả việc tự ý tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử của Khúc Thủy, đồng thời yêu cầu, báo cáo về việc xây dựng, mời Hội đồng giám định cổ vật xác nhận các hiện vật trong di tích để đối chiếu hiện trạng và hồ sơ xếp hạng, tuyên truyền giải thích với nhà chùa di dời các pho tượng…

Mọi việc phải hoàn thành trước 12-9-2017. Thế nhưng, từ đó đến thời điểm ngày 2-11, quá trình sửa sai vẫn chưa tiến hành được bao nhiêu. Yêu cầu di dời tượng ra khu đất mở rộng vẫn chưa thực hiện.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Trần Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL cho biết, việc tu bổ và đưa thêm rất nhiều hiện vật (tượng Phật với kích thước rất lớn) vào di tích đều không có sự thỏa thuận của Bộ. Phó Cục trưởng Cục Di sản cho biết thêm, rất may là chỉ có một số bức tượng thờ ở gian Tam Bảo bị sơn lại, còn đâu kiến trúc Tam Bảo này vẫn được giữ nguyên. Theo báo cáo của địa phương, công trình xây dựng hoành tráng kia thuộc phần đất mới được cấp thêm. Tuy nhiên, kể cả xây dựng trên khu đất mới cấp liền kề thì cũng phải phân định rõ khu nào di tích cũ được xếp hạng bảo tồn, khu nào là mới xây, đồng thời phải có biện pháp khoanh vùng bảo vệ. Nếu cứ xây dựng cũ mới lẫn lộn thì đương nhiên ảnh hưởng đến cảnh quan di sản quốc gia.

“Việc tu bổ và đưa thêm rất nhiều hiện vật (tượng Phật với kích thước rất lớn) vào di tích đều không có sự thỏa thuận của Bộ. Phó Cục trưởng Cục Di sản cho biết thêm, rất may là chỉ có một số bức tượng thờ ở gian Tam Bảo bị sơn lại, còn đâu kiến trúc Tam Bảo này vẫn được giữ nguyên”.

Ông Trần Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

“Kiến trúc mới xây dựng của chùa Khúc Thủy rõ ràng không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc bộ và đương nhiên, làm ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc cũ của ngôi chùa từng được xếp hạng Di tích Quốc gia về nghệ thuật kiến trúc vào năm 1991”.

Ông Trương Minh Tiến (Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội)

Yêu cầu làm rõ nguồn gốc phần diện tích đất “cung tiến”

Chiều 3-11, Sở VH-TT Hà Nội đã có văn bản số 4141/SVH&TT-QLDT gửi Bộ VH-TT&DL, UBND TP Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa về việc quản lý và xây dựng tại di tích chùa Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Căn cứ hồ sơ xếp hạng di tích, hiện trạng khu vực bảo vệ di tích và báo cáo số 520/UBND ngày 21-9-2017 của UBND huyện Thanh Oai cho thấy, các khối nhà xây dựng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; các hạng mục kiến trúc tại thời điểm lập hồ sơ xếp hạng vẫn tồn tại, gồm các hạng mục: Tam quan, chùa chính (tiền đường và thượng điện), nhà Tổ, nhà bia và tháp mộ. Phạm vi khu vực bảo vệ di tích được xây tường bao ở phía trước, hai bên và phía sau không có tường bao ngăn cách với xung quanh. Một số hiện vật đưa mới vào phạm vi di tích gồm gần 100 pho tượng Phật sơn màu vàng, đỏ có gắn tên người công đức, 1 tượng Phật đá trắng và đôi sư tử đá phía trước sân tiền đường, sân phải chùa có các am đá (51 am)

Sở VH-TT đề nghị UBND huyện Thanh Oai: Tổ chức cắm mốc giới khu vực di tích, tổ chức quản lý mặt bằng và không gian di tích chùa Khúc Thủy theo quy định tại Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội. Tuyên truyền giải thích, vận động nhà chùa, nhân dân… bỏ trải thềm nền nhà Tiền đường, các tranh trang trí không phù hợp, mảng rèm trang trí nhà Tổ, đôi sư tử đá trước Tam Bảo xong trước tháng 11-2017. Có kế hoạch thực hiện di dời những pho tượng Phật, vật kiến trúc không có tại thời điểm xếp hạng di tích ra ngoài khuôn viên di tích, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, không để xảy ra vi phạm mới.

Có báo cáo làm rõ nguồn gốc đất phần diện tích “cúng tiến” cho nhà chùa sử dụng. Tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật có trong di tích, sắp xếp bài trí tượng trên Tam Bảo.

Quỳnh Vân